Vốn FDI đăng ký và giải ngân đồng loạt tăng trong tháng 1. Đáng chú ý, có tới 1,27 tỷ USD chảy vào lĩnh vực bất động sản, gấp đôi cùng kỳ.
Theo Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến ngày 20/1, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài (ĐTNN) đạt hơn 2,36 tỷ USD, tăng 40,2% so với cùng kỳ năm 2023. Ngoài vốn đầu tư điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần giảm thì vốn đầu tư đăng ký mới vẫn tăng mạnh.
Cụ thể, có 190 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư (tăng 24,2% so với cùng kỳ), tổng vốn đăng ký đạt hơn 2 tỷ USD (tăng 66,9%).
Đồng thời, có 75 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư (giảm 15,7% so với cùng kỳ), tổng vốn đăng ký tăng thêm đạt hơn 235,4 triệu USD (giảm 23,1%) và có 174 lượt góp vốn mua cổ phần của nhà ĐTNN (giảm 14,7%) với tổng giá trị vốn góp đạt hơn 116,5 triệu USD (giảm 33,1% so với cùng kỳ).
Cục Đầu tư nước ngoài cho biết, vốn đầu tư đăng ký mới tháng 1 tăng mạnh so với cùng kỳ do tăng số lượng dự án mới (tăng 24,2%) và có dự án có quy mô vốn đầu tư lớn (hơn 600 triệu USD).
TPHCM từ trên cao (Ảnh: Khổng Chiêm)
Các nhà ĐTNN đã đầu tư vào 15 ngành trong tổng số 21 ngành kinh tế quốc dân. Trong đó, ngành hoạt động kinh doanh bất động sản dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đạt hơn 1,27 tỷ USD, chiếm 53,9% tổng vốn đầu tư đăng ký và gấp 2 lần so với cùng kỳ.
Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư gần 926 triệu USD, chiếm 39,2% tổng vốn đầu tư đăng ký. Tiếp theo, lần lượt là các ngành hoạt động chuyên môn, khoa học công nghệ; bán buôn bán lẻ với tổng vốn đăng ký đạt lần lượt là 65,2 triệu USD và gần 54,5 triệu USD.
Xét về số lượng dự án, bán buôn, bán lẻ là ngành dẫn đầu về số dự án mới (chiếm 38,9%) và góp vốn mua cổ phần (chiếm 49,4%). Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm tỷ trọng số lượt điều chỉnh vốn cao nhất (73,3%).
Đã có 39 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam trong tháng 1. Trong đó, Singapore dẫn đầu với tổng vốn đầu tư hơn 1,4 tỷ USD, chiếm 59,5% tổng vốn đầu tư, tăng 72,8% so với cùng kỳ 2023. Nhật Bản đứng thứ hai với gần 297 triệu USD, chiếm 12,6% tổng vốn đầu tư, gấp hơn 7 lần so với cùng kỳ. Tiếp theo là Samoa, Trung Quốc, Hồng Kông,…
Xét về số dự án, Trung Quốc là đối tác dẫn đầu về số dự án đầu tư mới (chiếm gần 19%); Hàn Quốc dẫn đầu về số lượt điều chỉnh vốn (chiếm 26,7%) và góp vốn mua cổ phần (chiếm 25,3%).
Các nhà ĐTNN đã đầu tư vào 35 tỉnh, thành phố trên cả nước trong tháng đầu năm. Hà Nội dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 867 triệu USD, chiếm 36,7% tổng vốn đầu tư đăng ký và gấp 39,7 lần so với cùng kỳ năm 2023. Bà Rịa - Vũng Tàu đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư đăng ký gần 282 triệu USD, chiếm 11,9% tổng vốn đầu tư cả nước. Kế đến, lần lượt là Bắc Giang, Bắc Ninh, Đồng Nai,…
Vốn đầu tư của Hà Nội tăng mạnh do có dự án đầu tư mới lớn có tổng vốn đầu tư hơn 662 triệu USD với mục tiêu đầu tư dự án khu đô thị mới ở Hà Nội.
Nếu xét về số dự án, TPHCM dẫn đầu cả nước cả về số dự án mới (chiếm 42,1%) và góp vốn mua cổ phần (chiếm 78,2%). Bắc Ninh dẫn đầu về số lượt dự án điều chỉnh vốn (chiếm 16%).
Cục Đầu tư nước ngoài ước tính, các dự án ĐTNN đã giải ngân được khoảng 1,48 tỷ USD, tăng 9,6% so với cùng kỳ năm 2023.
Kim ngạch xuất khẩu của khu vực ĐTNN tăng. Xuất khẩu kể cả dầu thô ước đạt hơn 24,82 tỷ USD, tăng 7,8% so với cùng kỳ, chiếm 73% kim ngạch xuất khẩu. Xuất khẩu không kể dầu thô ước đạt 27,7 tỷ USD, tăng 7,9% so với cùng kỳ, chiếm 72,6% kim ngạch xuất khẩu cả nước.
Theo dantri.com.vn – 28/1/2024
https://dantri.com.vn/kinh-doanh/fdi-do-manh-dau-nam-hon-mot-nua-chay-vao-bat-dong-san-20240128094943236.htm