Bộ Nội vụ cho biết sẽ nghiên cứu, đề xuất việc thực hiện các bảng lương và các chế độ phụ cấp mới của khu vực công theo Nghị quyết số 27-NQ/TW (về cải cách chính sách tiền lương) cho phù hợp để trình Trung ương xem xét sau năm 2026.
Thời gian qua, Bộ Nội vụ đã chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan xây dựng và báo cáo Chính phủ, Bộ Chính trị, Quốc hội những vướng mắc, bất cập nếu thực hiện các bảng lương mới (Bảng lương chức vụ, Bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ đối với cán bộ, công chức, viên chức và 3 bảng lương đối với lực lượng vũ trang) và các chế độ phụ cấp mới trong khu vực công theo đúng Nghị quyết số 27 về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp.
Bộ Chính trị đã có Kết luận số 83-KL/TW về cải cách tiền lương, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công và trợ cấp xã hội từ ngày 01/7/2024; Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 142/2024/QH15 (Nghị quyết Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV) chỉ đạo thực hiện cải cách chính sách tiền lương khu vực công theo lộ trình, bảo đảm phù hợp với khả năng nền kinh tế, ngân sách nhà nước và sự đồng thuận của xã hội.
Căn cứ Kết luận của Bộ Chính trị và Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 73/2024/NĐ-CP quy định mức lương cơ sở và chế độ tiền thưởng đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang. Theo đó, điều chỉnh mức lương cơ sở từ 1,8 triệu đồng/tháng lên 2,34 triệu đồng/tháng từ ngày 1/7/2024 (tăng thêm 30%); thực hiện tiền lương và thu nhập đối với các cơ quan, đơn vị đang được áp dụng các cơ chế tài chính, thu nhập đặc thù ở Trung ương.
Đồng thời, thực hiện chế độ tiền thưởng trên cơ sở thành tích công tác đột xuất và kết quả đánh giá, xếp loại mức độ hoàn thành nhiệm vụ hằng năm của các đối tượng hưởng lương từ ngân sách nhà nước (quỹ tiền thưởng bằng 10% tổng quỹ tiền lương, không bao gồm phụ cấp), giao trách nhiệm cho người đứng đầu cơ quan, đơn vị xây dựng quy chế cụ thể để thực hiện chế độ tiền thưởng áp dụng đối với các đối tượng trong danh sách trả lương của cơ quan, đơn vị.
Nghị định 73 cũng quy định rõ nguồn kinh phí để thực hiện tăng thêm 30% mức lương cơ sở và chế độ tiền thưởng từ ngày 1/7/2024.
Trước băn khoăn của cử tri tỉnh Cao Bằng về việc trả lương theo vị trí việc làm, đặc biệt là lương của công chức công tác lâu năm nhưng không ở vị trí lãnh đạo, quản lý; đề nghị trong quá trình xây dựng chính sách quan tâm đến đối tượng là công chức, viên chức công tác lâu năm nhưng không ở vị trí lãnh đạo, quản lý, Bộ Nội vụ cho biết, để khắc phục thực sự những tồn tại, hạn chế của chế độ tiền lương hiện hành, căn cứ Kết luận của Bộ Chính trị, Nghị quyết của Quốc hội và chỉ đạo của Chính phủ, Bộ sẽ phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan tiếp tục hoàn thiện chế độ nâng lương, các chế độ phụ cấp hiện hành và cơ chế quản lý tiền lương, thu nhập đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang.
Bộ cũng nghiên cứu, đề xuất việc thực hiện các bảng lương và các chế độ phụ cấp mới của khu vực công theo Nghị quyết 27 cho phù hợp để trình Trung ương xem xét sau năm 2026 theo yêu cầu tại Kết luận 83 của Bộ Chính trị.
Cử tri Cao Bằng cũng nêu thực tế một số viên chức thuộc Khoa Kiểm dịch Y tế Quốc tế - Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật, Sở Y tế tỉnh Cao Bằng, có trụ sở làm việc tại thành phố Cao Bằng đang công tác thường trực tại các cửa khẩu, lối mở thuộc các vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Theo quy định tại Nghị định số 76/2019/NĐ-CP về chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và người hưởng lương trong lực lượng vũ trang công tác ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn thì những viên chức này thuộc đối tượng được hưởng các chế độ, chính sách. Tuy nhiên, trong thời gian qua, viên chức tại Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh công tác tại vùng có điều kiện khó khăn lại không được hưởng chế độ do quy định chưa rõ ràng, cơ quan, đơn vị không bố trí ngân sách để thực hiện được. Cử tri đề nghị sớm có quy định chi tiết đối với những đối tượng nêu trên và đối với một số vị trí công tác tương đồng (Kiểm dịch, Quản lý thị trường, Thuế…) để công chức, viên chức yên tâm công tác, cống hiến tại địa phương, nơi làm việc.
Về vấn đề này, Bộ Nội vụ cho hay, đối với viên chức và người lao động trong đơn vị sự nghiệp của Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội thì kinh phí thực hiện chính sách quy định tại Nghị định 76 được bảo đảm từ ngân sách nhà nước và từ nguồn thu hợp pháp của đơn vị sự nghiệp (nếu có). Đối với phụ cấp thu hút, phụ cấp công tác lâu năm, phụ cấp ưu đãi theo nghề, trợ cấp tiền mua và vận chuyển nước ngọt và sạch, thanh toán tiền tàu xe,… thì đối tượng thuộc danh sách trả lương của cơ quan, tổ chức, đơn vị nào do cơ quan, tổ chức, đơn vị đó chi trả.
Đối với trợ cấp lần đầu nhận công tác ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn thì cơ quan, tổ chức, đơn vị tiếp nhận đối tượng nhận công tác chi trả. Trường hợp biệt phái thì cơ quan, tổ chức, đơn vị cử biệt phái chi trả. Đối với trợ cấp một lần khi chuyển công tác ra khỏi vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn hoặc khi nghỉ hưu (hoặc nơi công tác được cấp có thẩm quyền quyết định không còn là vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn) thì cơ quan, tổ chức, đơn vị trả lương khi đối tượng chuyển công tác hoặc khi nghỉ hưu (hoặc nơi công tác được cấp có thẩm quyền quyết định không còn là vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn) chi trả.
Theo Chu Thanh Vân (TTXVN)
https://baotintuc.vn/xa-hoi/nghien-cuu-bang-luong-va-che-do-phu-cap-moi-trinh-trung-uong-sau-nam-2026-20240809152223767.htm