Nhằm thực hiện mục tiêu đổi mới giáo dục và đào tạo, nhiều trường mầm non trên địa bàn tỉnh đã đẩy mạnh ứng dụng phương pháp giáo dục STeam trong các hoạt động, qua đó giúp trẻ phát huy tính tự giác, chủ động và tư duy sáng tạo, tích lũy được nhiều kỹ năng cần thiết vận dụng vào thực tiễn.
Đây là tiết học ứng dụng phương pháp giáo dục STeam của cô và trò lớp mẫu giáo 4-5 tuổi, Trường Mầm non Xuân Mai được giới thiệu tại Hội nghị chuyên đề Ứng dụng STeam trong thực hiện chương trình giáo dục mầm non năm học 2024-2025 của Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Phúc Yên. Khác với những tiết học thông thường, những tiết học ứng dụng phương pháp STeam như thế này trẻ rất hứng thú, có tư duy đa chiều, hiểu rõ vấn đề và dễ dàng ứng dụng vào thực tế thông qua những việc mà trẻ tận mắt nhìn, nghe thấy và chạm vào.
Hiện nay, phương pháp giáo dục STeam được ứng dụng hầu hết vào những tiết học và hoạt động giáo dục của Trường Mầm non Xuân Mai. Việc ứng dụng STeam đã làm thay đổi tích cực về chất lượng giáo dục, trẻ có cơ hội tìm tòi khám phá, trẻ biết làm việc theo nhóm, hợp tác, chia sẻ với bạn bè xung quanh góp phần giúp trẻ phát triển toàn diện về mọi mặt.
Việc đưa phương pháp giáo dục STeam vào giáo dục mầm non phù hợp với định hướng đổi mới giáo dục, Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Phúc Yên đã triển khai đồng loạt và khuyến khích các nhà trường mầm non trên địa bàn đẩy mạnh ứng dụng STeam trong các hoạt động giáo dục.
Giáo dục mầm non đặt viên gạch đầu tiên trong quá trình xây dựng ước mơ và tương lai của trẻ. Vì vậy, việc đưa phương pháp giáo dục STeam vào chương trình giáo dục mầm non là bước khởi đầu có ý nghĩa quan trọng giúp trẻ có thể được học tập và trải nghiệm từ cuộc sống thực tế một cách trực quan và có hành trang tốt nhất để thích ứng, phát triển tương lai.
Thu Hoài