Cập nhật: 29/08/2024 20:00:00
Xem cỡ chữ

Sáng 29/8, đồng chí Vũ Việt Văn, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh kiểm tra hiện trường sạt lở bờ sông Lô, đoạn qua xã Đức Bác, huyện Sông Lô và sạt trượt, hư hỏng kênh 6A đoạn giao cắt với sông Phan tại vị trí cống tiêu 8 cửa huyện Vĩnh Tường. Cùng đi có lãnh đạo một số sở, ngành liên quan.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vũ Việt Văn kiểm tra hiện trường sạt lở bờ sông Lô đoạn qua xã Đức Bác.

Do mưa lớn từ tháng 5/2022 đã gây sạt lở hạ lưu cống 8 cửa và bờ Tả tuyến kênh 6A thuộc hệ thống thủy nông Liễn Sơn có nhiệm vụ dẫn nước từ trạm bơm Bạch Hạc về kênh chính Liễn Sơn, phục vụ tưới cho một phần các huyện Tam Dương, Vĩnh Tường, Yên Lạc, Bình Xuyên và thành phố Vĩnh Yên. Sạt lở tại vị trí giao cắt giữa sông Phan và tuyến kênh 6A, có bờ kết hợp làm đường giao thông, gây ách tắc lòng sông Phan, làm giảm nghiêm trọng khả năng dẫn nước tưới từ trạm bơm Bạch Hạc về kênh chính để cấp nước cho vùng hạ du và tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn về người và tài sản của người dân trong khu vực khi lưu thông qua.

Sau khi kiểm tra thực tế, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Vũ Việt Văn giao UBND Huyện Vĩnh Tường chỉ đạo cắm biển cảnh báo, căng dây để đảm bảo an toàn cho người dân, phương tiện lưu thông qua khu vực. Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn chỉ đạo Ban Quản lý dự án sử dụng vốn vay nước ngoài tăng cường vận hành trạm bơm tiêu Kim Xá để giảm thiểu nguy cơ ngập lụt trong mùa mưa lũ do ảnh hưởng của việc lưu lượng tiêu thoát qua cống 8 cửa. Đồng chí Vũ Việt Văn yêu cầu Sở Kế hoạch và Đầu tư tham mưu, đề xuất UBND tỉnh ưu tiên bố trí nguồn vốn để thực hiện việc sửa chữa, cải tạo, nâng cấp cống và kênh 6A trong kế hoạch đầu tư công gần nhất.

Tại đê tả sông Lô đoạn qua xã Đức Bác, huyện Sông Lô, do ảnh hưởng của mưa bão, từ năm 2021 đến nay đã xảy ra nhiều điểm sạt lở, ảnh hưởng trực tiếp đến công trình đê điều, bãi sông, cơ sở hạ tầng, giao thông, thủy lợi và cuộc sống của các hộ dân trong khu vực. Mùa mưa bão năm 2023, phạm vi sạt lở đã lan rộng với chiều dài đoạn bờ sông sạt lở khoảng 700m, ăn sâu về phía chân đê từ 20-30m, ước tính diện tích đất nông nghiệp bị ảnh hưởng 2ha. Do ảnh hưởng của bão số 2 từ ngày 11/8 đến ngày 15/8/2024 trên địa bàn huyện Sông Lô đã có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to, kết hợp việc xả lũ của các hồ thủy điện làm hiện trạng sạt lở lan rộng đặc biệt nguy hiểm, khó kiểm soát, cung sạt tiếp tục ăn sâu về phía đê tả Lô từ 10m đến 15m, có nguy cơ uy hiếp đến tính mạng người dân đang sinh sống ngoài bãi sông và tuyến đê tả sông Lô.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Vũ Việt Văn giao Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn chủ trì, phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính, các cơ quan, đơn vị nghiên cứu, tham mưu UBND tỉnh giải pháp ứng phó, kịp thời ngăn chặn hiện tượng sạt lở, hạn chế mất đất canh tác của dân và nguy cơ mất an toàn tuyến đê Tả Lô; đảm bảo an toàn tính mạng người dân trong khu vực. Đồng chí yêu cầu UBND huyện Sông Lô chỉ đạo cắm biển cảnh báo, căng dây đảm bảo an toàn cho người dân trong khu vực.

Đặng Thưởng