Chuyên gia lưu ý, trong quá trình ôn thi tốt nghiệp THPT, việc đặt mục tiêu hợp lý rất quan trọng. Thí sinh có thể áp dụng hoạt động “đèn giao thông” để lên kế hoạch ôn tập hiệu quả.
Còn khoảng 1 tháng rưỡi nữa, học sinh toàn quốc sẽ bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024. Đưa ra tư vấn cho học sinh trong giai đoạn ôn thi nước rút, đặc biệt với môn Toán, TS Nguyễn Phụ Hoàng Lân, giảng viên Khoa sư phạm, Trường ĐH Giáo dục (ĐH Quốc gia Hà Nội) cho biết, năm 2024 là năm cuối cùng thi tốt nghiệp THPT theo chương trình GDPT 2006. Từ năm 2025, học sinh sẽ thi theo chương trình GDPT 2018. Theo đề minh họa của Bộ GD-ĐT, kỳ thi năm nay về cơ bản giữ cố định như những năm trước và có thêm một số thay đổi nhỏ về nội dung để dần chuyển giao sang chương trình mới.
Dựa vào đề thi minh họa Bộ GD-ĐT đã công bố, TS Nguyễn Phụ Hoàng Lân cho biết, với môn Toán, đề thi vẫn giữ nguyên cấu trúc như năm 2023, đề gồm 50 câu hỏi trắc nghiệm, thí sinh làm bài trong thời gian 90 phút. Trong đó, có khoảng 45 câu hỏi thuộc chương trình lớp 12, 5 câu thuộc chương trình lớp 11.
Chỉ còn khoảng 1,5 tháng nữa, thí sinh cả nước sẽ bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024. (Ảnh minh họa)
“Điểm mới của bài thi năm nay là tăng cường hợp lý một số nội dung liên quan đến vận dụng thực tiễn, từng bước tiệm cận với định hướng đánh giá năng lực, mục tiêu yêu cầu phát triển năng lực, phẩm chất người học theo Chương trình GDPT năm 2018", TS Lân cho biết.
Về mức độ phân hóa, theo TS Lân, đề thi có khoảng 50% câu hỏi ở mức độ nhận biết, 26% mức độ thông hiểu, 14% câu hỏi vận dụng và 10% câu vận dụng cao.
Với những thí sinh học chắc có thể đạt từ 7,6 điểm trở lên. Riêng với phần vận dụng và vận dụng cao, đề thi minh họa của Bộ GD-ĐT năm nay có điểm tương đối mới so với những năm trước khi bài toán mang tính thực tế, giúp đánh giá toàn diện và tốt hơn năng lực của học sinh.
Tư vấn thí sinh về cách ôn tập và làm bài hiệu quả, TS Hoàng Lân lưu ý, trước hết thí sinh cần xác định mục tiêu cụ thể cho bản thân. Ví dụ, khi làm bài thi thử đạt mức điểm từ 6-7 điểm, trước mắt các em nên đặt mục tiêu lên 8-8,5 điểm trước. Thí sinh cũng cần xác định rõ mức độ, kiến thức kỹ năng của mình đang ở đâu để có chiến lược ôn tập phù hợp.
“Việc đặt mục tiêu hợp lý rất quan trọng. Các em có thể áp dụng hoạt động “đèn giao thông” để lên kế hoạch ôn tập bằng cách lập ma trận, tự đánh dấu những cột ghi chủ đề đã hoàn thành tốt, có thể làm nhanh bằng màu xanh, những cột kiến thức ban đầu gặp khó khăn nhưng hiện đã làm được và cần rèn luyện thêm bằng màu vàng, những cột ghi kiến thức khó, chưa thể làm được bằng màu đỏ. Nhìn vào bảng này các em sẽ thấy mình cần ưu tiên ôn kỹ những vùng kiến thức màu vàng, đây là lý thuyết "phát triển gần", rất phù hợp trong những ngày sát kỳ thi.
Tương tự, khi vào phòng thi, thí sinh cũng cần nhìn tổng quan toàn bộ bài thi, câu nào dễ làm trước, khó làm sau. Nhiều em có thói quen dành rất nhiều thời gian cho 1 câu hỏi, đây là sai lầm dẫn đến mất điểm. Thay vào đó các em cần phân bổ thời gian hợp lý, nếu có câu khó mất nhiều thời gian nên nhanh chóng chuyển sang câu hỏi khác.
Đặc biệt, trong đề thi minh họa có một điểm mới là câu hỏi theo hướng vận dụng thực tiễn, yêu cầu áp dụng nhiều kiến thức khác nhau, song những phần kiến thức này lại không quá khó. Các em hoàn toàn có thể ôn kỹ những câu hỏi này để dành điểm”, TS Lân lưu ý.
Còn theo Ths Đinh Cao Thượng, giáo viên Trường THPT Kim Sơn A, Ninh Bình, trong giai đoạn này, thí sinh cần nắm chắc kiến thức trong SGK, với mỗi dạng bài nên luyện tập các bài tương tự để làm quen dần với kiến thức. Thí sinh cũng có thể tham khảo đề thi những năm gần đây.
“Trong đề thi mỗi câu đều là 0,2 điểm. Do vậy, các em nên cố gắng luyện tập giải quyết thật nhanh và chính xác những câu hỏi dễ, ở mức độ nhận biết, thông hiểu, như vậy sẽ có nhiều thời gian hơn cho những bài vận dụng và vận dụng cao để dành điểm số cao hơn”, Ths Đinh Cao Thượng đưa ra lời khuyên.
Cũng theo thầy Thượng, ngoài môn Toán, thí sinh vẫn phải thi 5 môn nữa trong kỳ thi tốt nghiệp THPT, do đó cũng cần phân bổ thời gian cho các môn thi phù hợp, đặc biệt là những môn có liên quan đến việc xét tuyển đại học. Trong giai đoạn nước rút, phụ huynh nên chăm sóc, động viên, giúp con có chế độ sinh hoạt, nghỉ ngơi phù hợp, giữ vững tâm lý và sức khỏe trước khi bước vào kỳ thi.
Theo Nguyễn Trang/VOV.VN - 15/05/2024
https://vov.vn/xa-hoi/chuyen-gia-dua-ra-phuong-phap-den-giao-thong-giup-hoc-sinh-on-tap-hieu-qua-post1095104.vov