Cập nhật: 10/06/2024 09:12:00
Xem cỡ chữ

Mô hình sử dụng chế phẩm sinh học trong chăn nuôi đã và đang được áp dụng, nhân rộng trên phạm vi toàn tỉnh, không chỉ góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường mà còn nâng cao năng suất, giá trị sản phẩm và phát triển chăn nuôi theo hướng bền vững.

Với mô hình chăn nuôi gà khép kín, trang trại của gia đình Nguyễn Văn Bảy, xã Đồng Văn, huyện Yên Lạc luôn duy trì hàng nghìn con và là một trong những địa chỉ cung cấp thực phẩm an toàn cho người tiêu dùng trên địa bàn huyện. Để đàn gà phát triển tốt nhưng vẫn bảo đảm môi trường chăn nuôi, gia đình anh Bảy đã sử dụng chế phẩm sinh học. Theo tính toán của anh, nếu như trước đây, gia đình phải bật 2 đến 3 quạt điện thông gió để duy trì độ thông thoáng của chuồng trại, giờ đây khi sử dụng chế phẩm sinh học, mùi hôi giảm hẳn mà không cần quạt.

Việc sử dụng chế phẩm sinh học xử lý môi trường chăn nuôi theo Quyết định 2422/QĐ-UBND của UBND tỉnh về việc hỗ trợ giảm thiểu ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi bằng chế phẩm sinh học trên địa bàn đã làm giảm được mùi hôi chuồng trại, tiết kiệm nước và công lao động, bảo đảm an toàn dịch bệnh. Đồng thời, tăng hiệu quả kinh tế từ 9% đến 13% trong chăn nuôi gà, lợn so với không sử dụng chế phẩm sinh học; tăng 14% đối với chăn nuôi bò. Đặc biệt, bước đầu đã chuyển biến tích cực, nâng cao nhận thức cho các tổ chức, cá nhân về tầm quan trọng của công tác xử lý chất thải chăn nuôi, bảo đảm vệ sinh môi trường chăn nuôi.

Từ những công dụng và lợi ích của việc sử dụng chế phẩm sinh học trong chăn nuôi, thời gian tới, ngành Nông nghiệp sẽ tiếp tục hỗ trợ chế phẩm sinh học phối trộn vào thức ăn chăn nuôi và nguyên liệu làm đệm lót cho các hộ chăn nuôi trên địa bàn tỉnh; áp dụng công nghệ xử lý chất thải chăn nuôi gắn với sản xuất phân bón hữu cơ, góp phần tăng năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế, tạo ra sản phẩm chăn nuôi an toàn, thân thiện với môi trường.

Đặng Thưởng