Nhằm chủ động đầu tư dây chuyền hiện đại, tự động hóa cao, tìm kiếm, mở rộng thị trường xuất khẩu, ngành công nghiệp điện tử của Vĩnh Phúc đã có sự bứt phá ngoạn mục, dẫn đầu danh sách các mặt hàng chủ lực có mức tăng trưởng và kim ngạch xuất khẩu cao, đóng góp lớn cho thu ngân sách, tăng trưởng kinh tế và giải quyết việc làm cho lao động địa phương.
Trong nhiều năm trở lại đây, công nghiệp điện tử luôn có mức tăng trưởng cao nhất trong cơ cấu giá trị ngành công nghiệp. Năm 2023, ngành linh kiện điện tử vẫn là động lực chính cho tăng trưởng kinh tế khi chiếm tới 1,85 điểm phần trăm vào tốc độ tăng GRDP của tỉnh. Đặc biệt, 4 tháng đầu năm 2024, sản xuất linh kiện điện tử tiếp tục khởi sắc khi một số nhà đầu tư đã di chuyển công đoạn sản xuất linh kiện điện tử từ Hàn Quốc và Trung Quốc vào Việt Nam. Đây cũng là ngành có kim ngạch xuất khẩu cao nhất và giải quyết việc làm cho nhiều lao động nhất, với tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 1,8 tỷ USD, tăng 63,4% so với cùng kỳ năm ngoái.
Bên cạnh việc xây dựng thêm các cơ chế, chính sách để hỗ trợ thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp điện tử, tỉnh Vĩnh Phúc tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, môi trường đầu tư kinh doanh. Đồng thời, chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ bồi thường giải phóng mặt bằng, xây dựng hạ tầng các Khu, Cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh nhằm đảm bảo các điều kiện cần thiết, sẵn sàng đáp ứng nhu cầu của các nhà đầu tư khi đến Vĩnh Phúc.
Quy hoạch tỉnh Vĩnh Phúc thời kỳ 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030 đặt ra một trong những mục tiêu quan trọng là đưa Vĩnh Phúc trở thành một trong những trung tâm sản xuất ô tô, xe máy lớn của cả nước. Để đạt được mục tiêu này, Vĩnh Phúc tiếp tục đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư nhằm khai thác tối đa mọi tiềm năng và lợi thế cạnh tranh để phát triển kinh tế - xã hội. Cùng với đó, triển khai thực hiện tốt các cơ chế, chính sách Chính phủ đã ban hành về phát triển công nghiệp hỗ trợ, tạo đà cho ngành công nghiệp nói chung, công nghiệp điện tử nói riêng phát triển bền vững.
Đặng Thưởng