Cuối tuần, nhiều người tìm đến Lễ hội Tết Việt ở TP.HCM để thưởng thức loạt món ngon, đặc sản các vùng miền.
Nướng thịt heo bản, nấu bún nước lèo Sóc Trăng...
Tại hội chợ, anh Trần Quang Anh Bằng nổi lửa, nấu món cá kho làng Vũ Đại (Hà Nam) cho bà con chứng kiến tận mắt. Đây là lần đầu tiên bên anh mang món đặc sản này tới hội chợ. Mỗi niêu 1-3kg có giá từ 490.000 đồng đến 1,08 triệu đồng.
Món nổi tiếng này hút thực khách sành ăn, khi cá trắm ướp với gia vị như riềng, ớt…, rồi được kho kỳ công khoảng 18 tiếng liền trong niêu đất. Hương thơm còn được tạo ra bởi từ việc nấu bằng củi nhãn.
"Hội chợ đông, vui, có nhiều người hỏi mua liền, cũng có người lấy số điện thoại để đặt hàng. Nhiều khách cũng tới thử để biết vì thấy món lạ", anh Bằng chia sẻ.
Ở khu vực đồ ăn, gian hàng của cô Âu Thúy (60 tuổi) nổi bật với những chiếc đèn lồng đỏ. Dịp này cô đặc biệt nấu bún nước lèo Sóc Trăng quê mình đãi các vị khách thành thị.
"Mắm để nấu nước lèo và nhiều nguyên liệu khác được mình mang từ dưới quê lên đây để nấu. Món này dân miền Tây yêu thích lắm, nhiều người cũng chưa được ăn bao giờ, mình mang tới để giới thiệu".
"Năm trước nhà mình chỉ bán ở Lễ hội bánh dân gian Cần Thơ. Năm nay mở rộng, bán ở Bến Tre, TP.HCM và Đà Lạt. Buôn bán ở hội chợ lúc hên lúc xui, nhưng riêng lễ hội ở công viên Lê Văn Tám đang diễn ra thì khách đông, ổn, mừng", chị Trương Hoàng Hồng Ngọc (con của cô Thúy) chia sẻ.
Cô Thúy nấu bún nước lèo hơn 20 năm. Năm nay cô cùng nhiều người thân ở lại TP.HCM để bán xuyên Tết - Ảnh: BÔNG MAI
Mặc chiếc áo cóm cùng váy duyên dáng của người Thái đen, chị Lò Thị Nhung trở nên nổi bật. Lần đầu tiên từ Điện Biên đến TP.HCM bán hàng, chị quyết định mang theo đặc sản thịt trâu gác bếp, miếng dong, chẩm chéo…
Trong lúc chị Nhung giới thiệu món ngon đến thực khách, 3 người thân trong gia đình cũng tất bật ướp và nướng thịt lợn bản, đồ xôi tím bằng nếp nương và lá cẩm… ngay tại chỗ.
"Đông khách tới mua vì tò mò, món ăn lôi cuốn. Sau hội chợ mình sẽ ở lại TP.HCM một ngày để trải nghiệm trước khi về Điện Biên", chị Nhung vui vẻ.
Nhiều khách hàng cảm thấy thú vị, "như đang đi du lịch", vì vừa được chị Lò Thị Nhung giới thiệu đặc sản Điện Biên, lâu lâu được nghe tiếng Thái khi chị trò chuyện cùng người thân bên cạnh - Ảnh: PHƯƠNG QUYÊN
Xúng xính áo dài, đắm chìm trong không khí Tết Việt
Vào những ngày cuối năm âm lịch, thông thường có rất nhiều hội chợ diễn ra. Tuy nhiên Lễ hội Tết Việt 2024 có nhiều điểm đáng ghi nhận khi các gian hàng tập trung bày bán đặc sản địa phương, khách hàng không bị hụt hẫng trong chuyện tới lễ hội truyền thống nhưng bủa vây các món gỏi Thái, đồ ăn vặt Hàn...
Trong không khí nô nức, hai bé Lạc Lạc và Bánh Mì (2 tuổi) cũng được mẹ mặc cho áo dài và yếm tới chơi lễ hội. Cầm trên tay tò he hình khủng long, cá voi và công chúa, hai bạn nhỏ rất thích thú.
"Hai bạn thân từ nhỏ, có rất nhiều đồ chơi, nhưng tụi mình mong muốn con biết về Tết cổ truyền nên mua tò he. Lúc nãy các bé còn được coi múa lân nữa", chị Lê Phương Dung chia sẻ, đứng bên cạnh người bạn Phan Thị Thùy Linh.
Lễ hội Tết Việt nằm ngay vị trí trung tâm TP.HCM, đón lượng khách đông, nhiều bảo vệ chu đáo tới nhắc cẩn thận trong việc giữ gìn đồ đạc, đồng thời các bảng thông tin nhắc giữ gìn vệ sinh chung cũng được treo ở nhiều nơi.
Không khí Lễ hội Tết Việt đang diễn ra tại công viên Lê Văn Tám:
Lễ hội Tết Việt có rất nhiều khu vực chụp ảnh đẹp - Ảnh: PHƯƠNG QUYÊN
Thịt heo bản chuyển từ Điện Biên về ướp và nướng ngay tại lễ hội - Ảnh: PHƯƠNG QUYÊN
Quýt hồng Lai Vung (Đồng Tháp) hút khách - Ảnh: PHƯƠNG QUYÊN
Bánh tét ngũ sắc Vĩnh Long - Ảnh: PHƯƠNG QUYÊN
Ngoài ẩm thực, lễ hội còn có gian hàng gốm sứ, trang sức... - Ảnh: PHƯƠNG QUYÊN
Theo tuoitre.vn - 20/01/2024
https://tuoitre.vn/thuong-thuc-thit-heo-ban-ca-kho-lang-vu-dai-bun-nuoc-leo-soc-trang-o-le-hoi-tet-viet-20240120125413176.htm