Cập nhật: 17/05/2024 16:26:00
Xem cỡ chữ

Dẫu chưa phải những tác phẩm hoàn hảo, song các phim của Lý Hải và Trấn Thành ghi điểm ở sự gần gũi, quen thuộc đồng thời cho thấy khả năng nắm bắt tâm lý khán giả tài tình của hai nhà làm phim.

tt_lh.png

Tính đến 16/5, 5 phim có doanh thu cao nhất phòng vé Việt đều là tác phẩm nội địa, thuộc về 2 tác giả Lý Hải và Trấn Thành.

Điều này cho thấy khán giả Việt thích xem phim Việt nhờ có các yếu tố gần gũi, câu chuyện có tính đại diện, qua đó có dịp thể hiện quan điểm, tuyên ngôn, triết lý về cuộc sống đúng đắn xung quanh họ.

Tính “đời” và chất bình dân

Không phải ngẫu nhiên mà tính “đời” hay được đưa ra bàn luận về phim của Trấn Thành và Lý Hải. Hai tác giả này thường chú trọng đưa câu chuyện xảy ra trong đời thường, song mang theo nhiều mâu thuẫn khó hòa giải.

Anh Tuấn - một cây bút điện ảnh tự do - nhận xét: Ở cả 3 phim điện ảnh của Trấn Thành và phim gần đây nhất của Lý Hải (Lật mặt 7), các vấn đề đương đại được đưa vào gồm: Mâu thuẫn gia đình (Lật Mặt 7Bố giàNhà bà nữ), mâu thuẫn thế hệ (Bố giàNhà bà Nữ), mâu thuẫn tình yêu đôi lứa (Nhà bà NữMai), rào cản và định kiến từ xã hội (cả 4 phim nói trên).

Top 5 doanh thu phòng vé Việt

1. Mai: 551,2 tỷ đồng

2. Nhà bà Nữ: 459,6 tỷ đồng

3. Bố già: 395,1 tỷ đồng

4. Lật mặt 7: Một điều ước: 392,3 tỷ đồng (đang chiếu)

5. Lật mặt 6: Tấm vé định mệnh: 273,1 tỷ đồng

(Số liệu cập nhật đến ngày 16/5 theo Box Office Vietnam, chỉ tính doanh thu nội địa)

Anh lấy ví dụ về những câu thoại khắc họa rõ nét những tuyên ngôn, nỗi niềm của thế hệ trẻ ngày nay trong quan hệ với gia đình (cha mẹ) như: “Con thà thất bại trong giấc mơ của con còn hơn thành công trong giấc mơ của mẹ” (Nhà bà Nữ), hay câu “Đâu phải con muốn mang cơm vào phòng ăn riêng, nhưng mà mỗi lần ăn cơm như ăn cơm chan nước mắt” (Lật mặt 7: Một điều ước)..

Tác giả Trần Thu Hà (loạt sách “Để con được ốm” và “Con nghĩ đi mẹ không biết”) thì nhìn thấy những nỗi niềm của những “nữ cường” - những người phụ nữ có vừa có địa vị trong xã hội, vừa chu toàn việc gia đình, nhưng đã hy sinh quá nhiều mà ít được ai nhìn thấu trong “Lật mặt 7.” Chị còn có những bài phân tích về hoàn cảnh của người mẹ đơn thân lớn tuổi (Hồng Đào thủ vai) trong phim “Mai” và nhận được hàng chục ngàn lượt tương tác.

Lý Hải và Trấn Thành đều là những tên tuổi có tiếng của giới giải trí, có đông người hâm mộ, nhưng người đi xem phim của họ không chỉ dừng ở sự tò mò, mà còn để tìm kiếm sự đại diện, những triết lý sống đúng đắn, phù hợp. “Dẫu mỗi phim có cách xử lý mâu thuẫn khác nhau, có sự thuyết phục và chưa thuyết phục, thậm chí có phần phi thực tế, huyễn hoặc. Nhưng qua tình huống, lời thoại đều cho thấy lời giải chung là sự tha thứ, tình yêu thương và thấu cảm. Đây là những giá trị bền vững mà xã hội muốn hướng tới, vì vậy luôn thu hút các bàn luận,” Anh Tuấn nhận định.

18_3_20240425174330.png

Phim "Lật mặt 7: Một điều ước"

Nhà báo Trần Việt Văn (thành viên Hội đồng thẩm định và phân loại phim Quốc gia, Cục Điện ảnh) khẳng định điểm mạnh lớn nhất ở 2 tác giả là khả năng nắm bắt tâm lý người xem, đi kèm với đó là độ phủ rất rộng các nhóm đối tượng khác nhau.

Người sáng lập nền tảng theo dõi số liệu phòng vé Box Office Vietnam - Nguyễn Khánh Dương cũng có chung quan điểm. Anh đồng thời nhấn mạnh yếu tố bình dân trong phong cách của 2 tác giả, vốn được phát triển từ tệp khán giả tới rạp hiện nay.

“Sau nhiều năm quan sát phòng vé, có một tỷ lệ lớn khán giả xem phim chiếu rạp ở Việt Nam khá ‘bình dân,’ có thu nhập tốt, không quá bận rộn trong công việc cá nhân, vì xem phim chiếu rạp tốn cả thời gian và tiền bạc, so với các hình thức giải trí khác như xem phim trực tuyến. Họ không quá khắt khe về chất lượng của các tác phẩm điện ảnh và quan trọng nhất, họ dành tình yêu và sự bao dung cho các tác phẩm của người Việt, coi việc ra rạp xem phim là một hình thức giải trí, và xem phim Việt để tìm cảm giác thân thuộc,” anh phân tích.

Sau “trăm tỷ” là gì?

Thành tích cao nhất của điện ảnh Việt hiện nay là hơn 600 tỷ đồng (doanh thu cả trong và ngoài nước) do phim “Mai” xác lập. Tuy nhiên điện ảnh Việt vẫn còn dư tiềm năng như nhà phê bình Lê Hồng Lâm từng nhận định với phóng viên Báo Điện tử VietnamPlus về tiềm năng của thị trường Việt Nam, nhân sự kiện phim Nhà bà Nữ vượt 400 tỷ đồng doanh thu.

Bên cạnh nhóm khán giả có thái độ bao dung nhất định như anh Khánh Dương chỉ ra, vẫn còn một lượng lớn khán giả có định kiến với phim Việt và một lượng lớn người Việt không có thói quen ra rạp để giải trí.

“Nếu tiếp tục xây dựng những tác phẩm đủ tốt, chắc chắn chúng ta có thể kéo thêm nhiều nhóm khán giả hơn nữa ra rạp” - anh Lê Hồng Lâm khẳng định.

TT.jpg

Êkíp "Mai" trong một buổi giao lưu với khán giả sau chiếu phim. (Ảnh: Nam Nguyễn)

Nói riêng về những bộ phim thuộc “top” của Trấn Thành, Lý Hải, nhà báo Việt Văn khẳng định thành tích 300 tỷ, 400 tỷ đồng như hiện nay chưa phải đích đến cuối, mà vẫn phải không ngừng củng cố để hoàn thiện những điểm yếu, đặc biệt xử lý mâu thuẫn, cao trào phim một cách hợp lý, hợp logic hơn.

Trong nhiều cộng đồng phim, khán giả có đa dạng ý kiến khen chê, song có sự lên tay của 2 đạo diễn ở các tác phẩm mới nhất (Mai - Trấn Thành và Lật mặt 7: Một điều ước - Lý Hải) ở nhiều khía cạnh như diễn xuất, sự đầu tư về mặt kỹ thuật như dụng ý trong phim, cách dàn cảnh, cú máy, màu phim.... Theo đó, doanh thu các phim này đều cao hơn so với phim trước. Đây là yếu tố giúp các nhà làm phim không ngừng trau dồi cho các tác phẩm trong tương lai.

Trong những năm vừa qua, phim thương mại Việt Nam nỗ lực đến với khán giả quốc tế thông qua rạp chiếu thương mại ở nước ngoài. Tuy vậy theo các nhà phân phối, người làm trong nền công nghiệp điện ảnh quốc tế, khán giả của phim Việt trên đất khách vẫn là người Việt.

Như cây bút điện ảnh Nguyên Lê từng nhận định hiện tượng phòng vé có thể gây chú ý nhất thời, song chất lượng mới là yếu tố giúp tác phẩm tồn tại với thời gian. Vì vậy một bộ phim tốt sẽ là “tấm vé” lý tưởng và bền vững giúp đưa tên tác giả ra “biển lớn.”/.

Theo  (Vietnam+) – 16/5/2024

https://www.vietnamplus.vn/doc-vi-khan-gia-viet-tu-thanh-cong-phong-ve-cua-ly-hai-tran-thanh-post950752.vnp