Cập nhật: 31/12/2023 08:12:00
Xem cỡ chữ

Mycoremediation - một hình thức xử lý sinh học để khử ô nhiễm môi trường dựa trên nấm, vẫn còn khá mới lạ. Nhưng phương thức xử lý này có thể sẽ thay đổi cách chúng ta chống lại vấn đề ô nhiễm.

Mycoremediation có thể sẽ thay đổi cách chúng ta chống lại vấn đề ô nhiễm. (Nguồn: Linkedin)

Mycoremediation có thể sẽ thay đổi cách chúng ta chống lại vấn đề ô nhiễm. (Nguồn: Linkedin)

Nấm không đơn thuần chỉ là một nguyên liệu dùng trong các món xào nấu, hay phủ lên mặt bánh pizza. Nó còn có vô vàn công dụng khác như xử lý chất thải nhựa, hiện tượng tràn dầu và nhiều chất độc hại khác.

Mycoremediation - một hình thức xử lý sinh học để khử ô nhiễm môi trường dựa trên nấm, vẫn còn khá mới lạ. Nhưng phương thức xử lý này có thể sẽ thay đổi cách chúng ta chống lại vấn đề ô nhiễm.

Nhà nấm học Merlin Sheldrake viết trong cuốn sách Entangled Life hồi năm 2019 rằng “nấm là những phù thủy về trao đổi chất". Không giống như các loài cây, nấm không có chất diệp lục. Thay vào đó chúng thu nhận nhiều chất dinh dưỡng thông qua thể sợi, hay thân nấm. Phần thân nấm lúc này đóng vai trò giống như rễ của các loài cây khác.

Mạng lưới thể sợi sẽ tiết ra các enzyme mạnh mẽ cho phép chúng phá vỡ một số vật liệu cứng nhất hành tinh và chuyển hóa thành chất dinh dưỡng.

Chính khả năng phá vỡ các phân tử phức tạp thành những phân tử đơn giản hơn của nấm đã tạo ra nền tảng cho việc phát triển phương pháp mycoremediation. Về cơ bản, bất kỳ sản phẩm nào có nguồn gốc từ carbon đều có thể thành thức ăn cho nấm. Thậm chí các nhà khoa học đã phát hiện ra một loại nấm có thể ăn nhựa polyurethane (nhựa PU - một vật liệu có độ bền cao).

Theo Financial Times, hiện đã có một số nơi triển khai áp dụng công nghệ làm sạch ô nhiễm môi trường bằng nấm. Ví dụ, người ta đã sử dụng hình thức này để xử lý các vụ tràn dầu trong rừng Amazon hay các vùng đất bị ô nhiễm ở Wisconsin, Mỹ. Ở tiểu bang California, Mỹ, các nhà khoa học đã dùng mycoremediation để khử độc đất và nước sau các vụ cháy rừng.

Các loài nấm hiện nay đã thể hiện rất nhiều công dụng trong cuộc sống đời thường của con người. Chúng giúp các nhà khoa học phát triển kháng sinh penicillin. Trong chế biến đồ ăn, nấm được dùng để lên men phô mai, bánh mì và rượu vang.

Chúng còn được sử dụng để thay thể xốp hay da thú. Tuy nhiên, mycoremediation vẫn là một phương án độc đáo hơn cả. Khi dùng để xử lý một sự cố ô nhiễm, những cây nấm sẽ chỉ sinh sôi trong một vùng rất cụ thể đó và không hoặc khó lan ra khỏi khu vực ô nhiễm. Những ưu điểm này khiến việc dùng nấm để xử lý ô nhiễm rất tiết kiệm chi phí.

Khó khăn hiện nay là việc tìm ra loài nấm phù hợp để phân hủy từng chất gây ô nhiễm tốn khá nhiều thời gian. Ngay cả khi đã tìm ra đúng loại nấm, các nhà khoa học vẫn phải tìm ra cách thức để phát triển số lượng lớn nấm một cách nhanh chóng.

Mycocycle là một công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực sử dụng nấm để xử lý ô nhiễm ở Mỹ. Công ty 5 tuổi này còn hoạt động trong lĩnh vực dùng nấm để biến chất thải công nghiệp thành nguyên liệu thô mới. Đầu năm nay, công ty đã huy động được 2,2 triệu USD vốn đầu tư để mở rộng quy mô kinh doanh của mình. Tương tự, các công ty MycoMine ở Thụy Điển và Novobiom ở Bỉ cũng đã tham gia vào ngành và thu hút nhiều chú ý.

Trong bối cảnh tình trạng ô nhiễm và rác thải đang ngày càng tăng nhanh trên Trái Đất, có thể chúng ta sẽ cần nhiều công ty như thế hơn trong tương lai./.

Theo (Vietnam+) - 31/12/2023

https://www.vietnamplus.vn/cong-nghe-xu-ly-dua-tren-nam-co-the-mo-ra-mot-tuong-lai-sach-hon-cho-nhan-loai-post918522.vnp