Bộ Tài chính vừa có báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ về tình hình thanh toán vốn đầu tư nguồn ngân sách nhà nước lũy kế 11 tháng, ước thực hiện 12 tháng kế hoạch năm 2023.
Theo đó, đến hết năm 2023, vốn công được thanh toán gần 579.850 tỷ đồng, đạt 73,5% kế hoạch và gần 82% theo chỉ tiêu Thủ tướng giao. Trong số đó, chương trình phục hồi kinh tế đạt hơn 56%.
Bộ Tài chính cho biết trong khi có một số đơn vị, địa phương đạt kết quả tích cực có khả năng hoàn thành kế hoạch giải ngân như Ngân hàng Nhà nước, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Quốc phòng, Long An, Quảng Ngãi, Đồng Tháp, Cà Mau có tỷ lệ giải ngân cao, từ 85 - 95%. Vẫn còn 63/115 đầu bộ và địa phương có kết quả giải ngân ước 12 tháng thấp hơn bình quân của cả nước; trong đó nhiều bộ, cơ quan trung ương và đưa phương có tỷ lệ giải ngân rất thấp. Cụ thể có 12 bộ, cơ quan trung ương chỉ giải ngân được dưới 20%, 2 địa phương dưới 40%.
Theo Bộ Tài chính, nguyên nhân khiến cho tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công thấp là cơ chế, chính sách còn mâu thuẫn, một số quy định pháp luật về việc tách giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập, cơ chế giao một số đại phương làm cơ quan chủ thực hiện đầu tư công các dự án giao thông đường bộ qua nhiều địa phương và sử dụng ngân sách địa phương này hỗ trợ địa phương khác… Đến nay, dù một số cơ chế đã được sửa đổi, nhưng Bộ Tài chính nhận xét, còn nhiều vấn đề đến nay vẫn đang rà soát nên ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân vốn.
Một nguyên nhân được Bộ Tài chính chỉ ra là tình trạng khan hiếm nguồn vật liệu trong quá trình thi công đối với các dự án tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long do việc tập trung triển khai đồng thời nhiều dự án giao thông lớn trong cùng khu vực.
Cùng với đó, các đơn vị cũng đang gặp vướng trong giải phóng mặt bằng, vướng quy hoạch sử dụng đất, định giá đất, người dân chưa đồng thuận phương án bồi thường, tái định cư. Những điều này dẫn đến khiếu nại, khiếu kiện, chậm thời gian tổ chức lựa chọn nhà thầu, ký hợp đồng, thi công.
Ngoài ra, có hiện tượng chậm điều chỉnh kế hoạch vốn giữa các dự án do nhiều đơn vị, địa phương còn tâm lý giữ vốn, làm ảnh hưởng đến tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công thấp.
Do đó, Bộ Tài chính cho rằng cần tiếp tục đẩy mạnh các giải pháp giải ngân vốn đầu tư công được đưa ra trước đó. Các chủ đầu tư cũng cần sớm nghiệm thu khối lượng hoàn thành, hoàn thiện hồ sơ tạm ứng gửi Kho bạc Nhà nước thanh toán.
Các đơn vị cũng cần sớm có phương án với số vốn không giải ngân hết, chỉ đề xuất kéo dài với một số dự án thực sự cần thiết, có khả năng tiếp tục thực hiện, nhằm tránh lãng phí nguồn lực, ảnh hưởng đến ngân sách. Nguồn vốn kéo dài sang năm 2023 ước đến 31/12/2023 còn khoảng 11.749 tỷ đồng chưa được giải ngân.
Theo Thùy Dương (TTXVN) - 04/01/2024
https://baotintuc.vn/kinh-te/giai-ngan-von-dau-tu-cong-nam-2023-uoc-dat-gan-735-ke-hoach-20240104113424217.htm