Đi ngược chiều trên cao tốc phải tương đương như sử dụng ma túy hay vi phạm nồng độ cồn quá mức cho phép. Do vậy ngoài việc xử phạt vi phạm hành chính theo Nghị định 100, thì cần trừ hết điểm.
Người lái ôtô có thể bị phạt từ 16 đến 18 triệu đồng và trừ 6 điểm giấy phép lái xe nếu đi ngược chiều, lùi xe trên cao tốc. Đây là đề xuất của Bộ Công an tại dự thảo Nghị định xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông đường bộ. So với quy định hiện hành, mức phạt tiền với hành vi lùi xe trên cao tốc vẫn giữ nguyên, nhưng không tước quyền sử dụng giấy phép lái xe 5 - 7 tháng mà trừ 6 điểm.
Đi ngược chiều trên cao tốc bị trừ hết điểm bằng lái (ảnh minh họa- báo Thanh niên)
Quy định xử phạt như vậy, liệu đã phù hợp với tính chất, mức độ của hành vi điều khiển ô tô đi ngược chiều hoặc lùi xe trên đường cao tốc? Làm sao để ngăn chặn hành vi vi phạm này khi đây là một hành động cực kỳ nguy hiểm, có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng cho chính lái xe và người cùng tham gia giao thông?
Phóng viên VOV - Giao thông trao đổi với ông Nguyễn Văn Thanh, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam về nội dung này.
PV: Thưa ông, đi ngược chiều, lùi xe trên cao tốc uy hiếp đến an toàn giao thông ra sao?
Ông Nguyễn Văn Thanh: Hành vi đi ngược chiều trên đường cao tốc là hành vi hết sức nguy hiểm bởi trên đường cao tốc cho phép chạy tốc độ rất cao, thường từ 80-120km/h.
Đây là tốc độ rất nguy hiểm và quy định khoảng cách giữa xe trước và xe sau là 50m thế nên đi ngược là rất nguy hiểm, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra các vụ tai nạn thảm khốc. Đây là hành vi cố tình vi phạm pháp luật, nếu xảy ra sẽ là tai nạn hết sức nghiêm trọng, đây là hành vi không thể chấp nhận được.
PV: Vậy theo ông, cần xem xét, đưa ra mức xử phạt với hành vi này ra sao để đảm bảo tính răn đe?
Ông Nguyễn Văn Thanh: Theo Dự thảo Bộ Công an đưa ra, nếu đi ngược chiều, ngoài việc xử phạt vi phạm hành chính thì có thể trừ 6 điểm GPLX tôi thấy quá nhẹ. Nó phải tương đương như hành vi sử dụng ma túy hay sử dụng nồng độ cồn quá mức cho phép, hành vi đi ngược chiều trên cao tốc, tôi đánh giá còn nguy hiểm hơn.
Do vậy ngoài việc xử phạt vi phạm hành chính theo Nghị định 100, thì cần trừ hết điểm.
Khi nâng mức xử phạt lên thì người lái xe sẽ cẩn thận, bởi mất hết điểm thì lái xe kinh doanh vận tải sẽ không được hành nghề, còn người bình thường sẽ không được lái xe nữa. Sau đó phải đi học lái, sát hạch lại mới đủ điều kiện tham gia giao thông nên điều này sẽ đủ sức răn đe với người lái xe.
PV: Ngoài ra, ông còn có những đóng góp gì với việc nâng cao ý thức của người lái xe, góp phần đảm bảo an toàn giao thông trên cao tốc?
Ông Nguyễn Văn Thanh: Tôi kiến nghị nâng mức trừ điểm với hành vi đi ngược chiều trên đường cao tốc, không phải trừ 6 điểm mà trừ 12 điểm luôn, dứt khoát là như thế. Đến năm 2030, chúng ta sẽ có 5.000 km đường cao tốc, nếu ta không nhanh chóng có được sự chuyển biến trong việc nâng cao ý thức khi tham gia giao thông trên đường cao tốc của người lái xe thì sẽ xảy ra những tai nạn hết sức nghiêm trọng.
Do vậy, cần đưa ra các chế tài đủ mạnh, đủ sức răn đe, cảnh tỉnh người lái xe để họ tuân thủ pháp luật, để hạn chế tới mức thấp nhất các vụ tai nạn trên đường cao tốc.
PV: Xin được cảm ơn ông!
Theo Nguyễn Yên/VOV- Giao thông
https://vov.vn/xa-hoi/di-nguoc-chieu-tren-cao-toc-can-phat-nang-va-tru-het-diem-bang-lai-post1116509.vov