Mặc cảm vì răng xấu do nhiễm tetracycline nên chị Minh (Hà Nội) quyết định đi bọc răng sứ. Thế nhưng đẹp đâu chưa thấy, chị thấy khốn khổ vì bị viêm lợi rất nặng, kéo theo đó là hôi miệng.
Chị Minh (Hà Nội) kể mình thuộc thế hệ mà trước đây bố mẹ hay cho dùng thuốc kháng sinh tetracycline nên men răng rất xấu dù răng mọc đều. Trong một lần đi lấy cao răng, chị được bác sĩ tư vấn bọc răng sứ.
Tuy nhiên làm xong chị không thấy mình đẹp hơn vì răng rất dày. Dù răng trắng nhưng chị lại thấy thiếu tự tin hơn so với hàm răng cũ của mình. Không những thế, chị bị viêm lợi rất nặng, đánh răng hoặc chạm nhẹ vào cũng chảy máu, kéo theo đó là tình trạng hôi miệng.
"Thực sự, tôi thấy thất vọng lắm, đẹp đã không thấy đâu mà còn phải chịu cảnh hôi miệng, đúng là tiền thì mất mà tật thì mang. Suốt mấy năm trời tôi phải sống chung với tình cảnh này", chị Minh nói.
Theo bác sĩ, không phải răng của ai cũng có chỉ định làm thẩm mỹ, vì thế người dân cần tìm hiểu kỹ trước khi quyết định làm (Ảnh răng của một bệnh nhân bị mài sai kỹ thuật: N.P).
Chị đã đến một số phòng răng để khám nhưng cứ hết thuốc thì bệnh lại tái phát, thậm chí có bác sĩ còn bảo tình trạng này do cơ địa.
Đến gần đây, chị mới biết hóa ra không phải do cơ địa của mình mà do chất liệu làm răng không đảm bảo, vì bọc sứ đôi một nên không thể đưa chỉ nha khoa qua kẽ răng. Đến khi bác sĩ thay một bộ răng mới chị mới hết tình trạng viêm lợi.
Những trường hợp gặp biến chứng khi bọc răng sứ do cơ sở làm răng ẩu như chị Minh không phải hiếm gặp.
Thư (24 tuổi, Bắc Ninh) cho biết chỉ sau 3 tháng làm răng sứ cô đã sụt mất 3kg vì không ăn, không ngủ được do răng ê buốt, hai tai ù, hàm mỏi. Cô đã đi khám và được chẩn đoán bị lệch khớp cắn sau làm răng thẩm mỹ. Cô còn bị mài răng sai kỹ thuật, sai giải phẫu.
"Trước đó, tôi đi làm răng ở một phòng răng ở gần nhà, thế nhưng đẹp đâu chưa thấy mà chỉ thấy khổ thêm", Thư nói.
Sai lệch khớp cắn là tình trạng khi ngậm miệng, hai hàm không khít lại với nhau, gây ảnh hưởng lớn đến ăn nhai, khó khăn khi cử động hàm và gây mất tính thẩm mỹ khuôn mặt.
Bác sĩ Nguyễn Văn Hòa, Hiệp hội Răng Hàm Mặt Việt Nam, cho biết, khi khớp cắn bị sai thì lực nghiến rất mạnh, nó bắt đầu tạo ra phản ứng rắc rắc, lục cục ở trong khớp, từ đó dẫn đến ù tai. Mới đầu, bệnh nhân chỉ bị ù tai nhẹ nhưng càng về sau có thể không nghe thấy gì.
Theo BS Hòa, không phải răng của ai cũng có chỉ định làm thẩm mỹ. Những trường hợp răng yếu không được phép làm, vì khi mài răng sẽ dẫn đến ê buốt, một số thậm chí phải điều trị tủy, răng bị chết. Bên cạnh đó, việc chỉ định làm răng thẩm mỹ không đúng có thể dẫn đến viêm nha chu kéo dài, thời gian điều trị lâu tốn kém, ảnh hưởng đến tủy răng.
Một tình trạng răng khá phổ biến ở người dân nước ta là răng nhiễm tetracycline, men răng bị tối, xỉn, thiểu sản, yếu. Phương pháp khắc phục là mài cùi răng sau đó bọc răng sứ. Tuy nhiên, cách làm này tiềm ẩn một số nguy cơ như tổn thương mô răng, đặc biệt là kích thích tủy, thay đổi khớp cắn…
Tiến sĩ - Bác sĩ Phạm Thanh Hà, Phó giám đốc Bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung ương (Ảnh: N.P).
Tiến sĩ - Bác sĩ Phạm Thanh Hà, Phó giám đốc Bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung ương (Hà Nội), cho biết thêm, nhu cầu làm đẹp của người dân là chính đáng nhưng trước khi quyết định làm răng chúng ta cần tìm hiểu kỹ trước để tránh biến chứng.
"Chẳng hạn, như việc lấy tủy răng phải có chỉ định thực sự cần thiết mới làm, chứ không phải cứ làm răng thẩm mỹ là lấy tủy răng. Việc lấy tủy răng có thể dẫn đến một số biến chứng như viêm tủy răng, viêm quanh chóp răng, thậm chí là viêm xương hàm có những nang răng phức tạp", BS Hà nói.
Hiện nay nhu cầu làm đẹp của người dân rất cao, ở mọi tuổi, mọi giới, mọi thành phần. Vì thế, trên thị trường các cơ sở thẩm mỹ răng cũng "nở như hoa", đâu đâu cũng thấy làm răng thẩm mỹ, kéo theo đó cũng có nhiều biến chứng xảy ra.
Vấn đề ở đây là chỉ định phục hình thẩm mỹ răng thế nào cho đúng, chứ không phải chạy theo lợi nhuận.
Theo dantri.com.vn – 23/12/2023
https://dantri.com.vn/suc-khoe/mieng-hoi-rang-e-buot-khong-an-khong-ngu-duoc-vi-boc-rang-su-vo-toi-va-20231222195323851.htm