Cập nhật: 31/10/2023 07:36:00
Xem cỡ chữ

Lâu nay, không chỉ người dân Hà Tĩnh, mà cả với du khách thập phương, Khu Di tích Quốc gia Đặc biệt Đại thi hào Nguyễn Du trở thành điểm đến thân quen trong mỗi hành trình chiêm bái, du lịch về nguồn.

Ve tham noi luu giu cuoc doi, su nghiep cua Dai thi hao Nguyen Du hinh anh 1

Khu di tích quốc gia đặc biệt Đại thi hào Nguyễn Du. (Ảnh: Hữu Quyết/TTXVN)

Khu Di tích Quốc gia Dặc biệt Đại thi hào Nguyễn Du nằm ở thị trấn Tiên Điền, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh, cách thành phố Hà Tĩnh khoảng 50km và cách Vinh, tỉnh Nghệ An, khoảng 8km.

Đến nơi đây du khách sẽ có dịp tìm hiểu thêm về cuộc đời và sự nghiệp của Danh nhân Văn hóa Thế giới Nguyễn Du và những chứng tích của dòng họ Nguyễn Tiên Điền.

Những năm gần đây, tỉnh Hà Tĩnh đã triển khai nhiều giải pháp để khu di tích này trở thành điểm đến hấp dẫn đối với du khách.

Nơi lưu giữ nhiều giá trị văn hóa

Nguyễn Du (1765-1820) tên tự là Tố Như, hiệu là Thanh Hiên, nguyên quán tại làng Tiên Điền, huyện Nghi Xuân, phủ Đức Quang, trấn Nghệ An (nay thuộc tỉnh Hà Tĩnh) nhưng sinh ra và lớn lên tại Thăng Long (Hà Nội ngày nay). Cha của cụ là Hoàng giáp Nguyễn Nghiễm và mẹ là Trần Thị Tần làng Hoa Thiền, huyện Đông Ngạn, xứ Kinh Bắc (nay là tỉnh Bắc Ninh).

Từ nhỏ Nguyễn Du đã được tiếp thu sâu sắc tinh hoa văn hóa của cả ba vùng: Xứ Nghệ-Thăng Long và Kinh Bắc. Chính vì thế, Nguyễn Du lớn lên trở thành người học rộng, tài cao, tinh thông cả Phật học và sành các môn thi, họa. Tác phẩm Truyện Kiều là một minh chứng rất rõ về Nguyễn Du. Đây là sự đóng góp rất lớn vào kho tàng văn học Việt Nam.

Đặc biệt, tháng 12/1964, Hội đồng Hòa bình Thế giới đã khuyến nghị lấy năm 1965 là năm Kỷ niệm 200 năm ngày sinh Nguyễn Du trên toàn thế giới (cùng với 8 danh nhân khác đã có công đóng góp lớn cho nền văn hóa nhân loại).

Nhân dịp Kỷ niệm 240 năm ngày sinh của Đại thi hào Nguyễn Du (1765-2005), Chính phủ đã đồng ý cho lập và triển khai Dự án Quy hoạch tổng thể Khu Văn hóa-du lịch Nguyễn Du.

 Di tích Lịch sử Khu lưu niệm cụ Nguyễn Du được xây dựng để các nho sỹ, văn sỹ và du khách trong và ngoài nước yêu thích Truyện Kiều đến thắp hương tưởng niệm tại mộ cụ Nguyễn Du - một Đại thi hào dân tộc, một Danh nhân Văn hóa Thế giới. Đây là khu di tích văn hóa nằm trong quần thể di tích dòng họ Nguyễn Tiên Điền.

Ngày 27/9/2012, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định xếp hạng Khu Di tích Đại thi hào Nguyễn Du thuộc xã Tiên Điền, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh là Di tích Quốc gia Đặc biệt.

Năm 2015, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt quy hoạch tổng thể bảo tồn, tôn tạo Khu Di tích này rộng gần 300ha nhằm phát huy các giá trị của khu lưu niệm; xây dựng khu lưu niệm này trở thành địa chỉ văn hóa và du lịch của Quốc gia gắn với giá trị thi ca của Nguyễn Du và các giá trị văn hóa truyền thống của địa phương; hình thành các tuyến du lịch liên kết di tích, tạo không gian tôn vinh giá trị lịch sử-văn hóa và truyền thống.

Quần thể di tích này là một tổ hợp bao gồm nhiều di tích: đền thờ Đại Vương tiến sỹ Nguyễn Huệ; đền thờ Nguyễn Nghiễm, Nguyễn Trọng; đàn tế Nguyễn Quỳnh; 2 ngôi nhà Tư văn; khu mộ đại thi hào Nguyễn Du, bảo tàng Nguyễn Du và nhà thờ Nguyễn Du.

Ngôi nhà thờ Nguyễn Du được xây dựng vào năm 1825, ngay trên mảnh vườn nhà cụ thuộc xóm Tiền Giáp. Bên trong có bàn thờ xây bằng vôi cát, phía trên có treo bức hoành phi đề 4 chữ “Hồng sơn thế phả” do Hoàng Phù Phái, tước trung hiếu đại phu đời nhà Thanh tặng vào năm thứ 55 triều Càn Long (1790) cùng bài vị bằng đá có khắc dòng chữ “Thanh Hiên Nguyễn Tiên Sinh.”

Tiếp theo nhà thờ Nguyễn Du là đến Bảo tàng Nguyễn Du - nơi trưng bày nhiều tài liệu, hiện vật gốc quý liên quan trực tiếp đến cuộc đời và sự nghiệp của đại thi hào Nguyễn Du. Hiện nay, đây là khu vực trưng bày gần 1.000 tài liệu, hiện vật, tiêu biểu như nghiên bút của Nguyễn Du, bản Kiều in từ bản khắc năm 1866, cuốn Truyện Kiều viết theo lối thư pháp (độc bản), thư pháp Truyện Kiều dài nhất Việt Nam (độc bản), bộ sưu tập Truyện Kiều xuất bản bằng các thứ tiếng, sưu tập sách viết về Nguyễn Du...

Đến Khu lưu niệm cụ Nguyễn Du, du khách vừa có dịp được ngắm nhìn phong cảnh nơi đây vừa có dịp được tìm hiểu thêm về giá trị văn hóa lịch sử, tính nhân văn của quần thể di tích Nguyễn Tiên Điền. Đặc biệt, nếu đến đây vào những ngày đầu Xuân, du khách sẽ được thưởng thức những đêm thơ Nguyễn Du tại nhà Tư văn trong Khu lưu niệm Nguyễn Du.

Ve tham noi luu giu cuoc doi, su nghiep cua Dai thi hao Nguyen Du hinh anh 2

Du khách đến tham quan, tìm hiểu tại Khu Di tích Nguyễn Du. (Ảnh: Hữu Quyết/TTXVN)

Khu Di tích Đại thi hào Nguyễn Du là một quần thể công trình kiến trúc thờ tự, tưởng niệm Nguyễn Du cùng những bậc tài danh kiệt xuất của dòng họ Nguyễn ở Tiên Điền như Giới hiên công Nguyễn Huệ, Xuân Quận công Nguyễn Nghiễm, Lam Khê hầu Nguyễn Trọng, Địch Hiên công Nguyễn Điều, Quế Hiên công Nguyễn Nễ...

Những di sản văn hóa trong Khu di tích còn được bảo tồn có giá trị đặc biệt về lịch sử, văn hóa, khoa học... giúp chúng ta tìm hiểu về nguồn gốc, quá trình hình thành, phát triển, truyền thống văn hóa, khoa bảng... của dòng họ Nguyễn ở Tiên Điền cũng như việc nhìn nhận về cuộc đời, sự nghiệp, những đóng góp của Đại thi hào Nguyễn Du và dòng họ Nguyễn ở Tiên Điền cho nền văn học Việt Nam. Đây cũng là nguồn tư liệu đáng tin cậy để tìm hiểu về tín ngưỡng, phong tục tập quán, đời sống văn hóa tinh thần của làng quê Tiên Điền nói riêng, văn hóa làng xã Việt Nam nói chung trong sự phát triển của lịch sử dân tộc.

Đến với Khu Di tích Quốc gia đặc biệt Đại thi hào Nguyễn Du, du khách sẽ được hòa mình vào không gian yên lành, xanh mát. Điểm nhấn ở đây là những ngôi nhà bằng gỗ 5 gian mang đặc trưng kiến trúc của vùng Bắc Trung Bộ thế kỷ 18. Đây là địa điểm hàng đầu được nhiều du khách và giới nghiên cứu chọn để dừng chân ghé thăm mỗi khi có dịp đến Hà Tĩnh.

Tôn vinh các giá trị văn hóa của Đại thi hào Nguyễn Du

Nhằm tôn vinh các giá trị văn hóa mà Đại thi hào Nguyễn Du cùng dòng họ Nguyễn Tiên Điền đã để lại cho quê hương, dân tộc và văn hóa thế giới, hàng năm tại Khu di tích thường tổ chức nhiều hoạt động văn hóa như Kỷ niệm năm sinh, năm mất của Đại thi hào; tổ chức các cuộc bình thơ, bình Kiều, diễn Kiều; tọa đàm văn chương; trao đổi về điển tích Truyện Kiều; sinh hoạt Câu lạc bộ Thơ và Ngày thơ Việt Nam…

Ve tham noi luu giu cuoc doi, su nghiep cua Dai thi hao Nguyen Du hinh anh 3

Nhà thờ của Đại thi hào Nguyễn Du tại Khu Di tích. (Ảnh: Hữu Quyết/TTXVN)

Phó Trưởng Ban Quản lý Khu Di tích Quốc gia Đặc biệt Đại thi hào Nguyễn Du Trần Thị Vinh cho hay đơn vị đang tập trung đào tạo, nâng cao chất lượng cán bộ, trong đó đội ngũ thuyết minh viên được quan tâm hàng đầu.

Ban Quản lý phối hợp với các công ty du lịch, lữ hành để đưa Khu di tích trở một điểm đến trong chương trình tham quan. Thời gian tới, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ thực hiện việc xây dựng tour tham quan du lịch thông minh tại đây, số hóa toàn bộ các hiện vật của Nguyễn Du và gia tộc họ Nguyễn Tiên Điền.

Nghi Xuân được biết đến là vùng đất giàu truyền thống, với trên 200 di tích văn hóa-lịch sử; trong đó có 83 di tích đã được cấp bằng di tích cấp tỉnh, cấp Quốc gia. Xuất phát từ nền tảng văn hóa và lợi thế của miền di sản, huyện Nghi Xuân đã xây dựng và được Thủ tướng Chính phủ thông qua Đề án “Xây dựng huyện Nghi Xuân đạt chuẩn huyện nông thôn mới kiểu mẫu điển hình về văn hóa gắn với phát triển du lịch giai đoạn 2021-2025.”

Vì vậy, việc phát huy giá trị Khu Di tích Quốc gia Đặc biệt Đại thi hào Nguyễn Du là một trong những nhiệm vụ luôn được chính quyền địa phương chú trọng.

Huyện Nghi Xuân đã tập trung xây dựng các hoạt động văn hóa, nghệ thuật để tổ chức lễ hội về Nguyễn Du. Qua đó, địa phương thu hút du khách tham gia bằng các hoạt động như bạn đọc thuộc Kiều, biểu diễn câu lạc bộ trò Kiều, khai thác giá trị của Truyện Kiều, di sản của Nguyễn Du để lại. Nhiệm vụ của cấp ủy, chính quyền và các ngành liên quan thời gian tới là biến những di sản văn hóa của Nguyễn Du, Truyện Kiều thành sản phẩm du lịch hấp dẫn, độc đáo, thu hút du khách và tạo ra sự kết nối các điểm đến trên địa bàn./.

Theo (Vietnam+) – 30/10/2023

https://www.vietnamplus.vn/ve-tham-noi-luu-giu-cuoc-doi-su-nghiep-cua-dai-thi-hao-nguyen-du/899963.vnp