Cập nhật: 28/11/2023 09:00:00
Xem cỡ chữ

Cầu ngói Thanh Toàn được xây dựng theo lối "thượng gia hạ kiều," dài 16,85m và rộng 4,63m; làm bằng gỗ, phía trên lợp mái ngói ống tráng men, dùng hoa văn rồng, phượng trang trí.

Cầu ngói Thanh Toàn có kiến trúc cổ độc đáo. (Ảnh: Tường Vi/TTXVN)

Cầu ngói Thanh Toàn có kiến trúc cổ độc đáo. (Ảnh: Tường Vi/TTXVN)

Nếu có dịp Đến Huế, du khách muốn chiêm ngưỡng và khám phá những nét đẹp xưa cũ, rêu phong không chỉ có những công trình ở nội thành mà còn có ở các công trình kiến trúc dân gian, mang đậm nét thôn quê dân dã và bình dị.

Những cảnh vật như thế sẽ thanh lọc tâm hồn, mang ta trở về với những gì bình yên nhất, trút bỏ bao nhiêu mệt nhoài của cuộc sống. Xét theo tiêu chí này, cầu ngói Thanh Toàn là địa chỉ không thể bỏ qua.

Cầu ngói Thanh Toàn được xây dựng hoàn toàn bằng gỗ theo lối thượng gia hạ kiều có nghĩa là trên nhà dưới cầu; mái được lợp bằng ngói ống lưu ly.

Cách trung tâm thành phố Huế khoảng 8km về phía Đông Nam, cầu ngói Thanh Toàn (thuộc làng Thanh Thủy Chánh, xã Thủy Thanh, thị xã Hương Thủy, thành phố Huế) là một trong 5 cây cầu ngói cổ đẹp nhất Việt Nam.

Cầu được xây dựng vào năm 1776 do bà Trần Thị Đạo - vợ một vị quan cao cấp dưới triều vua Lê Hiển Tông cúng tiền cho làng xây dựng, để dân làng qua lại được thuận tiện và là nơi cho lữ khách cùng người tha phương tạm dừng chân khi lỡ bước.

Năm 1776, Bà đã được vua Lê Hiển Tông ban sắc khen ngợi về đức hạnh, đồng thời miễn cho làng nhiều loại sưu dịch để họ nhớ đến công ơn và noi theo tấm gương tốt của Bà. Năm 1925, vua Khải Ðịnh cũng ban sắc phong trần cho Bà là Dực Bảo Trung Hưng Linh phò và lệnh cho dân lập bàn thờ ngay trên cầu để thờ cúng Bà.

TTXVN_2711caungoi2.jpg

Kết cấu gỗ có mái ngói thanh lưu ly theo lối kiến trúc “thượng gia, hạ kiều” (trên nhà, dưới cầu) của cầu ngói Thanh Toàn. (Ảnh: Tường Vi/TTXVN)

Cầu ngói Thanh Toàn được xây dựng theo lối "thượng gia hạ kiều" (trên nhà, dưới cầu), được chia thành các gian, mỗi gian như một ngôi nhà nhỏ trong ngôi nhà lớn. Thân cầu được làm bằng gỗ, phía trên lợp mái ngói ống tráng men. Khác với các cầu ngói ở Bắc Bộ dùng ngói vảy cá hoặc mũi hài thì cầu Thanh Toàn dùng ngói lưu ly.

Về kết cấu phần “thượng gia” (các gian nhà), cầu ngói sử dụng hệ vì kèo gỗ với 7 gian. Gian giữa cầu cũng là gian lớn nhất là nơi thờ bà Trần Thị Đạo, 6 gian còn lại có kết cấu đối xứng nhau, đều có hai dãy bục gỗ và lan can, chia ra “làn đi bộ” ở giữa và “làn nghỉ chân” ở hai bên, tạo sự duyên dáng, hài hòa cho cây cầu ngói.

Cầu ngói Thanh Toàn có kích thước nguyên gốc dài 43 thước mộc (18,75m), rộng 14 thước mộc (5,82m). Qua nhiều lần trùng tu, hiện nay kích thức của cầu dài 16,85m và rộng 4,63m.

Ở Việt Nam hiện nay, ngoài cầu ngói Thanh Toàn còn có vài cây cầu có kiến trúc tương tự vậy, là Chùa Cầu (Hội An), cầu ngói ở xã Hải Anh (Hải Hậu, Nam Định), cầu ngói Phát Diệm (Kim Sơn, Ninh Bình), hai cây cầu ngói ở Chùa Thầy (Hà Nội).

Mặc dù có nhiều nét tương đồng trong kiến trúc nhưng nếu như Chùa Cầu (Hội An) sử dụng linh vật là Chó, Khỉ để trang trí, cầu ngói Thanh Toàn lại dùng Rồng, Phượng để đắp trang trí ở các bờ nóc của mái ngói; đầu hồi trang trí pháp lam, hoa văn cũng đều cùng một chủ đề “hóa rồng.”

Ở phần kết cấu “hạ kiều” (mố, trụ cầu), cầu ngói Thanh Toàn có 6 trụ cầu bằng gỗ lim, tiết diện tròn được dầm nhiều nhịp; mố xây đá hộc.

Sau gần 250 năm tồn tại, đến đầu tháng 4/2020, cây cầu được chính quyền địa phương hạ giải để tiến hành bảo tồn, tu bổ và tôn tạo lại. Dự án bảo tồn, tu bổ và tôn tạo di tích Cầu ngói Thanh Toàn được Ủy ban Nhân dân tỉnh Thừa Thiên-Huế phê duyệt với tổng vốn đầu tư hơn 13 tỷ đồng. Việc tu bổ, tôn tạo cầu dựa trên nguyên tắc tận dụng tối đa nguyên bản, vật liệu gốc.

Dừng chân ở cầu ngói Thanh Toàn, du khách có thể thu vào tầm mắt cả bức tranh yên bình đặc trưng của làng quê Việt Nam với cánh đồng lúa bát ngát, có con sông Như Ý yên bình chảy qua, với lũy tre xanh và những người nông dân đang hăng say lao động như cất vó, chăn trâu, bắt ốc… Không gian thoáng đãng, yên bình đó cùng với kiến trúc đặc biệt cũng như ý nghĩa tốt đẹp của Cầu ngói Thanh Toàn đã khiến cho nơi đây không chỉ là điểm nghỉ chân của người dân trong vùng, mà là nơi để ai ai cũng phải ghé thăm khi đến với Huế:

“Ai về cầu ngói Thanh Toàn
Cho em về với một đoàn cho vui”

TTXVN_2711caungoi3.jpg

Cầu ngói Thanh Toàn. (Ảnh: Quốc Việt/TTXVN)

Với nhiều giá trị văn hóa, lịch sử, Cầu ngói Thanh Toàn đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cấp bằng công nhận là Di tích Văn hóa cấp Quốc gia năm 1990.

Năm 2019, Sở Du lịch tỉnh Thừa Thiên-Huế đã tổ chức phiên chợ đêm tại Cầu ngói Thanh Toàn. Phiên chợ đêm được bố trí quanh Cầu ngói Thanh Toàn với nhiều hoạt động hấp dẫn như chợ ẩm thực và hội bài chòi; các trò chơi dân gian; trưng bày dành cho khách tham quan.

Phiên chợ này được duy trì vào ngày 16 âm lịch hàng tháng, kể cả mùa mưa, tạo thêm sự đa dạng cho du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng của địa phương.

Bên cạnh cầu ngói Thanh Toàn còn có Nhà trưng bày nông cụ Thanh Toàn. Đến đây, du khách sẽ được nghe giới thiệu về lịch sử nhà nông cụ, tham quan các hiện vật phản ánh đời sống sinh hoạt của nông thôn Thanh Toàn như: xe đạp nước, gàu, sàng, chum, cối giã gạo, sàng, nong, nia.. và được trải nghiệm hay thấy các hoạt động nông thôn rất thú vị như đạp nước, xay lúa, chằm nón.

Cùng với cầu ngói Thanh Toàn, đây cũng là nơi góp phần lưu giữ những nét đẹp đời sống của người xưa./.

Theo (Vietnam+) – 28/11/2023

https://www.vietnamplus.vn/ghe-tham-cay-cau-ngoi-thanh-toan-247-tuoi-ben-dong-song-nhu-y-post910194.vnp