Chị Phạm Thu Hà hao tổn tâm trí với công việc phó ban đại diện cha mẹ học sinh nhưng vẫn thường xuyên nhận về lời trách móc mỗi khi có chuyện không như ý xảy ra.
Những tin nhắn thả vào thinh không
Chị Phạm Thu Hà (35 tuổi, Nam Từ Liêm, Hà Nội) không thể nhớ hết những lần nhắn tin trên nhóm lớp như gửi vào thinh không. Không một ai hồi đáp câu hỏi hay lời đề nghị từ chị.
"Nhiều lúc chúng tôi thấy mình như osin, tất bật lo việc cho gia chủ, không có quyền phàn nàn hay yêu cầu sự trợ giúp, làm không tốt là bị chê trách, phàn nàn. Nhưng trên thực tế, chúng tôi lại không phải osin, không nhận lương để làm việc đó", chị Hà tâm sự.
Chị Hà có hai năm tham gia ban đại diện cha mẹ học sinh của lớp con gái, nhận nhiệm vụ phó ban. Chị có văn phòng luật riêng, công việc chủ động về thời gian. Do đó chị giáo viên chủ nhiệm đề xuất chị giúp lớp, chị đồng ý tham gia.
Con chị Hà học trường tư, phụ huynh phần đa khá giả. Do đó, chị Hà không nghĩ rằng hai năm làm công tác phụ huynh của lớp lại vất vả như vậy.
Việc thống nhất thu quỹ lớp 500 ngàn đồng/học sinh/năm học nhanh chóng được các phụ huynh thông qua trong cuộc họp đầu năm. Nhưng sau đó, chị Hà nhận ra dường như phần lớn phụ huynh nghĩ đóng tiền là xong nhiệm vụ.
Ngày hội thể thao của học sinh Trường mầm non Vinschool Gardenia (Ảnh: HH).
Sự việc đầu tiên là ngày 20/11, chị Hà nhắn tin lên nhóm lớp đề nghị các phụ huynh bố trí đến trường để cùng Ban đại diện cha mẹ học sinh tặng hoa các thầy cô. Việc tặng hoa diễn ra đầu giờ sáng. Mỗi phụ huynh nhận nhiệm vụ tặng hoa một thầy cô để sau đó kịp đến công sở làm việc.
Không một ai đáp lời chị. Vài giờ sau, một vài người nhấn "like", "thả tim" và không nói gì.
Kết quả, ba người trong ban phụ huynh mất hơn nửa tiếng để hoàn thành công việc. Trưởng ban đại diện cha mẹ phụ huynh mất 1/4 ngày lương vì chấm công muộn.
Những ngày trước đó, họ đã phải chia nhau đi tìm chỗ đặt hoa, chỗ in thiệp, làm sao để có bó hoa đẹp, trang trọng tặng thầy cô vào dịp hoa tăng giá chóng mặt mà chi phí không được phép vượt quá 250.000 đồng/bó.
Sự việc tiếp theo là ngày hội thể thao. Đây là sự kiện kết nối nhà trường - gia đình - học sinh. Chị Hà lại lên nhóm vận động các bố mẹ tham gia.
Mỗi lớp cần có phụ huynh đăng ký chạy cùng con, cần phụ huynh làm công tác huấn luyện viên cho đội bóng, đội kéo co, phụ trách đội cổ vũ… Một lần nữa, đáp lại chị Hà là sự lặng và vài lượt "thả tim".
"Chưa bao giờ tôi thấy ác cảm với trái tim như lúc đó", chị Hà bày tỏ.
Chị Hà tế nhị nhắn tin riêng cho một số phụ huynh mà chị cảm giác họ có sự quan tâm nhiều hơn tới các hoạt động ở trường của con cái. May mắn có một phụ huynh nhận lời, 3 phụ huynh xin lỗi chị vì không thể thu xếp được.
Cuối cùng, vẫn là ba thành viên của Ban đại diện cha mẹ học sinh phải huy động họ hàng, bạn bè của mình giúp sức.
"Thậm chí một bác phải nhờ cả ông ngoại đi chạy với các con. Sự kiện đó diễn ra vào thứ 7, tức là ngày mà nhiều phụ huynh được nghỉ làm", chị Hà tâm sự.
Chị Hà cũng nghẹn ngào chia sẻ thêm: "Trong sự kiện đó, do trời khá nắng, một cháu hiếu động không chịu đội mũ đã bị cảm. Mẹ của cháu lên nhóm lớp trách cô giáo không để ý con mình, trách ban phụ huynh vì tổ chức một sự kiện ngoài trời cho học sinh mà không nhắc nhở các con đội mũ nón.
Chúng tôi đã rất giận. Phụ huynh không có mặt ở đó, không biết cô giáo và bố mẹ đã nhắc nhở các con. Nhưng bọn trẻ không phải lúc nào cũng tuân thủ. Trên hết, lẽ ra phụ huynh đó có nhiệm vụ phải đồng hành với con.
Một hoạt động ngoại khóa có sự tham gia của phụ huynh tại Hà Nội (Ảnh: HH).
Ban phụ huynh không phải bảo mẫu, cũng không phải giúp việc của các phụ huynh khác. Chúng tôi chỉ đại diện, thay mặt cho phụ huynh lớp trao đổi các thông tin giữa nhà trường và gia đình. Chúng tôi không được lập ra để đi làm hộ mọi việc cho các bố mẹ trong mọi hoạt động ở trường lớp của con em họ".
Phụ huynh từ chối đóng quỹ lớp cũng không ai dám cho con họ ra rìa
Chị Nguyễn Tuyết Mai (43 tuổi, Cầu Giấy, Hà Nội) từng có 3 năm làm Trưởng ban đại diện cha mẹ học sinh. Hai năm nay, chị nhất định từ chối dù nhiều phụ huynh lẫn giáo viên chủ nhiệm thuyết phục. Chị Mai thẳng thắn: "Đó là công việc nhiều thiệt hại. Cả thời gian, công sức và tiền bạc".
Lớp con chị Mai có 52 học sinh. Mỗi hoạt động ngoại khóa như văn nghệ, thể thao, lễ hội đều cần chi một khoản tiền không nhỏ. Tất cả lấy từ quỹ lớp.
"Các con múa hát cần trang phục. Các con chơi tết Trung thu, tết Nguyên đán cần mua sắm nguyên vật liệu. Nếu không đóng quỹ, tiền đâu ra để làm? Còn nếu đến sự kiện nào đóng tiền cho sự kiện đó thì thời gian của chúng tôi chỉ dành để ngồi cộng trừ nhân chia hộ quý vị rồi hô hào quý vị đóng tiền.
Chưa kể quý vị có chuyển tiền cho ban đại diện ngay lúc đó để chúng tôi đi lo việc không? Hay mặc định rằng chúng tôi có nhiệm vụ tự bỏ tiền túi ra lo, còn quý vị đóng lúc nào cũng được?", chị Mai bức xúc.
Thực tế, chị Mai từng nhiều lần bỏ tiền túi ra lo và không lấy lại được tiền vì có vài ba phụ huynh không đóng góp. Hiểu được sự nhạy cảm của các khoản quỹ lớp, quỹ trường, chị Mai chấp nhận có những phụ huynh không đóng góp gì cho hoạt động chung của học sinh trong suốt năm học.
Phụ huynh đồng hành cùng con trong một hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp (Ảnh: HH).
"Phụ huynh không đóng cũng không ai dám cho con họ "ra rìa". Chúng tôi không dám và cũng không nỡ. Con trẻ vô tội. Lớp thi văn nghệ, con vẫn tham gia cùng lớp bình thường. Tiền trang phục thuê cho con quỹ lớp chi. Hội hè, lễ Tết đương nhiên không thể thiếu con.
Phụ huynh không đóng tiền cũng không đóng góp công sức, không bao giờ có mặt trong các hoạt động của con ở trường dù điều kiện kinh tế không khó khăn", chị Mai chia sẻ.
Cũng theo chị Mai, nếu phụ huynh nhiệt tình đóng góp công sức, trí lực, tiền bạc không còn là vấn đề nữa. Quỹ lớp có thể bỏ. Bởi mỗi người một việc, chung tay làm, chi phí sẽ được tiết kiệm tối đa. Việc đóng góp, tài trợ tùy tâm cũng trở nên đơn giản, nhanh chóng mà không cần phải chia đều cho mỗi gia đình.
Nhưng thực tế, không nhiều phụ huynh chú trọng việc đồng hành với con ở trường. Công việc của tập thể lớp trở thành việc riêng của ban đại diện cha mẹ học sinh.
"Chúng tôi từng nghĩ đơn giản khi lần đầu nhận công tác phụ huynh. Chúng tôi nghĩ rằng chỉ đóng 100-200 ngàn đồng/học sinh/năm học là đủ.
Mâm cỗ trung thu ư? Mỗi con mang một vài quả từ nhà đi. Mẹ nào khéo tay sẽ làm chó bưởi, làm các con vật đẹp đẽ. Bố nào khéo tay làm đèn lồng, đèn trung thu.
Hoa tặng thầy cô ư? Ra chợ đầu mối mua hoa với giá chỉ bằng 1/2 thị trường, mua thêm một chút giấy và ruy băng, và các mẹ cùng ngồi bó những bó hoa độc đáo, cắm tặng cô chủ nhiệm một lọ hoa thật đẹp để bàn học.
Nhưng tất cả chỉ là sự tưởng tượng ngây thơ và giản đơn của chúng tôi. Mỗi khi lớp có việc, phụ huynh nào cũng kêu bận, kêu không có thời gian, kêu không biết làm, kêu "thôi trăm sự nhờ các bác ban phụ huynh giúp lớp". Sau đó họ lên mạng kêu gào "giải tán ban phụ huynh đi", "giải tán quỹ lớp đi"", chị Mai tâm sự.
Hiện tại, chị Mai vẫn tham gia các công việc của lớp con với tư cách là một phụ huynh bình thường. Chị Mai khẳng định quỹ lớp hay ban đại diện cha mẹ học sinh đều có thể bỏ, nhưng đó là khi sự hiểu biết và ý thức trách nhiệm của phụ huynh với chính con cái mình đã được nâng cao.
"Khi nào cha mẹ đứng kín sân trường vào mỗi dịp hội thao, lễ, Tết của trẻ, khi nào mỗi tin nhắn xin ý kiến phụ huynh về việc tổ chức hoạt động cho các con như thế nào được hồi đáp nhiệt tình, khi đó ban phụ huynh vô nghĩa", chị Mai nhấn mạnh.
* Tên nhân vật đã thay đổi.
Theo dantri.com.vn – 15/10/2023
https://dantri.com.vn/giao-duc/tron-khoi-ban-phu-huynh-nguoi-me-cay-dang-chung-toi-khong-phai-osin-20231015114532989.htm