Cập nhật: 10/10/2024 17:02:00
Xem cỡ chữ

Một trong những thế mạnh của tỉnh Hòa Bình là phát triển du lịch sinh thái, du lịch văn hóa, du lịch cộng đồng, du lịch mạo hiểm, du lịch tâm linh... gắn với đó là công cuộc khôi phục và phát triển các làng nghề, làng nghề truyền thống vừa phát triển du lịch vừa bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc.

Tích cực phát triển, bảo tồn làng nghề truyền thống

Tính đến nay, trên địa bàn tỉnh Hòa Bình có 11 làng nghề, làng nghề truyền thống được Uỷ ban nhân dân tỉnh công nhận. Trong đó, có 2 làng nghề thuộc nhóm ngành nghề sản phẩm chế biến (2 làng nghề nấu rượu); 7 làng nghề truyền thống thuộc nhóm ngành nghề sản xuất đồ gỗ, mây tre đan, gốm sứ, dệt may, thêu ren, đan lát (gồm 1 làng nghề truyền thống mây tre đan và 6 làng nghề truyền thống Dệt Thổ cẩm); 2 làng nghề trong nhóm ngành nghề sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ (1 làng nghề chế tác đá cảnh, 1 làng nghề chế tác gỗ lũa, đá cảnh). Các sản phẩm của làng nghề đã được đầu tư về mẫu mã, nâng cao chất lượng và tăng sức cạnh tranh trên thị trường, như: Dệt Thổ cẩm, làm gỗ lũa, đá cảnh…

Người Mông huyện Mai Châu phát triển nghề dệt thổ cẩm. Ảnh: Cổng thông tin điện tử tỉnh Hòa Bình

Người Mông huyện Mai Châu phát triển nghề dệt thổ cẩm. Ảnh: Cổng thông tin điện tử tỉnh Hòa Bình

Hiện nay, các làng nghề, làng nghề truyền thống của tỉnh phát triển dưới 3 hình thức, gồm: 5 Hợp tác xã, 2 tổ hợp tác, 01 doanh nghiệp, còn lại là các chủ cơ sở và các hộ gia đình tham gia làm nghề. Lao động của làng nghề 1.300 người, trong đó lao động thường xuyên là 823 người. Thu nhập bình quân của người lao động dao động từ 3 - 5 triệu đồng/lao động/tháng. Mặc dù quy mô các làng nghề trên địa bàn tỉnh nhỏ, những những năm qua đã ghi nhận sự tăng trưởng cả về doanh thu và giá trị sản xuất; đóng góp tích cực vào ngân sách địa phương, giải quyết việc làm tại địa phương.

Thực hiện chỉ đạo của tỉnh về bảo tồn và phát triển làng nghề, các cấp, các ngành trong tỉnh đã tích cực hướng dẫn, hỗ trợ các chủ thể hoàn thiện hồ sơ để công nhận làng nghề. Tổ chức các lớp tập huấn bồi dưỡng, trao đổi học tập kinh nghiệp về phát triển làng nghề, phát triển làng nghề gắn với du lịch trải nghiệm, du lịch nông thôn. Khuyến khích các chủ thể sản xuất tại các làng nghề tích cực tham gia chương trình OCOP; phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị gắn với phát triển du lịch, dịch vụ và bảo vệ môi trường sinh thái.

Kinh phí thực hiện kế hoạch bảo tồn và phát triển làng nghề được bố trí từ ngân sách Nhà nước, từ các nguồn đầu tư của chủ thể sản xuất tại các làng nghề và các nguồn vốn huy động hợp pháp khác.

Hiện nay, có 5 làng nghề có sản phẩm đạt chuẩn OCOP. Trong đó, có 3 sản phẩm của làng nghề Dệt Thổ cẩm, 2 sản phẩm của làng nghề nấu rượu. Đặc biệt, có 2 làng nghề có sản phẩm đăng ký thương hiệu là Làng nghề nấu rượu Mai Hạ, làng nghề nấu rượu Làng Đình.

Hiện nay, 2 làng nghề có sản phẩm đăng ký thương hiệu là Làng nghề nấu rượu Mai Hạ, làng nghề nấu rượu Làng Đình. Ảnh: Cổng thông tin Tỉnh ủy Hòa Bình

Hiện nay, 2 làng nghề có sản phẩm đăng ký thương hiệu là Làng nghề nấu rượu Mai Hạ, làng nghề nấu rượu Làng Đình. Ảnh: Cổng thông tin Tỉnh ủy Hòa Bình

Năm 2024, Chi cục phát triển nông thôn tiếp tục đưa các sản phẩm thuộc sản phẩm đồ lưu niệm của HTX Hoa Ban (xã Chiêng Châu, huyện Mai Châu), Dệt Thổ cẩm của HTX Dệt Thổ cẩm truyền thống và dịch vụ tổng hợp xã Đông Lai (xã Đông Lai, huyện Tân Lạc); các sản phẩm từ Thổ cẩm của HTX Dịch vụ du lịch Hang Kia (xã Hang Kia, huyện Mai Châu) tham gia đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP.

Phát triển du lịch cộng đồng từ làng nghề truyền thống

Khai thác tiềm năng của làng nghề để phát triển du lịch đang được coi là một trong những hướng đi triển vọng vừa nâng cao thu nhập, vừa giúp lưu giữ nét đẹp của các làng nghề. Do đó, các địa phương trong tỉnh đã và đang tiếp tục tuyên truyền, phổ biến quán triệt và thực hiện có hiệu quả các chính sách về phát triển ngành nghề, làng nghề nông thôn.

Thực hiện tốt công tác bảo tồn, xây dựng và phát triển các nghề truyền thống, làng nghề, làng nghề truyền thống có tiềm năng giữ lợi thế, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc của địa phương. Từng bước gắn kết các hoạt động du lịch quan tâm xây dựng thương hiệu làng nghề tiến tới hình thành làng nghề văn hóa - du lịch; đẩy mạnh mô hình du lịch văn hóa - sinh thái.

Theo đó, tỉnh Hòa Bình đã hỗ trợ xây dựng nhà trưng bày, khu chế tác, hỗ trợ cải tiến mẫu mã bao bì, tăng cường công tác đào tạo, quảng bá để các sản phẩm làng nghề đứng vững trong bối cảnh hội nhập quốc tế.

Trải nghiệm gói bánh Ốc - bánh truyền thống của người Mường Au Tá, Đà Bắc. Ảnh: Cổng thông tin điện tử tỉnh Hòa Bình

Trải nghiệm gói bánh Ốc - bánh truyền thống của người Mường Au Tá, Đà Bắc. Ảnh: Cổng thông tin điện tử tỉnh Hòa Bình

Ngoài ra, các địa phương đã chủ động phối hợp với các sở, ngành trong việc lập quy hoạch, tổ chức lại sản xuất, xây dựng vùng nguyên liệu tập trung, xây dựng chuỗi liên kết giá trị làng nghề, phát triển nguồn nhân lực, ứng dụng khoa học, công nghệ mới, đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, xây dựng và phát triển thương hiệu các sản phẩm làng nghề.

Việc kết hợp phát triển làng nghề truyền thống với phát triển du lịch cộng đồng được các địa phương trong tỉnh đặc biệt quan tâm, cách làm này không những góp phần đa dạng hóa sản phẩm du lịch, tạo thêm việc làm, cải thiện thu nhập mà còn là cách gìn giữ, bảo tồn những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của đồng bào dân tộc như: dệt thổ cẩm xóm Chiềng Châu, xã Chiềng Châu; nghề làm giấy giang của người Mông xã Pà Cò (Mai Châu); dệt thổ cẩm, nhuộm chàm và in sáp ong của người Dao, huyện Đà Bắc. Tại các homestay ở bản Lác (xã Chiềng Châu), hay homestay A Páo xã Pà Cò (Mai Châu), các vật dụng sinh hoạt được gia chủ sử dụng bằng đồ dệt thổ cẩm như: làm gối, chăn, khăn trải bàn; hay dùng giấy giang làm đèn lồng, vẽ tranh trang trí trong nhà… Đây cũng là một điểm nhấn, tạo nên không gian văn hóa đặc sắc tại các Homestay này.

Ngoài ra các homestay còn chú trọng việc tổ chức, làm phong phú, đa dạng thêm các dịch vụ như đi cấy, đi gặt, câu cá, nấu ăn, gói bánh, ngâm chân thảo dược, nhảy sạp, đốt lửa trại, giao lưu văn nghệ; hay tận hưởng không khí trong lành của vùng núi bằng cách đạp xe, đi bộ, leo đồi, chèo thuyền kayak… đã đem đến những trải nghiệm mới lạ cho du khách.

Phát triển các làng nghề truyền thống kết hợp với du lịch cộng đồng tại Hoà Bình. Ảnh minh họa: Cổng thông tin điện tử tỉnh Hòa Bình

Phát triển các làng nghề truyền thống kết hợp với du lịch cộng đồng tại Hoà Bình. Ảnh minh họa: Cổng thông tin điện tử tỉnh Hòa Bình

Giai đoạn 2021-2024, trên địa bàn tỉnh Hòa Bình có nhiều sản phẩm du lịch mới được đưa vào khai thác như: Khách sạn Sakura (tiêu chuẩn 4 sao), khách sạn Sojo, khách sạn Bình Anh, Thung lũng Cúc Thảo (thành phố Hoà Bình); các khu nghỉ dưỡng Satoyama Village, La Saveur Hòa Bình, Lương Sơn Retreat (huyện Lương Sơn); Làng Kayaking, homestay Thung Mây, Nhà Tím (Cao Phong) ...

Đến thời điểm hiện tại, tỉnh Hòa Bình có 490 cơ sở, tạo việc làm cho khoảng 17 nghìn lao động, trong đó gần 6,4 nghìn lao động trực tiếp có chuyên môn nghiệp vụ về du lịch. Công tác đào tạo phát triển nguồn nhân lực được quan tâm, đã tổ chức 5 lớp bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ du lịch với gần 200 học viên. Tổ chức cho đoàn công tác cán bộ và các doanh nghiệp, cá nhân kinh doanh du lịch trên khu du lịch hồ Hòa Bình đi học tập mô hình quản lý, phát triển du lịch cộng đồng tại một số tỉnh: Ninh Bình, Nam Định, Lào Cai, Sơn La.

Nhờ đó, trong 6 tháng đầu năm 2024, tỉnh Hòa Bình ước đón 2.600.000 lượt khách du lịch (so với cùng kỳ năm trước tăng 9,9%), trong đó: khách quốc tế 260.000 lượt (so với cùng kỳ năm trước tăng 10,4%); khách nội địa 2.340.000 lượt (so với cùng kỳ năm trước tăng 13,1%). Tổng thu từ khách du lịch đạt 2.689 tỷ đồng (so với cùng kỳ năm trước tăng 29,8%).

Theo (TTXVN/Vietnam+)  

 https://www.vietnamplus.vn/tinh-tuyen-quan-to-chuc-le-hoi-anh-sang-khinh-khi-cau-quoc-te-nam-2024-post938207.vnp