Mùa đông nhiệt độ hạ đột ngột, thời tiết thay đổi thất thường là môi trường lý tưởng cho các loại vi khuẩn, virus phát triển, xâm nhập vào cơ thể và gây bệnh. Trẻ nhỏ đặc biệt là trẻ sơ sinh, sức đề kháng còn non yếu nên rất dễ nhiễm bệnh.
Giữ ấm cơ thể là phương pháp đầu tiên để phòng tránh bệnh cho trẻ
Với các gia đình có con nhỏ, đặc biệt là trẻ sơ sinh thường rất lo lắng làm sao để con hạn chế mắc các bệnh lý trong mùa đông. Theo BSCKI Đặng Thu Hiền- Phòng khám Cây thông xanh thuộc Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo phát triển cộng đồng cho biết, việc giữ ấm cho trẻ khi thời tiết lạnh là một trong những yếu tố quan trọng trong phòng bệnh.
“Giữ ấm đúng cách trong mùa đông giúp trẻ phòng chống các bệnh liên quan đến đường hô hấp. Tuy nhiên, không phải cứ mặc nhiều quần áo là ấm, đắp chăn kín và dày là đúng cách. Cha mẹ cần cho trẻ mặc nhiều lớp áo khác nhau, chất liệu dễ chịu thoáng khí lại giúp cho việc giữ ấm được tốt hơn, tránh nhiễm lạnh ngược khi ra mồ hôi. Ngoài ra, bé có thể cởi bớt các lớp áo nếu cảm thấy nóng khi vận động nhiều”- BS Thu Hiền nói.
Thời tiết với khí hậu lạnh ẩm, trẻ cũng rất dễ mắc bệnh về đường tiêu hóa như tiêu chảy do vi khuẩn, do vi nấm, do ký sinh trùng hoặc do nhóm virus đường ruột, đặc biệt là rotavirus. Bệnh hay gặp ở trẻ nhỏ dưới 2 tuổi, dễ gây thành dịch, nếu không phát hiện và xử trí kịp thời có thể gây nguy hiểm cho trẻ nhỏ.
Nên mặc các lớp áo mỏng cho trẻ sơ sinh để giữ ấm và tạo cảm giác thoải mái cho bé
Các nguyên tắc giữ ấm cho bé mà các cha mẹ nên ghi nhớ
Giữ ấm cơ thể trẻ bằng những biện pháp rất đơn giản như: mặc thêm quần áo ấm, mang thêm tất, đội thêm mũ len hoặc quấn thêm chăn ấm cho trẻ.
“Cần thường xuyên mang tất chân, găng tay, khẩu trang, đội mũ len cho trẻ vì đây là bộ phận rất nhạy cảm với thời tiết lạnh. Những hôm thời tiết có nhiệt độ thấp đột ngột thì hạn chế việc cho trẻ ra ngoài trời nếu không cần thiết, tránh những nơi có gió lùa, gió lạnh”, BS Hiền tư vấn.
Trong mùa đông, vấn đề duy trì nhiệt độ ổn định là rất cần thiết. Cha mẹ không nên để xảy ra hiện tượng nóng, lạnh đột ngột có thể gây cảm cúm cho trẻ.
Với các bé sơ sinh, việc giữ ấm cho trẻ đặc biệt hơn bởi đây là giai đoạn đầu đời non yếu cần được cha mẹ chăm sóc một cách cẩn thận bởi sức đề kháng của bé còn kém và cơ thể bé lúc này vẫn chưa có khả năng tự điều hòa thân nhiệt ổn định.
“Về trẻ sơ sinh, chúng ta vẫn phải giữ ấm cho bé bằng cách quấn chăn, đội mũ, đi tất, đeo bao tay cho bé. Chọn chất liệu cotton thoáng khí mềm mại để bé cảm thấy thoải mái. Tránh các chất liệu gây bí dễ khiến da trẻ, dị ứng, hăm bí. Chú ý giữ ấm đủ cho bé các vùng như lòng bàn tay, bàn chân, ngực, thóp. Tuyệt đối không giữ ấm quá mức như quấn chăn dày quanh trẻ” -BS Hiền khuyến cáo.
BSCKI Đặng Thu Hiền khuyến cáo cha mẹ nên giữ ấm cho trẻ đúng cách
BS Hiền nhấn mạnh, việc để bé nằm cạnh mẹ giúp mẹ truyền hơi ấm và tiện theo dõi thân nhiệt của con. Dinh dưỡng từ bên trong cũng rất quan trọng. Cho bé bú đầy đủ để đảm bảo sức khỏe cho bé duy trì được thân nhiệt ổn định.
Thêm vào đó, cha mẹ phải giữ cho căn phòng của bé thật ấm áp, thoáng khí, có thể dùng thêm điều hòa, lò sưởi, quạt sưởi để giữ nhiệt độ phòng từ 27-28°C. Nhưng tuyệt đối tránh sưởi bằng lò than trong phòng. Khí CO và CO2 có thể gây ngạt thở và nhiễm độc cho cả mẹ và con. Tránh để bé ngủ ở chỗ hơi của máy điều hòa phả ra hoặc nơi gió lùa trực tiếp từ cửa sổ.
Tắm cho trẻ trong mùa đông – những điều cần lưu ý
Nhiều cha mẹ lo lắng việc tắm cho các bé sẽ khiến con nhiễm lạnh nên rất hạn chế tắm cho các bé trong mùa đông. Theo BS Đặng Thu Hiền, việc làm này là không nên: “Việc không tắm cho bé trong mùa lạnh sẽ khiến cho vi khuẩn tích tụ nhất là ở các bộ phận như khủy tay, nách, cổ bẹn, gây ngứa ngáy, khó chịu cho con. Đồng thời, tạo cơ hội thuận lợi để các vi khuẩn tấn công trẻ, ảnh hưởng sức khỏe hô hấp cũng như miễn dịch. Vì vậy, theo bác sĩ khi trời trở lạnh phụ huynh vẫn nên tắm rửa cho bé. Một tuần có thể tắm 2-3 lần. Nếu không tắm cho bé vẫn phải vệ sinh bằng nước ấm”.
Để các bé không bị lạnh khi tắm, các cha mẹ cần làm gì?
Đảm bảo bé được trong phòng kín và nhớ lau khô cơ thể mỗi khi tắm xong. Thời gian lý tưởng để tắm cho trẻ là 10h-10h30 buổi sáng hoặc từ 15h cho tới 16h buổi chiều. Khi tắm cho bé mùa lạnh, chỉ nên giới hạn trong khoảng 5-7 phút.
Nguyên tắc khi tắm cho trẻ sơ sinh vào mùa lạnh là tắm từ dưới lên trên, giúp các bé thích nghi nhiệt độ của nước. Tắm trước, lau khô người rồi mới gội đầu cho bé
Không tắm khi trẻ đói bụng. Giữ nhiệt độ phòng tắm ổn định. Nhiệt độ nước thích hợp nhiệt độ nước thích hợp để tắm cho bé vào mùa đông là từ 33-37 độ C. Có thể dùng khuỷu tay hoặc cổ tay cũng như dùng nhiệt kế chuyên dụng để đo nhiệt độ nước.
Trẻ sơ sinh tắm vào mùa đông mẹ nên chuẩn bị đầy đủ quần áo, bao tay, bao chân và khăn lau người để con không lạnh sau khi tắm xong. Lúc lau mẹ cũng cần chú ý đặt bé vào khăn quấn khít rồi lau nhẹ nhàng. Mở khăn đến đâu thì mặc quần áo cho bé đến đấy để con không bị cảm lạnh.
Sử dụng các thiết bị làm ấm phòng đúng cách
Hiện nay các gia đình thường sử dụng máy điều hòa nhiệt độ trong mùa đông để giữ ấm. Việc làm này cũng cần thực hiện đúng cách.
BSCKI Đặng Thu Hiền phân tích, thân nhiệt của trẻ em không giống người lớn, nhất là trẻ dưới 3 tuổi, đặc biệt là trẻ sơ sinh. Thông thường mức nhiệt trong phòng nên duy trì khoảng từ 27-29 độ C.Tránh thay đổi đột ngột về nhiệt độ phòng. Không để luồng gió thẳng vào nơi con ngủ.
Cha mẹ không nên sử dụng thiết bị làm ấm phòng liên tục trong cả ngày. Giữ vệ sinh sạch sẽ cho căn phòng của mẹ và bé. Bật quạt thông gió và phải đảm bảo độ ẩm trong phòng điều hoà.
Nên nhỏ mũi thường xuyên và cho bé uống đủ nước khi ở trong phòng sử dụng các thiết bị làm ấm.
Giữ ấm cho trẻ khi ngủ vào ban đêm
Ban đêm mùa đông rất lạnh nếu không được giữ ấm đúng cách, trẻ dễ bị nhiễm lạnh. Tuy nhiên chỉ cần giữ ấm vừa đủ cho con. Không nên mặc quá nhiều quần áo khiến bé có thể bị nóng, nên mặc hai lớp áo mỏng cho bé và thường xuyên dậy kiểm tra chăn của con và lau người cho trẻ nếu ra mồ hôi. Nên quàng khăn mềm cho bé vì phần cổ dễ bị nhiễm lạnh.
Ngoài ra, BSCKI Đặng Thu Hiền khuyến cáo cha mẹ cần lưu ý: Vệ sinh mũi và họng để tránh bệnh ho ở trẻ vào mùa đông. Bổ sung dinh dưỡng hợp lý để giữ ấm và tăng sức đề kháng cho trẻ. Cha mẹ nên cho trẻ ăn nhiều các loại hoa quả có nhiều vitamin C và những loại rau xanh cháo súp, vừa giúp cơ thể giữ ấm lại vừa làm tăng sức đề kháng chống lại các loại vi rút, vi khuẩn đang sinh sôi nhiều lên trong mùa lạnh.
Uống đủ nước mỗi ngày rất có lợi cho sức khỏe nhất là đối với trẻ em. Giúp trẻ ngủ đủ giấc và ngon giấc sẽ khiến trẻ phát triển tốt hơn. Tích cực tắm nắng cho trẻ, nguồn vitamin D tự nhiên sẽ giúp trẻ phát triển xương khớp và tăng cường hệ miễn dịch. Đặc biệt, thực hiện tốt việc tiêm chủng đầy đủ các mũi vaccine cho trẻ theo lứa tuổi để có cách phòng ngừa bệnh chủ động và hiệu quả nhất.
Theo Phương Trang/VOV2 - 16/12/2023
https://vov.vn/suc-khoe/giu-am-cho-tre-so-sinh-can-than-nhung-chua-chac-dung-cach-post1065715.vov