Cập nhật: 17/09/2023 07:50:00
Xem cỡ chữ

Quy mô đào tạo bậc thạc sĩ của nhiều cơ sở đào tạo đang bùng nổ về mặt số lượng, song những điều kiện cần thiết để bảo đảm chất lượng lại thiếu và yếu. Vì vậy, trong khi quy mô đào tạo ngày càng cao thì chất lượng chất lượng đào tạo sau đại học lại có chiều hướng suy giảm, chưa đạt được như mong đợi.

Chất lượng chưa đạt kỳ vọng

Tại Hội thảo quốc tế “Đảm bảo chất lượng đào tạo sau đại học theo định hướng ứng dụng: Kinh nghiệm quốc tế và thực tiễn Việt Nam” do Trường ĐH Thủ đô Hà Nội tổ chức ngày 16/9, các nhà quản lý và những người làm chuyên môn đều đưa ra đánh giá về sự phát triển mạnh mẽ của giáo dục sau đại học trên toàn cầu trong những năm qua. Trước bùng nổ ứng dụng công nghệ và sự hội nhập ngày càng sâu rộng, yêu cầu nguồn nhân lực có kiến thức và kỹ năng ứng dụng ngày càng được nâng cao. Điều này đặt ra một thách thức lớn đối với các trường đại học và các cơ sở đào tạo sau đại học.

Dao tao thac si mo rong so luong nhung thieu dieu kien dam bao chat luong hinh anh 1

Hội thảo quốc tế “Đảm bảo chất lượng đào tạo sau đại học theo định hướng ứng dụng: Kinh nghiệm quốc tế và thực tiễn Việt Nam”.

Theo GS.TS.NGND Nguyễn Thị Mỹ Lộc, đào tạo sau đại học đã đóng vai trò chính trong đào tạo, cung ứng nhân lực có trình độ thạc sĩ và tiến sĩ. Tuy nhiên, việc phân cấp, phân quyền quản lý nhà nước về giáo dục nói chung và đào tạo sau đại học nói riêng giữa Bộ GD-ĐT với các Bộ, cơ quan ngang Bộ, địa phương được ghi nhận là vẫn còn nhiều lúng túng.

“Nhìn chung, quản lý nhà nước về đào tạo sau đại học ở Việt Nam vẫn theo mô hình quản lý tập trung. Mặc dù đào tạo sau đại học ở Việt Nam đã triển khai được gần 5 thập kỷ, song người học sau khi được cấp bằng vẫn chưa được quan tâm đãi ngộ xứng đáng, thậm chí còn nhiều bất hợp lý trong bố trí sử dụng. Hiện nay, chúng ta vẫn thiếu vắng một cơ chế sử dụng và đãi ngộ nhân tài phát huy trí tuệ khoa học, do đó chưa thực sự khuyến khích người học phấn đấu trong học tập, nghiên cứu”,  GS.TS.NGND Nguyễn Thị Mỹ Lộc nhấn mạnh.

GS.TS.NGND Nguyễn Thị Mỹ Lộc cũng cho rằng, chất lượng đào tạo sau đại học trong những năm qua chưa tương xứng với yêu cầu đặt ra, chưa đáp ứng yêu cầu cung cấp nguồn nhân lực trình độ cao cho đất nước trong giai đoạn đổi mới ngày càng mạnh mẽ. Qua các báo cáo tổng kết đánh giá về công tác chất lượng đào tạo sau đại học những năm qua của Bộ GD-ĐT cho thấy: "Quy mô đào tạo bậc thạc sĩ của nhiều cơ sở đào tạo đang bùng nổ về mặt số lượng, song những điều kiện cần thiết để bảo đảm chất lượng lại thiếu và yếu. Vì vậy, trong khi quy mô đào tạo ngày càng cao thì chất lượng chất lượng đào tạo sau đại học lại có chiều hướng suy giảm, chưa đạt được như mong đợi của những người làm giáo dục và xã hội.

Đồng quan điểm, PGS.TS Nguyễn Vũ Bích Hiền, Hiệu trưởng Trường Đại học Thủ đô Hà Nội cho biết, đến nay, nhân lực một số ngành của Việt Nam như: y tế, cơ khí, công nghệ, xây dựng đã đạt trình độ khu vực và quốc tế. Tuy nhiên, công tác đào tạo nhân lực trình độ cao nói chung, trong đó có đào tạo sau đại học vẫn còn nhiều bất cập, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Dao tao thac si mo rong so luong nhung thieu dieu kien dam bao chat luong hinh anh 2

Tháo gỡ nút thắt, nâng cao chất lượng đào tạo

Bàn về giải pháp tháo gỡ, theo GS.TS.NGND Nguyễn Thị Mỹ Lộc, để đạt được chất lượng cũng như hiệu quả đào tạo sau đại học thì trước hết phải đảm bảo số lượng và chất lượng các cơ sở đào tạo, bảo đảm đội ngũ giảng viên, nhà khoa học, bảo đảm nguồn và tuyển chọn được đúng đối tượng đào tạo. Từ đó tiến hành rà soát cơ cấu ngành nghề đào tạo để có cơ sở đề xuất các giải pháp điều chỉnh cơ cấu ngành nghề đào tạo phù hợp với nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội nói chung và phát triển từng lĩnh vực ngành khoa học nói riêng. Đồng thời Hoàn thiện chính sách, chế độ đối với đội ngũ giảng viên, nhà khoa học , đối với người có trình độ thạc sĩ, tiến sĩ để có căn cứ tạo động lực, nâng cao chất lượng…

Cùng chia sẻ kinh nghiệm tại Hội thảo quốc tế “Đảm bảo chất lượng đào tạo sau đại học theo định hướng ứng dụng: Kinh nghiệm quốc tế và thực tiễn Việt Nam”, GS.TS Philip Hallinger đến từ Đại học Mahidol (Bangkok, Thái Lan) nhấn mạnh, nguyên tắc mà các trường cần định hướng nhằm đảm bảo và nâng cao chất lượng đào tạo sau đại học là: Bạn đã làm gì để sinh viên yêu thích đến trường? Hành động của bạn là gì để hỗ trợ cho việc dạy – học? Định hướng, chỉ đạo của nhà trường như thế nào để giúp cho sinh viên học tập tốt nhất? GS.TS Philip Hallinger cho rằng, chúng ta hãy bắt đầu từ những điều nhỏ bé và đưa những vấn đề thực tiễn vào giảng dạy. Để có kết quả, cần phải có thời gian.

Dao tao thac si mo rong so luong nhung thieu dieu kien dam bao chat luong hinh anh 3

GS.TS Philip Hallinger đến từ Đại học Mahidol (Bangkok, Thái Lan).

Về phía đại diện đến từ Đại học Tokyo Kasei Gakuin, Nhật Bản - GS.TS Yusuke EDA Shingo, ông cho rằng đảm bảo chất lượng trong giáo dục đại học ngày càng trở nên cần thiết khi xã hội ngày càng toàn cầu hóa. Ở các trường sau đại học chuyên nghiệp, việc kiểm định để đảm bảo chất lượng giáo dục khắt khe hơn so với các trường sau đại học thông thường. Tuy nhiên, điều này đã dẫn đến một hệ thống giáo dục đại học khép kín chỉ giới hạn ở các lĩnh vực chuyên môn trong nước. Việc giải quyết mâu thuẫn này đòi hỏi sự chú ý không chỉ đến tiêu chuẩn bằng cấp, tín chỉ mà còn đến sự phát triển nghề nghiệp chuyên môn của sinh viên. Theo GS.TS Yusuke EDA Shingo, cần cải cách giáo dục đại học song song với việc công nhận lẫn nhau về trình độ nghề quốc tế.

Theo PGS.TS Phạm Quốc Khánh – Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng Bộ GD-ĐT, các cơ sở đào tạo nắm vai trò quyết định trong việc tự nâng cao năng lực của mình. Bộ GD-ĐT rất quan tâm và đánh giá cao việc tổ chức hội thảo của Trường Đại học Thủ đô Hà Nội và cho rằng, đây là cơ hội quý để các chuyên gia, nhà quản lý giáo dục, giảng viên trong nước có thêm nhiều giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo sau đại học theo định hướng ứng dụng.

Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng Bộ GD-ĐT đề nghị, sau hội thảo, Ban tổ chức có tổng thuật, gửi kèm theo tài liệu để Cục Quản lý chất lượng tham khảo để kịp thời cập nhật, bổ sung các quy định, hướng dẫn liên quan nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng đào tạo sau đại học.

Theo Nguyễn Trang/VOV.VN– 16/9/2023

https://vov.vn/xa-hoi/dao-tao-thac-si-mo-rong-so-luong-nhung-thieu-dieu-kien-dam-bao-chat-luong-post1046401.vov