Cập nhật: 27/01/2024 14:19:00
Xem cỡ chữ

Để tránh tình trạng thiếu hàng cục bộ trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn ở khu vực vùng cao, vùng sâu, vùng xa, nông thôn, ngành công thương Nghệ An đã đồng bộ nhiều biện pháp nhằm bình ổn thị trường, cung ứng hàng hóa phục vụ người dân. 

Chú thích ảnh

Bánh kẹo bày bán tại siêu thị phục vụ nhu cầu Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024. Ảnh: Bích Huệ/TTXVN

Sở Công Thương tỉnh đề nghị các phòng, ban, đơn vị, UBND huyện, thành phố, thị xã kịp thời theo dõi, cập nhật sát tình hình thị trường, biến động giá cả, nắm bắt nguồn cung và nhu cầu một số hàng hóa thiết yếu cùng các mặt hàng có nhu cầu cao trong dịp cuối năm và dịp Tết. Các địa phương này cũng phải dự báo nhu cầu và khả năng đáp ứng của thị trường phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân tại địa bàn trước, trong và sau Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024. UBND các huyện cũng theo dõi thường xuyên tình hình luân chuyển và tình hình giá cả hàng hoá sản phẩm phục vụ Tết của hộ kinh doanh tại chợ để kịp thời triển khai hoặc báo cáo ngay khi xảy ra tình trạng thiếu hàng, tăng giá đột biến.

Ông Phạm Văn Hoá, Giám đốc Sở Công Thương Nghệ An cho biết, do điều kiện kinh tế năm nay khó khăn hơn các năm trước nên sức mua của người dân cũng giảm sút, đặt biệt tại các vùng cao, vùng sâu, vùng xa, nông thôn. Tại đây các chợ quê có tình trạng "đìu hiu" nên doanh nghiệp có xu hướng ngại đưa sản phẩm về khu vực  này. Nếu xuất hiện tình trạng thiếu hàng cục bộ trong dịp tết, ngành công thương sẽ chỉ đạo các chuỗi cung ứng đưa hàng về khu vực này bình ổn.

Ngành cũng yêu cầu doanh nghiệp phân phối lớn trên địa bàn mở rộng hệ thống phân phối, thực hiện đăng ký phối hợp với đơn vị bán lẻ mở thêm điểm bán hàng thiết yếu phục vụ Tết nguyên đán như: Công ty cổ phần Lương thực Thanh Nghệ Tĩnh, Công ty TNHH Thương mại Nam Long với nhiều điểm bán tại các huyện Diễn Châu, Đô Lương, Thái Hòa và một số huyện miền núi. Sở cũng chỉ đạo các siêu thị, trung tâm thương mại, doanh nghiệp kinh doanh, phân phối hàng hóa trên địa bàn chủ động chuẩn bị đầy đủ nguồn hàng để có giải pháp sản xuất, dự trữ, điều tiết hàng hóa phù hợp, bảo đảm nguồn cung, bình ổn giá thị trường phục vụ dịp cuối năm và Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024.

Sở Công Thương Nghệ An cũng đề nghị các doanh nghiệp sản xuất - kinh doanh thương mại trên địa bàn chủ động rà soát nghiên cứu thị trường, xây dựng kế hoạch sản xuất, dự trữ hàng hóa một cách hợp lý để đảm bảo hoạt động sản xuất kinh doanh và lượng cung ứng cho thị trường Tết với chất lượng an toàn, giá cả hợp lý, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Các doanh nghiệp này cần liên kết, hình thành chuỗi cung ứng hàng hóa từ sản xuất đến lưu thông; nghiên cứu đăng ký các điểm mở cửa bán hàng hết ngày 30 tháng chạp và mở cửa bán trở lại vào các ngày từ mùng 1 đến mùng 4 tháng Giêng để phục vụ người dân.

Trước đó, Sở Công Thương và Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch tỉnh Nghệ An đã tổ chức thành công 4 phiên chợ đưa hàng Việt về nông thôn. Trong số đó, Sở Công Thương tổ chức 1 phiên chợ tại huyện Quế Phong; Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp tổ chức 1 phiên chợ tại xã Thành Sơn, huyện Anh Sơn; Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch tổ chức 2 phiên chợ tại huyện Quỳ Châu và huyện Quỳ Hợp.

Các phiên chợ hàng Việt về miền núi đã hỗ trợ người dân tiếp cận sản phẩm hàng Việt Nam đảm bảo về giá cả, chất lượng; đồng thời cũng hỗ trợ giới thiệu, bán, kết nối tiêu thụ sản phẩm của địa phương. Tại các phiên chợ hàng Việt đã kết nối được 6 đơn vị phân phối, bán lẻ tiêu thụ sản phẩm trà hoa vàng, dược liệu pù mát và thổ cẩm.

Đến thời điểm hiện tại, các đơn vị phân phối như Công ty cổ phần Lương thực Thanh Nghệ Tĩnh, Công ty TNHH Nông sản Thực phẩm Nghệ An, Công ty TNHH Thương mại Nam Long, hệ thống các siêu thị: Go! Vinh, MM Mega Market, Winmart, trung tâm thương mại và chợ trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã chủ động xây dựng kế hoạch chuẩn bị hàng hóa phục vụ Tết và cam kết nguồn cung luôn dồi dào. Giá bán các mặt hàng thiết yếu vẫn sẽ ổn định vào dịp Tết, nhất là đối với một số mặt hàng có nhu cầu tăng cao như: thực phẩm tươi sống (thịt bò, thịt gà, rau, củ quả..), công nghệ phẩm (bánh, kẹo, bia rượu, nước giải khát...) với tổng lượng hàng hóa dự trữ đạt trên 10.050 tỷ đồng.

Theo Trịnh Duy Hưng (TTXVN) - 27/01/2024

 https://baotintuc.vn/kinh-te/khong-de-thieu-hang-cuc-bo-o-nong-thon-vung-cao-dip-tet-nguyen-dan-20240127121602550.htm