Thôn Bàn Mạch, xã Lý Nhân, huyện Vĩnh Tường là một trong 28 thôn được chọn xây dựng “Làng văn hóa kiểu mẫu”. Để các Làng văn hóa kiểu mẫu phát triển bền vững, cùng với việc đầu tư cơ sở hạ tầng, thôn Bàn Mạch còn được hỗ trợ phát triển nghề Rèn truyền thống.
Làng Rèn Bàn Mạch là làng nghề truyền thống, nên đa phần các hộ dân ở đây vẫn sản xuất theo hướng thủ công, nên năng xuất không cao, đồng thời gây tác động xấu đến môi trường sống.Từ thực tế trên, tỉnh đã triển khai đề án “Hỗ trợ kinh phí đầu tư máy móc thiết bị tiên tiến trong sản xuất gia công cơ khí”cho một số hộ dân làm nghề Rèn tại Bàn Mạch.
Đề án được thực hiện từ tháng 11/2023, với sự tham gia của 4 hộ sản xuất, kinh doanh lĩnh vực gia công cơ khí. Tổng kinh phí đầu tư của đề án là 1,148 tỷ đồng, trong đó vốn khuyến công hỗ trợ 556 triệu đồng. Các hộ đã đầu tư mua hệ thống lò nung bằng điện, lò tôi và máy khắc laser fiber để đáp ứng nhu cầu sản xuất các mặt hàng nông cụ. Qua thời gian thực hiện cho thấy, việc áp dụng máy móc hiện đại trong sản xuất đã mang lại nhiều lợi ích thiết thực.
Đồng thời, đây cũng là động lực, cơ hội để người dân từng bước thay đổi tư duy trong sản xuất tiểu thủ công nghiệp,góp phần từng bước nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng ngày càng tốt hơn thị hiếu của người tiêu dùng.
Hiện nay, toàn xã Lý Nhân có khoảng 800 hộ làm nghề Rèn; tuy nhiên, đa phần vẫn sản xuất theo hình thức truyền thống. Vì vậy, để đưa nghề Rèn truyền thống lên một tầm cao mới, ngoài việc hỗ trợ các hộ trong đầu tư, phát triển sản xuất, tranh thủ sự hỗ trợ của cáp trên, chính quyền địa phương cũng đã xây dựng lộ trình cụ.
Việc hỗ trợ phát triển nghề Rèn truyền thống Bàn Mạch trong giai đoạn hiện nay không chỉ phù hợp với xu hướng phát triển và hội nhập, mà còn tạo ra bước đột phá trong bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, gắn với phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng đời sống vật chất và tinh thần cho Nhân dân.
Trường Giang