Thời gian qua, nguồn vốn chính sách đã phát huy hiệu quả, là động lực, điểm tựa vững chắc cho người nghèo và các đối tượng chính sách trên địa bàn tỉnh vươn lên phát triển sản xuất, thoát nghèo, góp phần thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh.
Trước đây gia đình anh Nguyễn Văn Hợp, thôn Cổ Tích, xã Đồng Cương, huyện Yên Lạc là một trong những hộ nghèo ở địa phương. Tuy nhiên, sau khi được vay 50 triệu đồng từ Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Yên Lạc để phát triển nghề mộc, cuộc sống gia đình anh đã được cải thiện và vươn lên thoát nghèo. Năm 2022, gia đình anh tiếp tục được vay 100 triệu đồng theo chương trình cho vay hộ mới thoát nghèo đầu tư mua thiết bị, máy móc nâng cao năng suất lao động.
Hiện nay, toàn tỉnh đang thực hiện cho vay 18 chương trình tín dụng chính sách. Từ đầu năm 2023 đến nay, Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh đã giải ngân cho trên 800 lượt hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo vay vốn với tổng số tiền trên 60 tỷ đồng. Tổng dư nợ cho vay hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo trên địa bàn tỉnh đạt hơn 1.000 tỷ đồng, cho hơn 16.000 hộ vay.
Chương trình tín dụng chính sách trên địa bàn tỉnh được triển khai hiệu quả đã góp phần tạo sinh kế bền vững, giúp hộ nghèo có điều kiện vươn lên thoát nghèo. Nhờ vậy, đến cuối năm 2022, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm còn 0,99%, vượt chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020-2025 đề ra. Ước tính đến hết năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo ước giảm còn 0,69%. Toàn tỉnh không còn xã nghèo, không còn hộ nghèo là đối tượng chính sách, người có công. 100% địa phương không còn nhà tạm, nhà dột nát.
Thu Hoài