Cập nhật: 21/09/2023 07:42:00
Xem cỡ chữ

Các địa phương chỉ ra những hạn chế, bất cập trong tổ chức thi tốt nghiệp THPT. Theo đó, đề xuất giải pháp để tổ chức tốt hơn trong năm 2024, định hướng tổ chức kỳ thi từ năm 2025 theo Chương trình GDPT 2018.

Ngày 20/9, tại Hội nghị tổng kết công tác tổ chức thi tốt nghiệp THPT năm 2023, triển khai công tác thi tốt nghiệp THPT năm 2024, PGS.TS Huỳnh Văn Chương, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD-ĐT) đã thẳng thắn đề cập một số hạn chế, bất cập trong công tác tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT.

Cụ thể, trong quá trình trông thi, một số thí sinh cố tình vi phạm quy chế thi (sử dụng điện thoại trong khu vực thi) và một số giáo viên chưa thực hiện đúng, đủ quy trình khi coi thi. Bên cạnh đó, việc điều động giảng viên, giáo viên thực hiện nhiệm vụ quốc gia trong công tác xây dựng ngân hàng câu hỏi thi, ra đề thi còn nhiều khó khăn, ảnh hưởng đến công tác ra đề thi và xây dựng ngân hàng câu hỏi thi.

Một số Sở GD-ĐT chưa thực sự chủ động xử lý công việc thuộc thẩm quyền, vẫn còn tình trạng xin ý kiến Bộ Giáo dục và Đào tạo những công việc thuộc phạm vi và thẩm quyền của các Sở.

cac dia phuong kien nghi khac phuc bat cap trong to chuc thi tot nghiep thpt hinh anh 1

  • Hội nghị tổng kết công tác tổ chức thi tốt nghiệp THPT năm 2023, triển khai công tác thi tốt nghiệp THPT năm 2024
 

Đề xuất giải pháp khắc phục khó khăn, bất cập, đại điện Sở GD-ĐT Hà Nội khiến nghị, tiếp tục giữ ổn định phương thức tổ chức kỳ thi năm 2024 như năm 2023, nhất là ổn định về thời gian tổ chức (tuần cuối của tháng 6/2024) để các địa phương có cơ sở xây dựng kế hoạch hoạt động chung của ngành; giữ ổn định khung thời gian tổ chức các khâu của kỳ thi như năm 2023 để các địa phương có quy mô thí sinh lớn kịp tiến độ tổ chức, thực hiện.

Cùng với đó, Bộ tiếp tục nghiên cứu, cập nhật, chỉnh sửa, bổ sung, hoàn thiện các chức năng của phần mềm Quản lý thi, tạo thuận lợi cho thí sinh và các đơn vị đăng ký dự thi, đơn vị trực tiếp tổ chức thi.

Với kỳ thi năm 2025, Sở GD-ĐT Hà Nội đề xuất Bộ nghiên cứu xây dựng và công bố phương án thi tốt nghiệp năm 2025 trong học kỳ I của năm học 2023 - 2024 (kèm theo bộ đề minh họa các môn thi) nhằm giúp các địa phương xây dựng được kế hoạch tổ chức dạy học, ôn tập và định hướng thi cho học sinh  theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Thảo luận tại hội nghị, đại diện các địa phương cũng đồng tình với báo cáo đánh giá của Bộ Giáo dục và Đào tạo về tổ chức thi năm 2023 và phương hướng tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 cũng như phương hướng tổ chức thi từ năm 2025 theo chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Rút kinh nghiệm trong việc phối hợp đảm bảo an ninh, an toàn của kỳ thi những năm vừa qua, Thiếu tướng Trần Đình Chung, Phó cục trưởng Cục An ninh chính trị nội bộ, Bộ Công an đề xuất cần tăng cường các giải pháp phòng chống gian lận công nghệ cao trong tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 và những năm tiếp theo.

cac dia phuong kien nghi khac phuc bat cap trong to chuc thi tot nghiep thpt hinh anh 2

Thiếu tướng Trần Đình Chung, Phó cục trưởng Cục An ninh chính trị nội bộ (Bộ Công an)

"Tăng cường ứng dụng và thí điểm các giải pháp về kỹ thuật công nghệ thông tin để phòng ngừa phát hiện các trường hợp sử dụng công nghệ cao gian lận trong thi cử. Đồng thời, công an các địa phương bố trí máy phá sóng, thiết bị kiểm tra an ninh cầm tay tại khu vực in sao đề thi, coi thi, chấm thi. Trước khi thực hiện thì cần làm tốt công tác tuyên truyền để cho giáo viên thí sinh và xã hội hiểu rằng việc kiểm tra an ninh an toàn như trên là để phòng ngừa, bảo vệ chính những người tham gia tổ chức kỳ thi, bảo vệ sự công bằng thí sinh và tạo cho xã hội có cái nhìn khách quan về tính nghiêm minh nghiêm túc của kỳ thi", Thiếu tướng Trần Đình Chung nói.

Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 sẽ kỳ thi cuối theo Chương trình GDPT 2006 và từ năm 2025, kỳ thi sẽ tổ chức theo Chương trình GDPT 2018.

Theo lãnh đạo Bộ GD-ĐT, từ năm 2025 sẽ tổ chức thi tốt nghiệp THPT theo môn, gồm: Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ, Lịch sử, Vật lí, Hóa học, Sinh học, Địa lí, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Tin học, Công nghệ; trong đó một số môn bắt buộc và một số môn lựa chọn.

Nội dung thi bám sát mục tiêu của Chương trình GDPT 2018, chủ yếu là chương trình lớp 12. Đề thi theo hướng tăng cường đánh giá năng lực, phù hợp với quy định và lộ trình triển khai Chương trình GDPT 2018. Môn Ngữ văn thi theo hình thức tự luận; các môn còn lại thi theo hình thức trắc nghiệm. Ngân hàng câu hỏi thi và đề thi cho tất cả các môn được xây dựng theo định hướng chú trọng đánh giá năng lực.

Về phương thức tổ chức thi và lộ trình thực hiện giai đoạn 2025 - 2030, sẽ giữ ổn định phương thức thi trên giấy; đồng thời tăng cường ứng dụng hiệu quả CNTT, từng bước thí điểm thi trên máy tính đối với các môn thi trắc nghiệm ở các địa phương có đủ điều kiện (có thể kết hợp giữa thi trên giấy và thi trên máy tính).

Theo Thiên Bình/VOV.VN - 20/9/2023

https://vov.vn/xa-hoi/cac-dia-phuong-kien-nghi-khac-phuc-bat-cap-trong-to-chuc-thi-tot-nghiep-thpt-post1047228.vov