Giới khoa học đưa ra nhiều lý giải cho việc Australia cùng toàn bộ khu vực châu Đại Dương vẫn là vùng đất chưa bị ảnh hưởng bởi dịch cúm gia cầm.
Nhà nghiên cứu kiểm tra khu vực phát hiện các ca dương tính với cúm A H5N1 tại Nam Cực, tháng 3/2024. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Trong khi dịch cúm gia cầm H5N1 hoành hành khắp thế giới, Australia cùng toàn bộ khu vực châu Đại Dương vẫn là vùng đất chưa bị ảnh hưởng. Giới khoa học đưa ra nhiều lý giải cho hiện tượng này.
Theo ông Frank Wong, chuyên gia virus học tại Trung tâm Phòng bệnh Động vật Australia ở Geelong, vị trí địa lý biệt lập cùng chính sách không nhập khẩu gia cầm sống đã giúp Australia tránh được dịch bệnh. Bên cạnh đó, nhiều loài chim ở đây là đặc hữu, không di cư tới các vùng đang có dịch.
Tuy nhiên, tiến sỹ Michelle Wille từ Đại học Melbourne nhận định việc virus xâm nhập Australia chỉ là vấn đề thời gian. Các loài chim di cư đường dài như chim biển và chim bờ từ Siberia, Alaska qua Đông Nam Á tới Australia có thể là nguồn lây nhiễm tiềm tàng.
Để chủ động phòng ngừa, các nhà khoa học Australia đã bắt đầu lấy mẫu xét nghiệm gần 1.000 cá thể chim di cư. Họ sẽ bắt chim hải âu ở 7 địa điểm trải dài từ Tây Bắc tới Đông Nam đất nước để kiểm tra virus, đặc biệt là chủng H5N1 nhánh 2.3.4.4b gây tử vong hàng loạt ở chim và một số loài động vật có vú.
Ngoài ra, các loài vịt cũng được cho là có thể mang mầm bệnh. Vịt có khả năng kháng virus cao hơn nhờ cơ chế miễn dịch đặc biệt, nên chúng có thể lây truyền mà không bị bệnh. Tuy nhiên, may mắn là hầu hết vịt ở Châu Đại Dương là loài đặc hữu, không di cư ra nước ngoài.
Một lý do khác được đưa ra là sự phân chia sinh học theo “đường Wallace” chạy qua Indonesia. Nhiều loài động vật chỉ sống ở một bên đường phân chia này, tạo nên sự khác biệt về hệ động vật giữa hai vùng.
Điều này có thể khiến virus chưa thích nghi được với các loài ở phía đông đường Wallace, trong đó có Australia.
Dù vậy, một số loài vịt như vịt mỏ vàng Thái Bình Dương và vịt còi đốm vẫn có thể di chuyển qua đường Wallace, tiềm ẩn nguy cơ mang virus H5N1 vào khu vực.
Các chuyên gia cảnh báo nếu phát hiện virus, chính phủ sẽ nhanh chóng tiêu hủy đàn gia cầm bị ảnh hưởng như đã từng làm với các chủng cúm H7N3 và H7N9 ở Victoria hồi tháng Năm. Tuy nhiên, tác động của dịch bệnh lên hệ sinh thái Australia vẫn là một ẩn số lớn cần được nghiên cứu thêm./.
Theo (TTXVN/Vietnam+)
https://www.vietnamplus.vn/tai-sao-australia-chua-tung-phat-hien-cum-gia-cam-post981449.vnp