Nhiều người trẻ có các triệu chứng khó chịu trước ngày có kinh nguyệt như đau bụng, đau đầu, buồn ngủ, đau lưng... Theo bác sĩ Nguyễn Phương Tú, giảng viên Khoa Sản phụ khoa tại Đại học Y Hà Nội, để giảm hiện tượng này yếu tố quan trọng hàng đầu là điều chỉnh lối sống, giảm cân, thay đổi chế độ ăn và luyện tập.
Theo bác sĩ Nguyễn Phương Tú, giảng viên Khoa Sản phụ khoa tại Đại học Y Hà Nội, đối với mỗi người phụ nữ thì kinh nguyệt gần như là sự phản chiếu sức khoẻ sinh sản và sự cân bằng nội tiết tố trong cơ thể, chu kì kinh nguyệt giống như một đồng hồ sinh học cho biết về tình trạng sức khỏe, tâm lý của họ.
Khi cơ thể các bé gái xuất hiện hiện tượng ra máu âm đạo lần đầu tiên cũng là lúc đánh dấu tuổi dậy thì đã bắt đầu. Ở tuổi này, chu kì kinh nguyệt chưa đều thường không gây ra quá nhiều lo lắng. Trong vài năm đầu sau khi có kinh, chu kỳ không đều thường xảy ra do rối loạn nội tiết trục sinh lý vùng dưới đồi-tuyến yên - buồng trứng sớm, sau một thời gian có thể tự hết. Tuy nhiên có một vài trường hợp không cải thiện tình trạng mà kéo dài khiến họ lo lắng.
Nhóm nghiên cứu gồm các sinh viên y khoa của Trường Đại học Y Hà Nội với sự hướng dẫn của bác sĩ Nguyễn Phương Tú và bác sĩ Nguyễn Hải Phương, giảng viên khoa Sản phụ khoa tại Đại học Y Hà Nội vừa thực hiện nghiên cứu khảo sát tình trạng rối loạn kinh nguyệt và các yếu tố liên quan ở sinh viên nữ của Trường Đại học Y Hà Nội.
Khi thực hiện khảo sát, có thể nhận thấy trong số tất cả các triệu chứng gây khó chịu nhất trong khi có kinh thì đau bụng kinh là phổ biến nhất, khiến nhiều sinh viên nữ không thể tập trung cho học tập. Ngoài ra, những biểu hiện kèm theo như đau đầu, buồn ngủ, đau lưng cũng ảnh hưởng tới chất lượng cuộc sống của họ. Nhiều sinh viên nữ cho biết, họ cảm thấy thay đổi về tâm sinh lý, trở nên cáu gắt, buồn bã, tâm trạng mệt mỏi hơn trong những ngày có kinh. Sự thay đổi hormone nội tiết trước và trong khi có kinh là nguyên nhân chính của những hiện tượng trên. Hội chứng tiền kinh nguyệt gồm các triệu chứng như đầy bụng, căng tức ngực, đau nhức đầu và táo bón có thể xuất hiện khoảng 5-7 ngày trước khi ra hành kinh. Theo khảo sát, khoảng 30% số phụ nữ trẻ có các triệu chứng này nhưng không phải tất cả có biểu hiện giống nhau. Một vài trường hợp sẽ có đầy đủ các dấu hiệu của tiền kinh nguyệt còn một số thì chỉ có vài triệu chứng nhỏ lẻ nhưng gây khó chịu tới chất lượng sống và tinh thần của họ. Ngoài ra, rất hiếm người có thể có những dấu hiệu của rối loạn tâm thần tiền kinh nguyệt như cáu gắt, trầm cảm, mệt mỏi bồn chồn, tuy hiếm nhưng đây là dạng rối loạn nghiêm trọng nhất trước khi có kinh nguyệt.
Bác sĩ Nguyễn Phương Tú, giảng viên Khoa Sản phụ khoa tại Đại học Y Hà Nội và nhóm nghiên cứu sinh viên y khoa
Bên cạnh đó, một vài yếu tố cũng có nguy cơ ảnh hưởng tới tình trạng rong kinh kéo dài hoặc thiểu kinh nặng như: dinh dưỡng hàng ngày, các hoạt động thể dục thể thao còn hạn chế, áp lực học hành, thi cử…
Theo các bác sỹ, hầu hết các vấn đề liên quan tới chu kì kinh nguyệt không đều có thể giải thích theo nhiều cơ chế sinh lý, tuy nhiên trong một vài trường hợp đặc biệt thì cần tìm những nguyên nhân khách quan tác động tới tình trạng rối loạn, như hội chứng buồng trứng đa nang. Hội chứng này do nhiều yếu tố phối hợp với các triệu chứng đặc trưng như béo phì, rậm lông, vòng kinh không phóng noãn dưới dạng kinh thưa, vô kinh hay đa kinh, thiểu kinh, kèm theo là hiện tượng kháng insulin với các biểu hiện của rối loạn chuyển hoá và nguy cơ cao gây vô sinh do không có sự phóng noãn. Với những trường hợp này, yếu tố quan trọng hàng đầu là điều chỉnh lối sống, giảm cân, thay đổi chế độ ăn và luyện tập.
Sau khi thực hiện nghiên cứu về tình trạng rối loạn kinh nguyệt trong nhóm sinh viên nữ Trường Đại học Y Hà Nội, tập thể các nhà khoa học nghiên cứu để ra mắt ứng dụng theo dõi chu kì kinh nguyệt, phát hiện sớm các bất thường và kịp thời đưa ra những lời khuyên và biện pháp hỗ trợ trên ứng dụng điện thoại thông minh. Các phạm vi đánh giá cơn đau thông qua app sẽ được mở rộng và các tính năng đáp ứng cũng sẽ nhạy hơn để giúp nhận biết những chu kì bất thường và đưa ra lời cảnh báo sớm cho người sử dụng.
Theo P.Hà/VOV.VN - 04/04/2024
https://vov.vn/suc-khoe/roi-loan-kinh-nguyet-lam-gi-de-cai-thien-post1086772.vov