Ngủ thất thường có thể làm rối loạn đồng hồ sinh học, làm tăng nguy cơ mắc nhiều bệnh mãn tính như huyết áp cao, tiểu đường, kéo theo nguy cơ thoái hóa thần kinh và sa sút trí tuệ.
Những người ngủ thất thường có nguy cơ bị sa sút trí tuệ cao hơn những người ngủ đều đặn. Đây là kết quả nghiên cứu do Đại học Monash của Australia thực hiện và công bố ngày 14/12.
Nghiên cứu không chứng minh ngủ thất thường gây sa sút trí tuệ, song cho biết 2 vấn đề này có mối liên quan đến nhau.
Để đưa ra kết luận trên, các nhà nghiên cứu đã xem xét mối liên quan giữa việc ngủ đúng giờ với nguy cơ mắc chứng sa sút trí tuệ trong tương lai.
Cụ thể, các nhà nghiên cứu đã sử dụng dữ liệu của hơn 88.000 người có độ tuổi trung bình 62 ở Anh. Chỉ số giấc ngủ đều đặn được đo bằng thiết bị đeo tay.
Sau thời gian theo dõi 7,2 năm, có 480 người mắc chứng mất trí nhớ.
Nghiên cứu nêu rõ những người ngủ thất thường nhất có nguy cơ mắc chứng sa sút trí tuệ cao nhất.
Theo các nhà nghiên cứu, kết quả trên cho thấy tầm quan trọng của việc ngủ đủ và đều đặn.
Ngủ thất thường có thể làm rối loạn đồng hồ sinh học bên trong cơ thể, làm tăng nguy cơ huyết áp cao, bệnh tiểu đường, mỡ máu cao và béo phì.
Khi kết hợp lại, các yếu tố này có thể làm tổn thương mạch máu và gây viêm trong não, kéo theo nguy cơ thoái hóa thần kinh và sa sút trí tuệ./.
Theo (TTXVN/Vietnam+) - 15/12/2023
https://www.vietnamplus.vn/nhung-nguoi-ngu-that-thuong-se-bi-tang-nguy-co-sa-sut-tri-tue-post915690.vnp