Cập nhật: 07/07/2024 20:10:00
Xem cỡ chữ

Với việc triển khai thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 40 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động tín dụng chính sách xã hội, Ngân hàng Chính sách xã hội Vĩnh Phúc đã kịp thời giải ngân nguồn vốn các chương trình tín dụng, giúp các hộ nghèo, cận nghèo, đối tượng chính sách có điều kiện phát triển sản xuất kinh doanh, tạo việc làm, nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững, bảo đảm an sinh xã hội.

Thực hiện Chỉ thị số 40 năm 2014 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động tín dụng chính sách xã hội, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã chỉ đạo cấp ủy, chính quyền các cấp đưa hoạt động tín dụng chính sách xã hội thành nhiệm vụ thường xuyên, nhiệm vụ trọng tâm triển khai kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hằng năm. Sau 10 năm triển khai thực hiện, đến nay, các cấp, các ngành, đoàn thể đã nhận thức sâu sắc về vai trò, vị trí, tầm quan trọng của tín dụng chính sách xã hội trong việc thực hiện mục tiêu giảm nghèo, giải quyết việc làm, bảo đảm an sinh xã hội tại địa phương. Từ đó, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về tín dụng chính sách xã hội, đặc biệt là những chính sách mới để Nhân dân biết, thực hiện và giám sát thực hiện ở địa phương; tạo điều kiện cho các đối tượng thụ hưởng có cơ hội tiếp cận nguồn vốn tín dụng chính sách, vươn lên thoát nghèo bền vững.

Tính đến ngày 30/4/2024, tổng nguồn vốn tín dụng chính sách trên địa bàn tỉnh đạt 4.554 tỷ đồng, tăng 150,5% so với năm 2014; tốc độ tăng trưởng bình quân đạt trên 15%/năm. Trong đó, nguồn vốn cân đối từ Trung ương cấp hơn 2.800 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 62,05% tổng nguồn vốn. Trong 10 năm thực hiện Chỉ thị số 40, toàn tỉnh đã có trên 248.300 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách được vay vốn ưu đãi phát triển kinh tế, với doanh số cho vay đạt trên 8.830 tỷ đồng. Từ nguồn vốn này đã giúp 26.648 hộ thoát nghèo; thu hút, tạo việc làm cho 64.119 lao động; 3.426 học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập.

Phát huy hiệu quả nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội đã góp phần khắc phục tình trạng thiếu vốn, thiếu việc làm, ngăn chặn tình trạng cho vay nặng lãi ở khu vực nông thôn. Từ đó, thu hẹp khoảng cách giàu nghèo, nâng cao đời sống Nhân dân, góp phần đảm bảo an sinh xã hội, củng cố lòng tin của Nhân dân đối với Đảng và Nhà nước.

Lưu Trường