Việc ăn uống đối với những người bị tăng nồng độ axit uric trong máu cần được kiểm soát chặt chẽ bởi khi lượng axit uric trong máu quá cao sẽ có nguy cơ gây ra các bệnh mãn tính nguy hiểm như gout, tăng huyết áp, đái tháo đường…
Chế độ dinh dưỡng dành cho những người bị tăng axit uric cần được thực hiện thế nào? TS.BS Lê Phong- cố vấn cao cấp Bệnh viện An Việt cho biết: Nguyên tắc chính trong chế độ ăn của người bị tăng axit uric máu là cần phải giảm nạp thêm các thực phẩm chứa nhiều nhân purin. Purin là hợp chất tự nhiên trong một số loại thực phẩm, trong quá trình phân hủy purin trong cơ thể sẽ tạo ra axit uric, việc nạp vào quá nhiều thực phẩm chứa purin khiến cho cơ thể tạo ra quá nhiều axit uric gây tăng axit uric máu. Vậy purin thường có trong những thực phẩm nào?
TS.BS Lê Phong- cố vấn cao cấp Bệnh viện An Việt
"Axit uric tăng phần lớn là do trong những thực phẩm chúng ta đưa vào cơ thể, ví dụ như các loại rau có màu đỏ như rau dền, gấc, cà rốt… hoặc khi chúng ta ăn quá nhiều chất đạm màu đỏ như cá hồi, tôm, cua, thịt trâu, thịt bò, thịt chó, thịt ngựa, thịt dê…sẽ khiến tăng axit uric ngay"- TS.BS Lê Phong cho hay.
Các loại cá sông, cá biển, thịt trắng không chứa nhiều nhân purin. Thịt gà, thịt vịt, thịt lợn là những thực phẩm có chứa hàm lượng nhân purin trung bình. Ngoài ra, còn có ngũ cốc nguyên hạt bao gồm cả bột yến mạch và gạo lức, các loại đậu, một số loại nấm như nấm đông cô, nấm kim châm, nấm rơm là những thực phẩm người bị tăng axit uric có thể ăn.
"Tuy nhiên, thịt gà, thịt vịt cũng không nên ăn quá nhiều, trứng cũng vậy… Với thịt gà, thịt vịt, thịt lợn thì chúng ta nên bỏ không nên ăn da, bì bỏ đầu cổ cánh đi, ăn thịt trắng"- TS.BS Lê Phong lưu ý.
Khi đã kiểm soát được lượng đạm rồi thì người bệnh nên tăng cường ăn chất tinh bột đường, rau xanh và trái cây... mỗi ngày. Uống nước khoáng rất tốt cho sức khỏe, bởi nước sẽ giúp đào thải axit uric ra khỏi cơ thể. Theo trang tin sức khỏe HealthHatch của Ấn Độ, thiếu nước là nguyên nhân gây ra một số vấn đề sức khỏe, uống ít nước có liên quan đến axit uric cao trong cơ thể. Tuy nhiên, BS Lê Phong cũng đưa ra khuyến cáo, việc sử dụng đồ uống cũng cần được chú ý bởi không phải loại đồ uống nào cũng tốt cho sức khỏe, đặc biệt khi cơ thể đang gặp phải tình trạng tăng axit uric.
"Đối với đồ uống, việc uống nước chanh cũng có thể gây lắng đọng urat vì chất này cũng đã lắng đọng ở thận rồi cũng rất dễ gây sỏi thận, không nên uống bia, trà cà phê thì uống không sao"- BS Phong nói.
Người tăng axit uric cần bổ sung chất xơ trong chế độ ăn hằng ngày
Các chuyên gia y tế cho rằng, việc sử dụng thực phẩm không lành mạnh có thể làm tăng nồng độ axit uric trong cơ thể, gây nên những hậu quả không mong muốn hoặc gây khó khăn trong điều trị khiến bệnh chuyển nặng và để lại nhiều di chứng nặng nề.
Do đó, việc nắm vững các nhóm thực phẩm nên ăn và các thực phẩm nên tránh, biết cách phối hợp khoa học và chế biến sao cho ngon miệng, đẹp mắt sẽ giúp cho người đang bị tăng axit uric dễ ăn và cải thiện tình trạng sức khỏe của mình.
Theo Phương Trang/VOV2 – 9/3/2024
https://vov.vn/suc-khoe/khi-bi-tang-axit-uric-tuyet-doi-tranh-mon-gi-post1081495.vov