Hôm nay (14/1), cuộc xung đột đẫm máu giữa Israel và Lực lượng Hamas tại dải Gaza bước sang ngày thứ 100. Hơn 3 tháng qua, chiến sự đã cướp đi mạng sống của ít nhất 25.000 người thuộc cả hai phía, hầu hết là dân thường, đồng thời đẩy toàn khu vực Trung Đông vào một cục diện khủng hoảng cực kỳ phức tạp, rối ren và bất định chưa từng có.
Chiến sự đẫm máu với những tổn thất nặng nề cho cả hai phía
Thống kê mới nhất của cơ quan Y tế Palestine tại dải Gaza cho biết, tổng thương vong trong chiến dịch tấn công tổng lực của quân đội Israel vào vùng đất này kể từ ngày 7/10/2023 đã lên tới gần 24.000 người chết và 61.000 người bị thương. Ngoài ra, còn khoảng 7.000 người thuộc diện mất tích và nhiều khả năng cũng đã tử vong dưới các đống đổ nát do các cuộc không kích gây ra. Đây là số thương vong lớn nhất vì chiến sự tại dải Gaza trong 3/4 thế kỷ qua. Đáng nói hơn, hầu hết thương vong là dân thường, trong đó trẻ em và phụ nữ chiếm tới 70%
Chiến trường Israel, nơi giao tranh với quân Hamas. Ảnh: Reuters.
Không chỉ có vậy, chiến dịch tấn công cùng với chính sách bao vây và phong tỏa dải Gaza của Israel, còn khiến hơn 2,3 triệu dân cư cảu vùng đất này đang phải sống trong các điều kiện cực kỳ khó khăn là thiếu điện, thiếu nước sinh hoạt, thiếu lương thực, thiếu thuốc men, không được tiếp cận dịch vụ chăm sóc y tế...Truyền thông khu vực và quốc tế cho biết, kể từ đầu chiến sự đến nay, toàn bộ hoạt động kinh tế tại Gaza bị tê liệt và 100% trẻ em không được đến trường. Đặc biệt, tình trạng nhân đạo tại Gaza đang ở mức tồi tệ chưa từng có.
Về phía Israel, cuộc tấn công do Hamas tiến hành vào miền Nam nước này sáng 7/10/2023 khiến khoảng 1.200 người thiệt mạng, 240 con tin bị bắt giữ. Sau 99 ngày xung đột, phần lớn số con tin vẫn chưa được phóng thích, trong khi có thêm gần 200 lính Israel được xác nhận tử trận tại Gaza. Đặc biệt, lần đầu tiên sau đúng nửa thế kỷ, toàn bộ đất nước Israel bị đặt trong tình trạng chiến tranh, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tất cả các lĩnh vực kinh tế-xã hội-an ninh-quốc phòng-ngoại giao-giáo dục…của quốc gia này.
Đối đầu quân sự và khủng hoảng an ninh lan rộng khắp Trung Đông
Đáng quan ngại hơn, cuộc xung đột Israel-Hamas đã và đang gây ra những hệ lụy nguy hiểm về an ninh với toàn khu vực Trung Đông.
Tại khu vực biên giới giữa Israel và Lebanon, một ngày sau khi Israel phát động chiến dịch không kích vào Gaza, hôm 8/10/2023, lực lượng Hezbollah tại Lebanon đã nã pháo vào trang trại Shebaa do Israel kiểm soát nhằm “chia lửa” với người Palestine ở dải Gaza, chính thức khơi mào cho đợt giao tranh ác liệt qua biên giới kéo dài gần 100 ngày qua giữa Hezbollah và quân đội Israel.
Tổng thư ký Hezbollah Hassan Nasrallah tuyên bố nhóm này sẵn sàng tiến hành một cuộc chiến tranh không giới hạn với Israel. Trong khi đó, Israel đã tăng cường hàng chục nghìn binh sỹ về khu vực biên giới phía Bắc, đồng thời sơ tán toàn bộ dân cư sinh sống gần đường biên với Lebanon nhằm sẵn sàng cho một kịch bản đối đầu quân sự quy mô lớn với Hezbollah. Các cuộc bắn phá qua biên giới giữa hai bên đã cướp đi mạng sống của gần 200 người, chủ yếu là phía Lebanon, và ngày càng tiến gần hơn tới giới hạn của một cuộc xung đột vũ trang toàn diện tương tự như cuộc chiến mùa hè năm 2006 khiến hàng nghìn người thương vong.
Một hệ lụy nguy hiểm khác từ cuộc chiến tại dải Gaza là khiến cho bất ổn gia tăng nghiêm trọng tại khu vực Biển Đỏ. Khoảng một tháng rưỡi sau khi chiến sự bùng phát tại Gaza, từ cuối tháng 11/2023, nhóm vũ trang Hồi giáo giàu thực lực và đang kiểm soát nhiều vùng lãnh thổ rộng lớn tại Yemen là Al Houthi, đã liên tiếp tiến hành các cuộc tập kích bằng tên lửa tầm xa hướng về phía lãnh thổ Israel, đồng thời thường xuyên phát động các cuộc tấn công bằng cả tên lửa, máy bay không người lái và tiếp cận trực tiếp các tàu thương mại lưu thông trên Biển Đỏ mà nhóm này cho là có liên quan đến Israel.
Al Houthi công khai tuyên bố rằng các cuộc tấn công này nhằm mục tiêu gây sức ép buộc Israel phải ngừng chiến dịch tàn sát người Palestine ở dải Gaza. Đỉnh điểm căng thẳng là ngày 8/1/2024, nhóm vũ trang thân Iran này mở cuộc tấn công quy mô lớn với 18 máy bay không người lái và 3 tên lửa chống hạm, nhằm vào một tàu của Mỹ tại Biển Đỏ. 3 ngày sau đó, đêm 11/1, quân đội Mỹ cùng các đồng minh tham gia liên minh hải quân mang tên “Người bảo vệ thịnh thượng” vừa được thành lập cuối năm 2023 tại Biển Đỏ để đối phó với mối đe dọa từ chính Al Houthi, đã tiến hành không kích vào hàng loạt mục tiêu của Al Houthi trên lãnh thổ Yemen, chính thức mở ra một mặt trận đối đầu quân sự mới tại Trung Đông.
Ngoài hai điểm nóng trên, chiến sự tại Gaza còn làm bùng phát vòng xoáy bạo lực nghiêm trọng tại khu Bờ Tây khiến hàng nghìn người Palestine thương vong, đồng thời kéo theo làn sóng tấn công vũ trang với tần suất chưa từng có nhằm vào các căn cứ quân sự của Mỹ ở Iraq và Syria. Chưa hết, một số nhà phân tích cho rằng cuộc xung đột còn đang tạo cơ hội cho chủ nghĩa khủng bố trỗi dậy mạnh mẽ tại Trung Đông, đứng đầu là Tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng – thủ phạm của vụ tấn công khủng bố đẫm máu tại Iran hôm 3/1 vừa qua khiến hơn 300 người thương vong.
Cục diện rối ren, phức tạp và khó đoán định
Ngoài tác động trực tiếp tới an ninh khu vực trên thực địa, cuộc xung đột Israel-Hamas còn khiến nhiều mối quan hệ bang giao quốc tế rơi vào tình trạng khủng hoảng. Trong đó, nhà nước Israel ngày càng bị cô lập, thậm chí là bị thù ghét, ở không chỉ khu vực Trung Đông, mà tại nhiều nơi trên thế giới.
Trong các phản ứng công khai thuộc nhiều bối cảnh khác nhau, thế giới Ả Rập, các quốc gia Hồi giáo và nhiều nước bên thứ 3, đã phản đối và lên án chiến dịch tấn công của Israel vào dải Gaza với nhiều ngôn từ mạnh mẽ, trái ngược hoàn toàn với quan điểm của Mỹ và một số quốc gia phương Tây coi chiến dịch tấn công của Israel là hành động tự vệ. Saudi Arabia đã quyết định đình lại vô thời hạn tiến trình đàm phán bình thường hóa quan hệ với Israel, trong khi một số quốc gia triệu hồi đại sứ tại Tel Aviv về nước để bày tỏ sự phản đối. Đáng chú ý, Bolivia trở thành quốc gia đầu tiên quyết định cắt đứt quan hệ ngoại giao với Israel, trong khi Nam Phi khởi kiện lên Tòa án Công lí quốc tế (ICJ) với cáo buộc Israel phạm tội ác diệt chủng tại Gaza. Đặc biệt, một số khảo sát chỉ ra rằng tâm lý thù hận người Israel đang tăng lên một cách đáng lo ngại trong dân chúng các quốc gia Ả Rập và Hồi giáo.
Theo nhiều chuyên gia khu vực và quốc tế, dù vẫn chưa đi đến hồi kết, song với những tác động và hệ lụy gây ra trong 100 ngày qua, cộng với sự chia rẽ quan điểm sâu sắc giữa các bên quốc tế, cuộc xung đột Israel-Hamas đã và đang khiến cho cục diện an ninh - địa chính trị tại khu vực Trung Đông ngày càng trở nên rối ren, phức tạp, bất định và khó lường hơn trong thời gian tới.
Theo PV/VOV - 14/1/2024
https://vov.vn/the-gioi/100-ngay-xung-dot-israel-hamas-cuc-dien-trung-dong-ngay-cang-roi-ren-phuc-tap-post1071528.vov