Bộ Tài chính cho biết, lũy kế giải ngân nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia đến hết tháng 7/2024 là 11.480,827 tỷ đồng, đạt 43,5% kế hoạch vốn.
Theo đó có 7 địa phương có tỷ lệ giải ngân nguồn vốn này đạt cao, trên 50% kế hoạch là Hậu Giang (83%), Ninh Thuận (63%), Tây Ninh (59%), Yên Bái (57%), Vĩnh Long (56%), Lâm Đồng (54%), Bạc Liêu (52%). Tuy nhiên, vẫn còn tới 4 địa phương có tỷ lệ giải ngân thấp, dưới 10%, bao gồm Hòa Bình (5%), Cà Mau (6%), Bình Phước (6%), Nam Định (9%).
Bộ Tài chính cho biết, nguyên nhân khiến tỷ lệ giải ngân còn thấp là do một số dự án chuyển tiếp trong quá trình triển khai gặp nhiều vướng mắc; việc hoàn thành thủ tục đầu tư các dự án, danh mục đầu tư mới năm 2024 chậm dẫn đến chậm triển khai và chậm tiến độ giải ngân.
Năm 2024, Chương trình mục tiêu quốc gia năm 2024 được Thủ tướng Chính phủ giao cho các bộ, cơ quan trung ương và địa phương là 27.220 tỷ đồng, bao gồm 26.400 tỷ đồng vốn trong nước và 820 tỷ đồng vốn nước ngoài.
Bộ Tài chính cho biết để đẩy nhanh tiến độ giải ngân nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia đã yêu cầu các chủ Chương trình mục tiêu quốc gia, dự án, tiểu dự án thành phần, cơ quan chủ trì hướng dẫn quản lý vốn đầu tư công, UBND các tỉnh ban hành, hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành đầy đủ cơ chế chính sách và kịp thời hướng dẫn tổ chức triển khai, tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong quá trình thực hiện.
Bên cạnh đó, Bộ Tài chính cũng yêu cầu chính quyền các địa phương thường xuyên tổ chức giao ban với các chủ đầu tư, ban quản lý dự án về tình hình thực hiện và thanh toán vốn của các dự án; kịp thời giải quyết các khó khăn vướng mắc trong thực hiện kế hoạch vốn đầu tư phát triển theo thẩm quyền. Trường hợp vượt thẩm quyền, địa phương sớm có văn bản báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, giải quyết.
Theo Thùy Dương (TTXVN)
https://baotintuc.vn/kinh-te/7-thang-giai-ngan-von-chuong-trinh-muc-tieu-quoc-gia-moi-dat-tren-43-20240816170154734.htm