Cập nhật: 18/03/2024 17:00:00
Xem cỡ chữ

Bệnh lao ruột xảy ra khá âm thầm, dấu hiệu bệnh lao ruột thường không đặc hiệu, do đó ít khi người bệnh đến khám ở giai đoạn đầu.

Hình ảnh xét nghiệm mô bệnh học cho kết quả tổn thương viêm hạt hướng đến do Mycobacterium.

Hình ảnh xét nghiệm mô bệnh học cho kết quả tổn thương viêm hạt hướng đến do Mycobacterium.

Bệnh nhân nam Nguyễn Đức M. (43 tuổi, Hà Nam) đến Bệnh viện Đa khoa Medlatec thăm khám trong tình trạng đau bụng thượng vị, kèm buồn nôn. Tình trạng này kéo dài gần nửa năm, đi kèm sụt cân.

Nghi ngờ mắc các bệnh lý đường tiêu hóa, bệnh nhân đi nội soi dạ dày nhiều lần tại các bệnh viện lớn tại Hà Nội, nhưng không phát hiện dấu hiệu bất thường.

Khai thác tiền sử, bệnh nhân cho biết đã từng mắc lao phổi và điều trị từ năm 2007.

Sau đó, bệnh nhân được bác sĩ chỉ định thực hiện các cận lâm sàng cần thiết phục vụ chẩn đoán. Trong đó, kết quả nội soi dạ dày bằng công nghệ NBI cho thấy hình ảnh đám tổn thương kích thước 2cm tại thân vị, niêm mạc lần sần.

Tiến hành sinh thiết làm xét nghiệm mô bệnh học cho kết quả tổn thương viêm hạt hướng đến do Mycobacterium - một loại vi khuẩn gây ra bệnh lao. Bệnh nhân được chẩn đoán xác định mắc lao dạ dày và được tư vấn điều trị theo phác đồ.

Sau một tháng điều trị, hiện tại sức khỏe bệnh nhân ổn định và chấm dứt các dấu hiệu bất thường khi đi khám trước đó.

Theo Thạc sĩ, bác sĩ Phạm Thị Quế, chuyên khoa Tiêu hóa, Bệnh viện Đa khoa Medlatec, lao ruột là một thể bệnh lao ngoài phổi, do trực khuẩn lao gây nên tình trạng nhiễm khuẩn đường tiêu hóa đặc hiệu.

Bệnh lao ruột thường xảy ra ở các quốc gia đang phát triển, là bệnh lý ít gặp (chỉ chiếm 1-3%), nhưng rất nguy hiểm vì khó chẩn đoán, điều trị và tỷ lệ biến chứng rất lớn.

Trong cơ thể, trực khuẩn lao thường ngủ yên, khi cơ thể bị suy giảm miễn dịch thì sẽ kích thích vi khuẩn lao hoạt động và gây lao ruột.

Bệnh lao ruột xảy ra do 2 nguyên nhân là nguyên phát và thứ phát:

· Lao ruột nguyên phát: Là loại lao ít gặp, xảy ra khi vi khuẩn lao xâm nhập vào cơ thể thông qua đường tiêu hóa và khu trú ở ngay ruột, sau đó vi khuẩn lao mới xâm nhập sang các cơ quan khác.

· Lao ruột thứ phát: Là lao ruột thường gặp sau khi bệnh nhân bị lao phổi, lao thực quản, lao họng hầu lao màng bụng.

Bệnh lao ruột xảy ra khá âm thầm, dấu hiệu bệnh lao ruột thường không đặc hiệu, do đó ít khi người bệnh đến khám ở giai đoạn đầu. Các dấu hiệu bệnh lao ruột thường là biểu hiện bệnh lý đường tiêu hóa như: Buồn nôn, đau bụng toàn bộ hay khu trú, thường đau nhiều hơn ở hố chậu phải; đường ruột bị tắc nghẽn do hẹp gây nên tình trạng đau quặn bụng với chứng sôi bụng xảy ra.

Người bệnh thường có rối loạn đại tiện như tiêu chảy kéo dài, có thể kèm theo phân có máu. Đôi khi xảy ra tình trạng bị táo bón, hoặc xen lẫn tiêu chảy và táo bón. Triệu chứng tiêu chảy xuất hiện nhiều hơn khi bệnh nhân bị loét; đầy hơi và sôi bụng thường khu trú ở vùng hố chậu phải. Ngoài ra, các triệu chứng khác như sụt cân, đổ mồ hôi đêm, sốt, suy nhược...

Để chẩn đoán lao ruột, bác sĩ sẽ khám lâm sàng và cận lâm sàng để đưa ra kết quả chính xác nhất. Khi có kết quả chẩn đoán mắc bệnh lao ruột, hồ sơ bệnh án của người bệnh sẽ được chuyển cho bác sĩ chuyên khoa tiêu hóa để thực hiện các kiểm tra sâu hơn và tìm ra phác đồ điều trị lao ruột phù hợp với giai đoạn bệnh.

"Lao ruột, nếu không được phát hiện và chữa trị kịp thời, bệnh nhân có thể gặp các biến chứng như tắc ruột, có khối u giống u đại tràng, thủng ruột, viêm phúc mạc, xuất huyết tiêu hóa nặng và hội chứng kém hấp thu, dẫn đến suy kiệt và tử vong. Do đó, khi thấy có các triệu chứng bất thường nghi ngờ bệnh lao ruột, bệnh nhân cần đến bệnh viện hoặc các cơ sở y tế để được các bác sĩ chẩn đoán và điều trị kịp thời, hạn chế tối đa các biến chứng nguy hiểm", bác sĩ Quế khuyến cáo.

Theo MẠNH TRẦN/nhandan.vn – 18/3/2024

https://nhandan.vn/dau-hieu-tieu-hoa-nao-canh-bao-nguy-co-mac-benh-lao-ruot-post800465.html#800465|zone-highlight-1309|0