Một bộ phim điện ảnh như “Đất rừng phương Nam” gây tranh cãi là điều không lạ do mỗi người có cảm nhận khác nhau, góc nhìn theo quan điểm riêng khác nhau dẫn đến khen và chê cũng khác nhau.
Những ngày qua, bộ phim điện ảnh “Đất rừng phương Nam” của đạo diễn Nguyễn Quang Dũng gây nhiều tranh cãi trên mạng xã hội. Bên cạnh những nhận xét tích cực về hình ảnh đẹp, giàu cảm xúc, không ít ý kiến cho rằng, bộ phim có một số chi tiết sai lệch lịch sử, gây hiểu lầm. Tiếp thu ý kiến của khán giả, sau cuộc đối thoại, trao đổi một số nội dung liên quan đến bộ phim với cơ quan chức năng, đoàn làm phim điện ảnh “Đất rừng phương Nam” đã chủ động đề xuất phương án chỉnh sửa một số chi tiết trong bộ phim. Bản phim được chỉnh sửa chính thức ra rạp từ 18h ngày 16/10.
Một bộ phim điện ảnh như “Đất rừng phương Nam” gây tranh cãi là điều không lạ do mỗi người có cảm nhận khác nhau, góc nhìn theo quan điểm riêng khác nhau dẫn đến khen và chê cũng khác nhau. Tuy nhiên, không ít khán giả đưa thiên kiến cá nhân khi xem phim để nổi giận, công kích tác phẩm, đạo diễn, diễn viên tham gia phim. Điều này khiến cho bộ phim dù đã được chỉnh sửa nhưng những tranh cãi vẫn chưa đi đến hồi kết.
Tuấn Trần và Hạo Khang trong "Đất rừng phương Nam".
"Sự tranh cãi là cần thiết"
Đạo diễn Bùi Thạc Chuyên bày tỏ quan điểm: “Một bộ phim truyện luôn được định nghĩa là hư cấu, tưởng tượng, dù cho có được chuyển thể, phóng tác, lấy cảm hứng từ những câu chuyện có thật. Do đó để có những bộ phim hay, tác giả cần phải để cho trí tưởng tượng của mình bay bổng và đi xa hết mức có thể, thậm chí thoát ly hoàn toàn thực tế mà bộ phim dựa vào.
Giống như các loại hình nghệ thuật khác, một bộ phim truyện làm ra để khán giả khám phá thế giới tưởng tượng của tác giả. Một bộ phim truyện hư cấu tuyệt đối không phải là bằng chứng lịch sử hay căn cứ thực tế cho bất cứ một luận điểm nào, chủ thuyết nào.
Tất nhiên khán giả hoàn toàn có quyền đánh giá một bộ phim về tất cả những gì mà nó thể hiện. Nhưng phán quyết cuối cùng của khán giả đưa ra một cách văn minh là bộ phim đó "hay" hoặc dở, tôi thích hay không thích.
Nếu phán quyết của khán giả chuyển sang cái nhìn đúng - sai, ví dụ như làm hiểu sai vai trò của cách mạng hoặc làm sai lệch sự thật lịch sử hoặc góp phần làm tăng số lượng tội phạm... từ đó dẫn đến việc đòi cắt xén, thậm chí là đòi cấm chiếu thì thực sự những khán giả đó đang không công bằng với bộ phim”.
Một cảnh trong phim "Đất rừng phương Nam"
Theo đạo diễn Bùi Thạc Chuyên, sự tranh cãi là cần thiết và tích cực nhưng xin đừng cực đoan. Nghệ sĩ yếu ớt và nhạy cảm, họ không muốn cãi và không thể cãi lại được với những "lý luận sắc bén, những lập luận chặt chẽ, những bằng chứng xác đáng không thể bác bỏ" của những khán giả cực đoan. Họ chỉ có thể ngừng tưởng tượng.
“Chắc không khán giả nào mong muốn người nghệ sĩ sẽ ngừng tưởng tượng, vì như thế sẽ chẳng còn phim hay để mà xem nữa”, đạo diễn Bùi Thạc Chuyên bày tỏ quan điểm của mình trên trang cá nhân.
Đừng dùng thuyết âm mưu để vùi dập một tác phẩm nghệ thuật
Là người đi xem phim từ những suất chiếu sớm, nhà biên kịch Trịnh Thanh Nhã nhận xét, “Đất rừng phương Nam” là bộ phim cuốn hút.
“Bộ phim cuốn hút đến nỗi quên cả chụp hình, toàn cảnh tuyệt đẹp và những đại cảnh "rối tinh rối mù" mà vẫn không mất nhân vật. Đây là một phim rất nhiều đại cảnh, với số lượng nhân vật quần chúng không thể đếm xuể. Mà phần lớn là cảnh đánh nhau. Những cảnh này nhằm cho khán giả lãnh hội được tính chất anh hùng ca đầy khí phách của người dân Nam Bộ, đương nhiên. Họ hy sinh nhiều đến nỗi những đại cảnh ấy đã chớm đến ngưỡng của những vụ thảm sát. Nhưng lạ thay, nó không hề gợi lên cảm giác bi lụy, kinh sợ...Có thể nói những hy sinh của người dân Nam Bộ chỉ làm rõ thêm cái ý nghĩa của định đề "Miền Nam đi trước về sau". Tính cách hào sảng, nghĩa hiệp, không chịu sống quỳ của người Nam Bộ đã khiến họ hành động ngay cả khi các tổ chức của họ mới chỉ manh nha và không/chưa có người đứng đầu đúng nghĩa.
Câu chuyện “Đất rừng phương Nam” được kể dưới góc nhìn và cảm xúc của cậu bé An 10 tuổi. Và vì thế mà phim gợi được cảm giác về một sự đối nghịch giữa sự trong trẻo ngây thơ trên một cái nền chết chóc và bất an liên miên. Hơi tiếc một chút cho vai bé An khi chưa có được diễn xuất sinh động hơn. Nhưng ngược lại, khí vị của một bộ phim lịch sử mang đậm màu cổ tích khiến không ít lần người xem có thể rơi nước mắt. Những nhân vật như anh Út, chú Tiều, bác Ba Phi và ngay cả cô Tư, người đàn bà giảo hoạt và phản bội...mỗi người một nét riêng làm cho bộ phim sinh động và đáng tin. Ba đứa trẻ làm nên điểm nhấn đáng kể là một lựa chọn khôn ngoan của kịch bản và đạo diễn. Và Võ Tòng xuất hiện trong những khoảnh khắc ngắn làm sâu đậm cái khí vị cổ tích đáng yêu”.
Nhà biên kịch Trịnh Thanh Nhã đánh giá “Đất rừng phương Nam” đã thoát ra khỏi cái bóng quá lớn của bộ phim truyền hình dài tập “Đất phương Nam” đã ra đời trước đây 20 năm có lẻ, khi cùng lấy cảm hứng từ nguyên tác của cố nhà văn Đoàn Giỏi. Bà vui mừng vì bộ phim lịch sử kỳ thú sẽ mang đến cảm xúc đẹp cho khán giả mọi lứa tuổi.
Nhà biên kịch Trịnh Thanh Nhã cũng nêu ý kiến xung quanh những tranh cãi về bộ phim: “Phim có một chút lấn cấn về tên gọi các nhóm hội kín kháng Pháp, nay nhà sản xuất cùng ekip đã sửa rồi, không nên nhắc lại nữa. Tôi nghĩ không nên quy chụp là "bóp méo lịch sử", hoặc quy kết là có ý đồ chính trị gì ở đây. Còn chuyện trang phục hoặc vài chi tiết gợi liên tưởng thì cũng tùy người xem với tri kiến và tâm lý tiếp nhận của họ. Tôi rất sợ kiểu tiếp nhận thông qua các định kiến và xu hướng dùng thuyết âm mưu để vùi dập một tác phẩm nghệ thuật. Chính cách tiếp nhận này đã có lúc vùi dập những số phận tác phẩm và người sáng tác đến thê thảm”.
Cần phá bỏ định kiến “dìm hàng bằng mọi giá”
Theo nhà báo - nhà phê bình điện ảnh Lê Hồng Lâm, với đà tăng trưởng như hiện tại, bộ phim hoàn toàn có thể chạm đến mốc 200-300 tỷ đồng, đồng thời mở đường cho những phần tiếp theo được sản xuất.
“Tôi nghĩ “Đất rừng phương Nam” hoàn toàn có thể trở thành một trilogy (bộ ba) đầu tiên của điện ảnh Việt, với nhiều chất liệu chưa được khai thác. Nó cũng hoàn toàn mở đường cho những bộ phim lớn theo kiểu “blockbuster”, nâng tầm được điện ảnh Việt đi lên, với sự cổ vũ của khán giả nội địa, nếu nó thực sự xứng đáng với đồng tiền mà họ bỏ ra”, ông Lê Hồng Lâm đánh giá.
Là một người theo dõi sát sao điện ảnh Việt trong suốt hơn 20 năm qua, cùng với hai chuyến “lội ngược dòng” quá khứ để tìm hiểu về điện ảnh Việt Nam từ những năm 1950 tới nay qua hai cuốn sách khảo cứu, nhà phê bình điện ảnh Lê Hồng Lâm nhận định điện ảnh Việt Nam chưa bao giờ thoát được giai đoạn “quá độ” và chưa bao giờ thực sự bứt phá để tạo được một nền điện ảnh có vị thế, dù chỉ tính trong khu vực Đông Nam Á.
“Nhưng tôi có cảm giác, đây là thời điểm “chín muồi” nhất để điện ảnh Việt có thể cất cánh. Những tài năng điện ảnh của cả dòng thương mại lẫn độc lập đang dần dần khẳng định tiếng nói, lượng khán giả hùng hậu và tiềm năng từ 100 triệu dân hoàn toàn là những “thiên thời địa lợi nhân hòa” để điện ảnh Việt có thể vươn tầm, vượt qua giai đoạn “quá độ” và tạo dựng được một nền điện ảnh lớn trong khu vực trong vòng một thập niên tới. Một ngành công nghiệp điện ảnh phát triển lành mạnh cũng là điều mà chúng ta có thể nói tới, ngay từ thời điểm này”, ông Lê Hồng Lâm phân tích.
Và điều đó chỉ xảy ra, nếu như chúng ta phá bỏ được kiểu xem phim “dìm hàng bằng mọi giá” và kiểu “phê bình chỉ điểm” chỉ lăm lăm đòi cái kéo “kiểm duyệt” để tiêu diệt phim.
Theo Hà Phương/VOV.VN – 17/10/2023
https://vov.vn/van-hoa/san-khau-dien-anh/tranh-cai-phim-dat-rung-phuong-nam-khen-che-nhung-dung-cuc-doan-post1053137.vov