Cập nhật: 03/10/2024 09:34:00
Xem cỡ chữ

Tại Vườn Quốc gia Patagonia ở tỉnh Santa Cruz, miền Nam Argentina, hiện tượng nhật thực bắt đầu được quan sát thấy vào lúc 16h30 khi Mặt Trăng bắt đầu che lấp Mặt trời, tạo thành một vòng lửa khuyết.

Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN/AFP)

Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN/AFP)

Theo phóng viên TTXVN tại Buenos Aires, ngày 2/10, hàng nghìn người đam mê thiên văn học và người dân ở các tỉnh miền Nam Argentina và Chile đã có dịp chiêm ngưỡng hiện tượng nhật thực toàn phần, một hiện tượng thiên văn kỳ thú khi Mặt Trăng đi qua giữa Trái Đất và Mặt Trời.

Tại Vườn Quốc gia Patagonia ở tỉnh Santa Cruz, miền Nam Argentina, hiện tượng nhật thực bắt đầu được quan sát thấy vào lúc 16h30 khi Mặt Trăng bắt đầu che lấp Mặt trời, tạo thành một vòng lửa khuyết.

Nhật thực toàn phần diễn ra vào lúc 17h25 và kéo dài trong 3 phút. Toàn bộ quá trình di chuyển của Mặt Trăng đã được kênh TN Argentina truyền hình trực tiếp trong điều kiện thời tiết thuận lợi.

Quãng đường di chuyển dài 130km của dải hình khuyên được tạo nên từ bóng của Mặt Trăng, bắt đầu từ bờ biển Thái Bình Dương của Chile và băng qua phía Bắc tỉnh Santa Cruz, cách thủ đô Buenos Aires, hơn 2.500km về phía Nam.

Vườn Quốc gia Patagonia đã tổ chức các hoạt động ngoài trời và tọa đàm về hiện tượng thiên nhiên kỳ thú này dành cho các học sinh trong những ngày qua.

Các nhóm chuyên gia từ Cung thiên văn Galileo Galilei của thủ đô Buenos Aires và Tổ hợp Thiên văn El Leoncito (CASLEO) đã tới khu vực này với thiết bị quan sát chuyên dụng để ghi lại các hình ảnh nhật thực và cung cấp kính quan sát hiện tượng độc nhất vô nhị này cho những người có mặt.

Ngày 14/12/2020, hiện tượng nhật thực toàn phần cũng đã được quan sát thấy tại tỉnh Neuquen và Rio Negro, ở miền Nam Argentina. Tuy nhiên, ngày hôm đó, do thời tiết có mưa và nhiều mây, người dân Argentina đã không thể theo dõi được toàn bộ quá trình di chuyển của Mặt Trăng./.

Theo (TTXVN/Vietnam+)

https://www.vietnamplus.vn/nhat-thuc-toan-phan-dien-ra-tai-mien-nam-argentina-va-chile-post980825.vnp