Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Đảng bộ tỉnh đã không ngừng đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng bằng việc ban hành ít nghị quyết nhưng có trọng tâm, trọng điểm, hướng về cơ sở và người dân. Bên cạnh lựa chọn những vấn đề khó, cấp bách, điểm nghẽn để ban hành Nghị quyết, việc đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh được thể hiện rõ nét qua việc ban hành các nghị quyết, chủ trương về đảm bảo an sinh xã hội với quan điểm người dân là trung tâm của các cơ chế, chính sách và được thụ hưởng thành quả từ sự phát triển của tỉnh.
Đón Tết cổ truyền năm nay, Bà Lý Thị Chiu, Thôn Đồng Dong, xã Yên Dương, huyện Tam Đảo cũng như nhiều bà con đồng bào dân tộc Sán Dìu thôn Đồng Dong, xã Yên Dương huyện Tam Đảo càng phấn khởi trước sự đổi thay của quê hương. Đặc biệt từ khi thôn Đồng Dong được quan tâm đầu tư xây dựng Làng văn hóa kiểu mẫu với thiết chế văn hóa thể thao khang trang, hiện đại cùng các cơ chế chính sách hỗ trợ để người dân phát triển kinh tế bền vững.
Không chỉ riêng ở Làng văn hóa kiểu mẫu Đồng Dong, Nhân dân 27 Làng văn hóa kiểu mẫu còn lại đều cảm thấy phấn khởi trước sự quan tâm của tỉnh qua việc cụ thể hóa bằng Nghị quyết số 15-NQ/TU của Tỉnh ủy về xây dựng, phát triển văn hóa, con người Vĩnh Phúc đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và đặc biệt là Nghị quyết số 19-NQ/TU về xây dựng Làng văn hóa kiểu mẫu.
Nhờ công sức lao động trong nhiều năm, gia đình bà Tôn Thị Chín ở thôn Đạo Trù Thượng, xã Đạo Trù, huyện Tam Đảo mới xây dựng được một căn nhà khang trang. Nhiều năm trước đây, gia đình bà Chín là hộ nghèo của địa phương, đời sống còn nhiều khó khăn. Tuy nhiên, với sự quan tâm đồng hành của cấp ủy, chính quyền, thông qua các chính sách giảm nghèo, được vay các nguồn vốn ưu đãi, gia đình bà Chín đã đầu tư mô hình chăn nuôi cho hiệu quả kinh tế cao và đến nay đã thoát nghèo, làm giàu trên quê hương.
Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đề ra mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống dưới 1%. Tuy nhiên, bằng việc cụ thể hóa nghị quyết về nâng cao thu nhập và phúc lợi cùng nhiều chủ trương, chính sách đã ban hành về chương trình giảm nghèo bền vững, chỉ trong thời gian nửa nhiệm kỳ, Vĩnh Phúc đã hoàn thành đạt và vượt mục tiêu giảm nghèo, trong đó năm 2021, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 1,51%, đến năm 2022 giảm còn 0,99% và đến hết năm 2023, chỉ còn 0,61%.
Vì Nhân dân mà hành động, người dân là trung tâm của mọi cơ chế, chính sách và được thụ hưởng thành quả từ sự phát triển được thể hiện rõ nét qua việc đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh thời gian qua, đặc biệt đối với lĩnh vực an sinh xã hội, đảm bảo để Vĩnh Phúc phát triển nhanh và bền vững.
Ngọc Anh