Hiện có khoảng gần 200.000 du học sinh Việt Nam đi học nước ngoài ở các bậc học, từ phổ thông đến sau đại học. Số lưu học sinh nước ngoài đang học tập tại Việt Nam khoảng 22.000 người.
Học sinh tìm hiểu thông tin về các trường đại học quốc tế tại chương trình Ngày hội du học Mỹ. (Ảnh: Phạm Mai/Vietnam+)
Hiện có khoảng gần 200.000 du học sinh Việt Nam đi học nước ngoài ở bậc Trung học Phổ thông, Đại học và sau Đại học, tương đương khoảng 40.000 người đi học mỗi năm (tăng khoảng 2,5 lần so với giai đoạn trước 2013). Riêng số giảng viên các trường đại học và cao đẳng đi học tập, nghiên cứu ở nước ngoài bằng nguồn ngân sách Nhà nước và ngoài ngân sách giai đoạn 2013-2022 là 3.535 người.
Số lượng lưu học sinh nước ngoài đang học tập tại Việt Nam cũng tăng lên trong 10 năm qua, hiện khoảng 22.000 người, trong đó lưu học sinh diện Hiệp định gần 4.000 người.
Đây là thông tin được ông Phạm Quang Hưng, Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết sáng nay, 31/10, tại Hội thảo khoa học tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW về Đổi mới căn bản, toàn diện Giáo dục và Đào tạo nội dung về khoa học, công nghệ và hợp tác quốc tế.
Cũng theo ông Hưng, trong 10 năm qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chủ động và chủ trì đàm phán, thực hiện ký kết 161 điều ước và thỏa thuận quốc tế và thúc đẩy quan hệ với hơn 100 quốc gia và vùng lãnh thổ; tham gia một số cơ chế tiểu vùng, khu vực và liên khu vực ASEAN, ASEM, APEC... góp phần nâng tầm hợp tác quốc tế trong giáo dục và đào tạo.
Lưu sinh viên Lào, theo học tại Trường Đại học Kinh tế Quốc dân tham gia chương trình Hùng biện tiếng Việt do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Kể từ năm 2013 đến năm 2023 đã có trên 3.500 bản ghi nhớ, thỏa thuận hợp tác đào tạo, nghiên cứu khoa học, trao đổi sinh viên và giảng viên được ký kết giữa các cơ sở giáo dục của Việt Nam với nước ngoài. Các văn bản ký kết này đã tạo điều kiện mở rộng và phát triển các hoạt động hợp tác và hội nhập quốc tế của giáo dục Việt Nam.
Hợp tác đa phương được đẩy mạnh. Việt Nam luôn là thành viên tích cực và chủ động tham gia vào các hoạt động của các tổ chức quốc tế và khu vực có hoạt động về giáo dục như UNESCO, UNICEF, SEAMEO, ASEAN, APEC, ASEM… Các tuyên bố chung, các cam kết quốc tế đều được ngành giáo dục của Việt Nam nghiêm túc thực hiện.
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam đã thực hiện nhiệm kỳ làm Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Giáo dục các nước Đông Nam Á năm 2013-2014 với chủ đề "Học tập suốt đời: Chính sách và triển vọng"; Chủ tịch hợp tác giáo dục của ASEAN năm 2022-2023 với chủ đề “Nỗ lực chung nhằm tái định hình việc học và tăng cường khả năng thích ứng của hệ thống giáo dục khu vực ASEAN và hơn thế nữa trong bối cảnh mới.”
Thực hiện Nghị quyết 29, các cơ sở giáo dục đại học Việt Nam đã chủ động nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thông qua các chương trình liên kết đào tạo với nước ngoài và các chương trình trao đổi sinh viên, giảng viên và hợp tác nghiên cứu. Theo số liệu Bộ Giáo dục và Đào tạo đang quản lý, tính đến tháng 6/2023, trên cả nước có 408 chương trình liên kết đào tạo với nước ngoài của 44 cơ sở giáo dục Đại học Việt Nam với 102 cơ sở giáo dục đại học nước ngoài của 26 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Với các giải pháp tương đối toàn diện và đồng bộ, hoạt động đầu tư vào giáo dục Việt Nam đã có những bước tiến dài sau 10 năm thực hiện Nghị quyết 29. Theo thống kê từ Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đến tháng 6 năm 2022, tổng vốn FDI trong lĩnh vực giáo dục trên cả nước là hơn 4,5 tỷ USD với 605 dự án đến từ 33 quốc gia, vùng lãnh thổ./.
Theo Hà An (Vietnam+) - 31/10/2023
https://www.vietnamplus.vn/viet-nam-co-khoang-40000-nguoi-di-du-hoc-nuoc-ngoai-moi-nam/905176.vnp