Triển khai thực hiện theo chủ trương cơ cấu lại ngành Nông nghiệp, đặc biệt là Đề án “Chuyển đổi số ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030”, ngành Nông nghiệp Vĩnh Phúc đang đẩy mạnh hỗ trợ người chăn nuôi thay đổi về tư duy, tiếp cận các giải pháp công nghệ, khoa học kỹ thuật mới trong sản xuất để thích ứng với Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 nhằm hướng đến mô hình chăn nuôi hiện đại, hiệu quả và bền vững.
Trong năm 2023, Chi cục Chăn nuôi và Thú y Vĩnh Phúc đã triển khai xây dựng mô hình ứng dụng chuyển đổi số trong chăn nuôi lợn thịt với tổng kinh phí gần 830 triệu đồng, trong đó ngân sách Nhà nước hỗ trợ hơn 500 triệu đồng đối với mô hình nuôi lợn có quy mô 1.000 con tại xã Cao Minh, thành phố Phúc Yên. Trong đó, tập trung tư vấn, hướng dẫn cơ sở tham gia mô hình thiết kế, bố trí trang thiết bị về hệ thống cho ăn tự động, hệ thống giám sát và điều khiển khí hậu chuồng nuôi, phầm mềm quản lý trang trại theo đúng yêu cầu kỹ thuật. Qua đó, bước đầu tạo ra lợi ích kép, giúp giảm chi phí đầu vào, hạn chế lây lan dịch bệnh, an toàn vệ sinh thực phẩm và mang lại lợi nhuận kinh tế cao cho người chăn nuôi.
Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y Vĩnh Phúc, hiện nay, trên địa bàn tỉnh có trên 100 nghìn cơ sở chăn nuôi, tuy nhiên chỉ có hơn 4% cơ sở chăn nuôi quy mô trang trại, còn lại là chăn nuôi nhỏ lẻ, quy mô hộ gia đình, vì vậy việc ứng dụng công nghệ cao vào chăn nuôi vẫn còn nhiều hạn chế. Do vậy việc xây dựng mô hình chuyển đổi số trong chăn nuôi lợn thịt không chỉ góp phần hỗ trợ người chăn nuôi thay đổi về tư duy, tiếp cận các giải pháp công nghệ, khoa học kỹ thuật mới mà còn là nơi để hộ chăn nuôi, doanh nghiệp học hỏi, nghiên cứu tham gia.
Tiếp tục thực hiện Đề án “Chuyển đổi số ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030”, nhất là trong lĩnh vực chăn nuôi thú y, ngành Nông nghiệp Vĩnh Phúc nỗ lực xây dựng, hoàn thiện hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu chuyên ngành chăn nuôi, phù hợp quy định tại Luật Chăn nuôi và Thông tư số 20 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về quy định việc cập nhật, khai thác và quản lý cơ sở dữ liệu quốc gia về chăn nuôi.
Rà soát, hoàn chỉnh và chuyển đổi số các quy trình kỹ thuật chăn nuôi, thú y cho các vật nuôi chủ lực phù hợp với điều kiện cụ thể trên địa bàn tỉnh; xây dựng sổ tay điện tử hỗ trợ quy trình kỹ thuật chăn nuôi và giết mổ gia cầm, gia súc cho người dân… Từ đó, đáp ứng yêu cầu về chất lượng, an toàn thực phẩm tiêu dùng trong nước và xuất khẩu, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân cũng như phù hợp với xu thế của thời kỳ công nghệ 4.0.
Phương Liên