Ban tổ chức mong muốn giới thiệu tới du khách các giá trị lịch sử, văn hóa của Di tích Quốc gia Đặc biệt chùa Keo cùng vẻ đẹp về mảnh đất, con người Vũ Thư trong tiến trình đổi mới, hội nhập.
Tối 12/10 (tức ngày 10/9 Âm lịch), tại Di tích Quốc gia Đặc biệt chùa Keo (xã Duy Nhất, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình), Huyện ủy, Hội đồng Nhân dân, Ủy ban Nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện Vũ Thư đã khai mạc Lễ hội chùa Keo mùa Thu năm 2024.
Tới dự có Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, lãnh đạo một số bộ, ban, ngành trung ương, lãnh đạo tỉnh Thái Bình, huyện Vũ Thư cùng đông đảo nhân dân và du khách.
Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định dự lễ khai hội. (Ảnh: Thế Duyệt/TTXVN)
Lễ hội chùa Keo mùa Thu năm nay diễn ra từ ngày 12-19/10 (tức ngày 10-17/9 Âm lịch).
Trong phần lễ, bên cạnh các nghi thức tế lễ cổ truyền như: Lễ khai chỉ, lễ dâng hương, lễ rước Đức Thánh còn có những nghi thức được phục dựng, bảo lưu như múa rối hầu Thánh, hầu đồng.
Trong phần hội sẽ có nhiều hoạt động văn hóa văn nghệ đặc sắc như: du thuyền hát hội, giao lưu các câu lạc bộ chèo, biểu diễn múa rối nước, têm trầu cánh phượng, múa chèo trải cạn, sanh tiền mõ lộn, bắt vịt dưới hồ, võ cổ truyền…
Với mong muốn nâng tầm các giá trị văn hóa, lịch sử, tạo điểm nhấn nhằm để lại ấn tượng tốt đẹp trong lòng du khách, năm nay, huyện Vũ Thư hướng đến tổ chức lễ hội văn minh, mang đậm bản sắc văn hóa truyền thống.
Chương trình nghệ thuật tại lễ hội. (Ảnh: Thế Duyệt/TTXVN)
Nhiều hoạt động được Ban tổ chức chú trọng triển khai từ sớm như công tác an ninh trật tự, an toàn giao thông, vệ sinh môi trường, tuyên truyền, khánh tiết...
Để có không gian thông thoáng, thuận tiện cho du khách tham quan, chiêm bái, dự các hoạt động của lễ hội, Ban tổ chức đã bố trí khu vực bán hàng ra ngoài khuôn viên di tích.
Du khách có thể mua sắm, trải nghiệm các sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc trưng, không gian ẩm thực của các địa phương trong và ngoài tỉnh tại 130 gian hàng. Các hộ kinh doanh dịch vụ hàng quán đã ký cam kết về an toàn vệ sinh thực phẩm và tổ chức phun khử khuẩn.
Phát huy các giá trị truyền thống, nhiều hoạt động trong lễ hội được thực hiện theo nghi thức cổ truyền, một số hoạt động phần hội được đổi mới để tạo niềm hứng khởi cho du khách.
Ban tổ chức mong muốn giới thiệu tới du khách các giá trị lịch sử, văn hóa của Di tích Quốc gia Đặc biệt chùa Keo cùng vẻ đẹp về mảnh đất, con người Vũ Thư trong tiến trình đổi mới, hội nhập, góp phần thúc đẩy hoạt động du lịch, từng bước đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của địa phương.
Bà Phạm Thị Như Phong, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Vũ Thư, Trưởng Ban Chỉ đạo tổ chức lễ hội cho biết từ xa xưa, Vũ Thư đã nổi danh là vùng quê văn hiến. Các thế hệ tiền nhân không ngừng sáng tạo, phát tâm khởi dựng và để lại mảnh đất này đậm đặc những quần thể công trình, thắng tích, danh lam.
Những năm qua, nhờ nỗ lực của các đơn vị, địa phương Di tích Quốc gia Đặc biệt chùa Keo được bảo tồn nguyên vẹn, khuôn viên chùa được đầu tư, tu bổ khang trang, sáng, xanh, sạch, đẹp.
Việc quy hoạch chùa Keo thời gian tới được địa phương xác định là nhiệm vụ quan trọng nhằm bảo tồn và phát huy giá trị của di tích, từng bước đưa di tích thành trung tâm văn hóa, tín ngưỡng, danh lam thắng cảnh của tỉnh Thái Bình và đồng bằng sông Hồng.
Chùa Keo (tên chữ là Thần Quang Tự) gồm hai cụm kiến trúc: Chùa là nơi thờ Phật và đền là nơi thờ Đức thánh Dương Không Lộ. Năm 1962, chùa được xếp hạng là Di tích Quốc gia; năm 2012 là Di tích Quốc gia Đặc biệt.
Đến năm 2017, Lễ hội chùa Keo được ghi danh là Di sản Văn hóa Phi vật thể Quốc gia. Năm 2021, hương án chùa Keo được Chính phủ công nhận là Bảo vật Quốc gia.
Trải qua khoảng 400 năm tồn tại, qua nhiều lần tu bổ, tôn tạo, chùa Keo vẫn giữ nguyên bản sắc kiến trúc độc đáo có từ thời Lê Trung Hưng (thế kỷ 17). Hiện nay, chùa Keo có 17 công trình với 128 gian, công trình kiến trúc chính./.
Theo (TTXVN/Vietnam+)
https://www.vietnamplus.vn/thai-binh-khai-mac-le-hoi-chua-keo-mua-thu-o-huyen-vu-thu-post982944.vnp