Bé gái 5 tuổi sống tại Tây Ninh vừa được các bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng TP. Hồ Chí Minh tiếp nhận điều trị với chẩn đoán viêm não mô cầu. Vậy viêm não mô cầu do đâu, lây nhiễm qua đường nào?
Viêm não mô cầu là một bệnh nguy hiểm, diễn tiến rất nhanh. Trẻ em mắc viêm não mô cầu có thể tử vong trong vòng 24 giờ đầu nhập viện nếu không được điều trị kịp thời. Tuy nhiên, bệnh hoàn toàn có thể điều trị được nếu phát hiện sớm, điều trị tích cực và đúng phác đồ.
Viêm não não mô cầu là một bệnh truyền nhiễm cấp tính lây qua đường hô hấp, do vi khuẩn não mô cầu Neisseria Meningitidis gây ra.
Vi khuẩn não mô cầu có nhiều type và thường hay gặp nhất là type A, B và C. Ổ chứa vi khuẩn não mô cầu trong tự nhiên là ở người, do vậy nguồn lây bệnh chủ yếu là bệnh nhân và người lành mang vi khuẩn.
Viêm não do não mô cầu lây qua đường hô hấp, do hít phải các giọt bắn của dịch tiết hô hấp có chứa mầm bệnh. Bệnh lây truyền bằng tiếp xúc trực tiếp qua đường hô hấp với các hạt nước miếng bị nhiễm vi khuẩn não mô cầu từ người nhiễm khuẩn sang mũi họng của người cảm nhiễm (sự lây truyền của bệnh qua đồ vật là hiếm xảy ra). Nguồn lây duy nhất là người, có thể là bệnh nhân hoặc người mang vi khuẩn không triệu chứng hay người lành mang trùng.
Viêm não mô cầu dễ gây thành dịch, nhất là trong các nhà trẻ, gia đình, khu tập thể, khu công nghiệp có mật độ người đông và điều kiện vệ sinh kém. Tuổi dễ mắc bệnh nhất là trẻ em từ 6 tháng đến 3 tuổi hoặc thanh thiếu niên 14 đến 20 tuổi, tỉ lệ bệnh thấp ở người trên 20 tuổi. Thể thường gặp nhất của bệnh là thể nhiễm trùng huyết và viêm màng não mủ.
Viêm não mô cầu là một bệnh nguy hiểm, diễn tiến rất nhanh. Ảnh minh hoạ.
Biểu hiện của viêm não mô cầu
Thời gian ủ bệnh từ 1 - 10 ngày, trung bình 5 - 7 ngày… Thời kỳ lây truyền của bệnh tùy thuộc vào sự tồn tại của vi khuẩn não mô cầu ở mũi họng của người nhiễm khuẩn và vi khuẩn sẽ biến mất ở mũi họng sau 24 giờ điều trị kháng sinh. Khi ở ngoài cơ thể vi khuẩn không tồn tại lâu trong dịch tiết mũi họng.
Bệnh viêm não mô cầu thường có 2 thể
Ở thể nhiễm trùng huyết do não mô cầu có thể là diễn tiến tối cấp, cấp tính hay mạn tính. Thường gặp nhất là nhiễm trùng huyết thể cấp tính. Ở thể này bệnh thường khởi bệnh đột ngột, một số bệnh nhân có tình trạng tương tự như cảm cúm trước đó: Mệt mỏi, đau họng, ho, nhức đầu…Tiếp theo bệnh nhân sẽ sốt cao 39 - 40 độ C, ớn lạnh, rét run nhiều lần, nôn ói, đau khớp, đau cơ, thở nhanh, huyết áp tụt.
Hình ảnh đặc trưng của bệnh là các đốm xuất huyết trên da, xuất hiện trong khoảng 75% các trường hợp trong vòng một hai ngày sau sốt, có đặc điểm màu đỏ hoặc tím thẫm, bờ không tròn đều, kích thước thay đổi từ 1 - 2mm đến vài cm, bề mặt bằng phẳng không gồ lên da, có khi có hoại tử trung tâm, phân bố khắp người, nhiều nhất ở vùng nách, hông, quanh khớp (khuỷu, gối, cổ chân), lan nhanh về số lượng cũng như kích thước, kèm theo xuất huyết niêm mạc mắt ở hầu hết các trường hợp.
Ở thể viêm màng não thường xảy ra sau viêm mũi họng, hoặc khởi phát đã là triệu chứng của viêm màng não. Bệnh nhân cũng bị sốt đột ngột 39 – 40 độ C, mệt mỏi, đau đầu nhiều, nôn vọt.
Bệnh nhân nhanh chóng bị lú lẫn, hoảng loạn, co giật và hôn mê.
Vì vậy, để phát hiện sớm nhiễm não mô cầu khi có các biểu hiện sớm như sốt, đau họng, mệt mỏi, nhức đầu, đau cơ, xuất hiện các nốt xuất huyết trên da hoặc xuất huyết kết mạc mắt trong bối cảnh có tiếp xúc với bệnh nhân nhiễm não mô cầu trước đó, nên đưa người bệnh đến cơ sở y tế sớm để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Lời khuyên thầy thuốc
Bệnh viêm não mô cầu nếu được điều trị tốt và kịp thời thì tỷ lệ khỏi bệnh có thể lên đến 95%. Tuy nhiên, nếu không được phát hiện sớm, điều trị muộn, người bệnh phải đối mặt với nhiều di chứng sức khỏe lâu dài.
Vì vậy, để phòng bệnh viêm não do não mô cầu, tránh lây lan trong cộng đồng, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế khuyến cáo người dân thực hiện tốt một số biện pháp sau:
1. Thực hiện tốt vệ sinh cá nhân: Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, súc miệng, họng bằng các dung dịch sát khuẩn mũi họng thông thường.
2. Thực hiện tốt vệ sinh nơi ở, thông thoáng nơi ở, nơi làm việc.
3. Chủ động tiêm phòng vaccine phòng bệnh cho trẻ.
4. Khi có biểu hiện sốt cao, đau đầu, buồn nôn và nôn, cổ cứng, cần đến ngay cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời.
Lưu ý: Với những người chưa tiêm phòng hoặc nghi ngờ nhiễm viêm màng não mô cầu khuẩn do tiếp xúc, khi có triệu chứng thì cần cách ly ngay lập tức để tránh lây nhiễm bệnh. Đồng thời người bệnh lúc đó sẽ được chỉ định làm một số xét nghiệm. Nếu chẩn đoán xác định thì cần dùng kháng sinh sớm.
Ngoài ra, thuốc dự phòng viêm màng não mô cầu được sử dụng ở những người có nguy cơ cao như người tiếp xúc nguồn bệnh, bạn cùng phòng, đồng nghiệp, người thân với người bệnh…
Theo suckhoedoisong.vn - 10/04/2024
https://suckhoedoisong.vn/be-5-tuoi-nguy-kich-vi-viem-nao-mo-cau-can-benh-nay-lay-nhiem-nhu-the-nao-169240409215530985.htm