Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa công bố cấu trúc định dạng đề thi và Đề minh họa cho cấu trúc định dạng đề thi của kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025. Tổ Ngữ văn, Hệ thống giáo dục Hocmai đã có những nhận định xung quanh đề minh họa này.
Theo tổ Ngữ văn, Hệ thống Giáo dục Hocmai, dựa trên Đề minh họa và các thông tin được cung cấp trước đó, cũng như định hướng trong hoạt động Kiểm tra, Đánh giá của Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, có thể thấy, học sinh cần nắm chắc các kiến thức về mặt thể loại, hình thành kĩ năng và năng lực đọc – hiểu văn bản theo thể loại mới có thể hoàn thành bài thi.
Đề thi minh họa vẫn giữ nguyên hình thức là 100% tự luận, sự “quen thuộc” này chính là lợi thế cho học sinh, đồng thời cũng kiểm tra được toàn bộ năng Viết, đặc biệt là Viết văn bản nghị luận văn học về một nhân vật, cốt truyện hoặc chi tiết trong tác phẩm văn học, nghệ thuật.
Ở phần I, phần đọc hiểu. Văn bản Chiến thắng Mtao Grự là ngữ liệu bên ngoài Sách giáo khoa, thuộc thể loại sử thi; học sinh đã có quá trình học về thể loại, đọc – hiểu văn bản trong sách và hướng dẫn tự học/đọc mở rộng nên việc trả lời các câu hỏi này không quá khó. Với 5 câu hỏi trong đó có 2 câu nhận biết (xác định ngôi kể, liệt kê các từ ngữ, hình ảnh miêu tả không gian) học sinh sẽ không gặp bất cứ khó khăn gì, hoàn toàn có thể nhận được điểm tối đa trong quá trình làm bài.
Ở câu hỏi thông hiểu (sự khác nhau của biện pháp tu từ so sánh và nhận xét về phẩm chất của nhân vật Đăm Săn) sẽ nhiều học sinh gặp khó khăn với câu hỏi số 3: Chỉ ra sự khác nhau của biện pháp tu từ so sánh trong hai câu văn vì chưa làm quen với cách hỏi này, trước đây, các đề thi thường chỉ yêu cầu “nhận diện biện pháp tu từ” hoặc “chỉ ra tác dụng của biện pháp tu từ”.
Câu hỏi vận dụng sẽ cần khả năng đọc văn bản và phát hiện điều gì “có ý nghĩa nhất với cuộc sống hôm nay” không làm khó học sinh vì chỉ cần viết 2 – 3 câu văn giải thích ngắn gọn, vấn đề được đặt ra trong tác phẩm tương đối quen thuộc.
Ở phần II, Phần Viết, chiếm tỉ lệ 60%, học sinh sẽ cần viết 1 đoạn văn nghị luận văn học (bàn về nhân vật trong đoạn trích: nhân vật Thần Mưa) và 1 bài văn nghị luận xã hội (khoảng 600 chữ, trình bày ý kiến về những khó khăn, thử thách đối với tuổi trẻ).
Cũng giống như phần đọc hiểu, theo tổ Ngữ văn, Hệ thống giáo dục Hocmai, học sinh cần ghi nhớ những đặc điểm của nhân vật trong tác phẩm thần thoại để có thể đối chiếu, so sánh với ngữ liệu được cho. Đề bài không quá khó nhưng đòi hỏi tính chính xác, học sinh cần chú ý, cẩn thận trong lúc làm bài, tránh rơi vào tình trạng diễn xuôi văn bản, bàn luận lan man.
Câu hỏi nghị luận xã hội tương đối quen thuộc, vấn đề “những khó khăn, thử thách đối với tuổi trẻ” không mới, học sinh cũng đã được làm quen về kĩ năng, phương pháp triển khai bài viết nên chắc chắn không gặp trở ngại gì. Tuy nhiên, để có được điểm trọn vẹn, học sinh cần có những ví dụ hay, dẫn chứng thuyết phục và để lại ấn tượng. Các thao tác lập luận cần được vận dụng một cách linh hoạt, sáng tạo và thể hiện rõ được quan điểm của người viết.
Theo tổ Ngữ văn, Hệ thống Giáo dục Hocmai, từ việc phân tích đề minh họa có thể thấy, đề có sự đổi mới về nội dung, cách hỏi để kiểm tra kiến thức, kĩ năng, năng lực của học sinh, bám sát những định hướng của Chương trình Giáo dục phổ thông 2018; Trong quá trình học, nếu đảm bảo các yêu cầu đặt ra trong việc tiếp cận, đọc – hiểu thể loại văn học, rèn luyện kĩ năng Viết, học sinh không khó để đạt được 7,0 – 7,25 điểm.
Mặc dù là ngữ liệu bên ngoài sách giáo khoa nhưng vấn đề được hỏi và nội dung văn bản đều không khó, câu hỏi không đi sâu khai thác các giá trị nghệ thuật, đặc sắc của văn bản hay yêu cầu so sánh mở rộng… đây có lẽ là bước đệm, để học sinh dần quen với việc đánh giá, kiểm tra mới và tự định hướng lại quá trình học tập của mình ngay từ bây giờ để có sự chuẩn bị tốt nhất cho kì thi 2025.
Theo Lê Vân/Báo Tin tức - 30/12/2023
https://baotintuc.vn/giao-duc/doi-moi-ve-cach-hoi-noi-dung-trong-de-ngu-van-thi-tot-nghiep-thpt-20231230012744392.htm