Ninh Bình là địa phương có nhiều kinh nghiệm đón tiếp các đoàn phim quốc tế tới quay phim, từ đó góp phần quảng bá hình ảnh điểm đến. Ninh Bình đang có kế hoạch phục dựng bối cảnh cho phim cổ trang.
Du khách quốc tế tham quan bối cảnh “Kong: Skull Island” ở Ninh Bình trước khi khu này bị tháo dỡ vào năm 2019. (Ảnh: Mai Mai/Vietnam+)
Cảnh sắc điểm đến Việt Nam xuất hiện trong những bộ phim điện ảnh bom tấn quốc tế không chỉ khiến khán giả thế giới ngỡ ngàng, mà sức hấp dẫn khó cưỡng lan tỏa từ đó còn lôi kéo họ đến dải đất hình chữ S để khám phá, trải nghiệm. Hiệu quả quảng bá hình ảnh điểm đến qua màn ảnh rộng là không thể phủ nhận. Cũng chính vì thế, lãnh đạo ngành du lịch xác định thời gian tới xúc tiến du lịch thông qua điện ảnh sẽ là một trong những hoạt động chủ đạo.
Ninh Bình là một trong những địa phương đã thu hút được nhiều nhà sản xuất phim nổi tiếng đến chọn bối cảnh cho những bộ phim như: “Người Mỹ trầm lặng” (đạo diễn Phillip Noyce), “Kong: Skull Island” (đạo diễn Jordan Vogt Roberts), “Hai cô con gái ông chủ vườn thuốc” (đạo diễn người Pháp gốc Trung Quốc Đới Tư Kiệt), “Tấm Cám: Chuyện chưa kể” (đạo diễn Ngô Thanh Vân), “Thiên Mệnh Anh Hùng” (đạo diễn Victor Vũ)…
Giám đốc Sở Du lịch Ninh Bình Bùi Văn Mạnh đã có những chia sẻ với phóng viên về kinh nghiệm tiếp đón, hỗ trợ các đoàn phim quốc tế cũng như những trăn trở trong việc thiếu tính cạnh tranh của điểm đến Việt Nam.
Vì sao Việt Nam thiếu tính cạnh tranh?
- Xin ông cho biết Ninh Bình đã tạo điều kiện như thế nào về chính sách để có thể hỗ trợ các đoàn phim quốc tế tới với địa phương?
Ông Bùi Văn Mạnh: Những năm qua, Ninh Bình đã tạo điều nhiều kiện nhằm thu hút các nhà làm phim, đặc biệt là các nhà làm phim quốc tế. Từ những năm 2000 đến nay, chúng tôi đã tổ chức hỗ trợ cho 5 bộ phim nước ngoài quay tại Ninh Bình.
Vịnh Hạ Long xuất hiện hoành tráng và đẹp đến ngỡ ngàng trên poster phim “Kong: Skull Island.”
Trong khả năng nguồn lực của tỉnh, chúng tôi hỗ trợ toàn bộ về mặt bằng, các điều kiện đảm bảo an ninh trật tự, cũng như cung cấp, hỗ trợ các dịch vụ miễn phí như chèo đò hay nhân lực tham gia các hoạt động của đoàn phim. Ngoài ra, nếu có khó khăn trong quá trình triển khai các bộ phim, chúng tôi cũng tích cực hỗ trợ họ.
Ninh Bình có lợi thế cảnh quan tự nhiên và hệ thống di tích lịch sử, văn hóa rất phong phú, tuy nhiên khả năng đáp ứng về cơ sở vật chất, nguồn nhân lực phục vụ cho các đoàn làm phim, đặc biệt là sở vật chất như số lượng khách sạn, nhà hàng cao cấp để phục vụ nhu cầu các ngôi sao quốc tế vẫn còn hạn chế. Đó cũng là khó khăn chung của nhiều địa phương.
- Theo ông, điều gì khiến cho Việt Nam thiếu tính cạnh tranh với các quốc gia khác trong câu chuyện trở thành điểm đến cho các bộ phim “bom tấn” quốc tế?
Ông Bùi Văn Mạnh: Chúng ta đang thiếu một chiến lược tổng thể của quốc gia. Thứ nhất, chúng ta thiếu chiến lược thu hút các nhà làm phim quốc tế, thiếu cơ chế chính sách hỗ trợ, hay thậm chí thiếu cả chính sách để phát triển nền điện ảnh ngay tại Việt Nam. Nếu hỗ trợ phát triển tác phẩm điện ảnh trong nước, để chính những tác phẩm này mà đủ giá trị, đủ tầm sẽ trở thành sản phẩm cốt lõi, thì thông qua đó có thể lan tỏa, quảng bá văn hóa, lịch sử dân tộc.
Ninh Bình có rất nhiều thắng cảnh đẹp được các nhà làm phim chọn cho bối cảnh quay. (Ảnh: CTV/Vietnam+)
Thứ hai, khi các đoàn làm phim nước ngoài vào sẽ cần có đầu mối hỗ trợ từ thủ tục ban đầu cho đến quá trình thực hiện quay phim ở các địa điểm; hoặc kết nối các nguồn lực, kết nối các bên liên quan để hỗ trợ họ giải quyết vấn đề phát sinh. Do đó, chúng tôi kiến nghị nên thành lập một bộ máy đầu mối có thể làm được những việc đó, từ cấp quốc gia cho đến các địa phương.
Thứ ba, qua làm việc với các nhà làm phim, các đạo diễn trong nước, chúng tôi thấy nhu cầu của họ là được sáng tạo và thỏa sức sáng tạo những tác phẩm điện ảnh có giá trị. Tuy nhiên, nguồn kinh phí còn khó khăn. Nếu chỉ dựa vào nguồn lực của 1-2 nhà đầu tư tư nhân hay của Nhà nước thì rất khó để có những tác phẩm điện ảnh đủ tầm.
Vậy nên chăng cần có những quỹ đầu tư mạo hiểm, quỹ đầu tư tài chính để hỗ trợ họ. Bởi một bộ phim tốt cũng phải tốn khoảng vài 300 tỷ. Nếu để một mình nhà sản xuất đó thực hiện sẽ rất khó khăn.
Những tác phẩm nếu thành công sẽ mang lại lợi ích lớn về mặt quảng bá hình ảnh cho điểm đến xuất hiện trong phim. Nhưng nếu thất bại, cũng cần cơ chế hỗ trợ họ. Bởi làm xong một bộ phim, tôi thấy có rất nhiều nhà sản xuất bị phá sản. Điều đó sẽ hạn chế sự phát triển điện ảnh, hạn chế việc thông qua điện ảnh có thể quảng bá văn hóa, con người, điểm đến du lịch của các địa phương.
Ninh Bình có những bối cảnh phù hợp với dòng phim cổ trang. (Ảnh: Mai Mai/Vietnam+)
Điểm đến cho phim cổ trang?
- Vậy Ninh Bình có kỳ vọng như thế nào vào các dự án điện ảnh sắp tới sẽ lựa chọn Ninh Bình làm bối cảnh quay phim?
Ông Bùi Văn Mạnh: Phát triển công nghiệp văn hóa, trong đó phát triển phim trường được xác định là một trong những yếu tố quan trọng. Theo đó, Ninh Bình đang phối hợp với các ngành chức năng tham mưu cho tỉnh để triển khai phục dựng một số di tích lịch sử, làm bối cảnh cho các bộ phim cổ trang, hay các bộ phim truyền thống.
Tuy nhiên, việc phát triển này cũng lại cần một chiến lược tổng thể, bài bản, sự tư vấn và giúp đỡ về mặt chuyên môn của các tổ chức chuyên nghiệp cho các tỉnh, các địa phương. Nếu được như vậy tôi tin rằng chúng ta sẽ thành công.
- Ông vừa nhắc đến bối cảnh cho các bộ phim cổ trang. Mặc dù Việt Nam có một nền tảng văn hóa, lịch sử lâu đời với nhiều câu chuyện hấp dẫn nhưng thực tế vẫn đang thiếu những bộ phim lịch sử có bối cảnh hoành tráng…
Ông Bùi Văn Mạnh: Thực ra, điều này bắt đầu từ câu chuyện chúng ta lựa chọn làm gì trước. Có hai lựa chọn, ví dụ như chúng ta phục dựng lại một số khu phố cổ hay những di tích như kinh thành Hoa Lư. Muốn vậy, chúng ta cũng cần rất nhiều thời gian, nguồn lực và đương nhiên chúng ta sẽ lựa chọn một số không gian nhất định để tái hiện lại, hoặc tạo ra một không gian cổ trang để phục vụ cho việc phát triển các loại hình phim truyền thống, phim cổ trang.
Bộ phim "Người Mỹ trầm lặng" có những cảnh quay ở Ninh Bình.
Tuy nhiên, còn một khía cạnh khác cần phải quan tâm đó là làm sao phát triển, hỗ trợ cho các tác phẩm điện ảnh nước nhà, các bộ phim do nhà sản xuất trong nước thực hiện hoặc có thể kết hợp với nhà làm phim quốc tế. Thông qua những tác phẩm điện ảnh tốt sẽ không chỉ quảng bá được rất nhiều cảnh quan đẹp mà còn truyền tải được cả những giá trị văn hóa truyền thống dân tộc.
Những bộ phim Hàn Quốc là một minh chứng tiêu biểu. Quốc gia này có một chiến lược rất rõ ràng là hỗ trợ cho các nhà làm phim để làm ra các tác phẩm điện ảnh có nội dung tốt, chứa đựng những giá trị văn hóa của Hàn Quốc. Từ những câu chuyện phim như vậy đã giúp khán giả quốc tế thuộc làu cả văn hóa xứ sở kim chi, trong đó có người dân Việt Nam. Và chúng ta hoàn toàn có thể học hỏi kinh nghiệm từ nước bạn.
- Vâng, xin cảm ơn những chia sẻ của ông./.
Theo (Vietnam+)
https://www.vietnamplus.vn/ninh-binh-se-phuc-dung-boi-canh-cho-phim-co-trang-de-tro-thanh-diem-den-dien-anh-post983512.vnp