“Miền nhớ” là phim ca nhạc do đạo diễn trẻ Huyền Vũ thực hiện, kể về một cậu bé sinh ra ở một miền quê nghèo, từ nhỏ đã vô cùng đam mê ca hát và vượt qua mọi khó khăn để chạm tới ước mơ của mình. Đó chính là ca sĩ trẻ Lê Vĩnh Toàn, người được nhiều thầy, cô ở Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam yêu thương và bảo bọc.
Ca sĩ trẻ Lê Vĩnh Toàn. (Ảnh: BÌNH QUÁCH)
Phim “Miền nhớ” được dàn dựng từ những ca khúc mang âm hưởng dân gian do chính Lê Vĩnh Toàn thể hiện, từ những ca khúc quen thuộc cho đến những sáng tác mới như “Quê hương trong nỗi nhớ” (Thơ: Lê Xuân Lý Âm nhạc: Dương Tiến Thành), “Sông quê” (Lời: Lê Vĩnh Toàn, nhạc: Phạm Tôn Tẫn), “Dòng sông ký ức” (Lời: Triệu Huệ Quân, nhạc: Quốc Việt), “Ơn mẹ” (Sáng tác: Mạnh Đình Quý), “Nhớ cha mùa khế ngọt” (Lời: Lê Vĩnh Toàn, nhạc: Ngọc Thịnh), “Đường về thôn quê” (Sáng tác: Phạm Tôn Tẫn), “Lời cha chưa nói” (Sáng tác: Phạm Tôn Tẫn).
Các ca khúc do các nhạc sĩ Phạm Tôn Tẫn, Sơn Thạch, Phan Bá Sang và Phú Quốc hòa âm và phối khí.
Phim “Miền nhớ” cũng chính là tự sự bằng âm nhạc của Toàn, nhớ lại những tháng ngày cơ cực, vất vả lăn lộn để có thể đặt chân vào con đường mà mình mơ ước.
Lê Vĩnh Toàn trong phim "Miền nhớ".
Từ nhỏ, Lê Bá Toàn đã bộc lộ khả năng ca hát. Cuộc sống vất vả từ nhỏ hiện rõ trên vóc dáng bé nhỏ và có phần hơi khắc khổ của Toàn. Năm lớp 9, thấy gia đình vất vả quá, Toàn xin nghỉ học đi tìm việc.
Toàn lên Sa Pa tìm việc và được một người quen tạo điều kiện cho làm bảo bảo vệ ở một khách sạn để kiếm sống trong suốt 2 năm. Tuy nhiên, tình yêu ca hát cháy bỏng trong lồng ngực mỗi ngày thêm mãnh liệt đã khiến chàng trai trẻ không cam chịu cuộc đời cứ dừng chân một chỗ như vậy, Lê Vĩnh Toàn quyết định trở về quê, đi học bổ túc nâng cao kiến thức và tìm cho mình một con đường hiện thực hóa ước mơ.
Cũng trên chính tình yêu âm nhạc, khát vọng trở thành ca sĩ ngày càng lớn ấy, Lê Vĩnh Toàn đã trải qua một cuộc đời chìm nổi, cơ cực, bôn ba khắp chốn, khó khăn chồng chất…
Và từ những khó khăn đó, mơ ước trở thành ca sĩ của Toàn càng trở nên cháy bỏng, mãnh liệt. Anh quyết định trở về quê, tiếp tục học tập để có thể theo học âm nhạc một cách chính quy.
Học xong THPT, Lê Vĩnh Toàn vào Thành phố Hồ Chí Minh tìm kiếm cơ hội. Anh không từ nan bất cứ công việc gì, từ bê loa đài, set sân khấu, hậu đài cho đến hát lót, chỉ để có được cơ hội hiện diện trên sân khấu.
Lê Vĩnh Toàn chuẩn bị cho một cảnh quay.
Những năm tháng đó trong ký ức của Toàn là những cảnh đêm ngủ ở phòng kho với chuột, gián, kiến vây quanh, nhiều vết sẹo chuột cắn còn lưu dấu đến tận giờ; là những tháng ngày quanh năm chỉ đủ tiền ăn mì gói và sáng phải ngủ dậy thật trễ chỉ để tiết kiệm không phải ăn bữa sáng. Được hát giống như nguồn sống duy nhất của Toàn, khiến Toàn vượt lên hết tất thảy mọi điều.
Không có điều kiện đến trường, Lê Vĩnh Toàn tự học chuyên môn qua internet. Anh dần được hát ở các sân khấu, chương trình, sự kiện lớn hơn, cuộc sống cũng đỡ hơn. Sau này trong một chương trình, Lê Vĩnh Toàn có duyên gặp ca sĩ Huyền Trang, cảm mến tài năng của người em đồng hương, Huyền Trang khuyên Toàn ra Hà Nội đi học cho đàng hoàng, hướng theo con đường chuyên nghiệp và hứa sẽ giúp đỡ.
“Tôi suy nghĩ mình đã có những năm tháng quá khổ sở, hiện giờ đã tạm ổn, tôi không muốn bỏ đi những năm tháng mình đã cố gắng. Nhưng tôi lại vẫn muốn ra Hà Nội vì đó là khát khao của tôi bấy lâu nay. Hai trạng thái đối lập nhau, giằng co suy nghĩ hơn 1 tháng thì tôi quyết định ra Hà Nội”- Lê Vĩnh Toàn kể.
Cuộc gặp với ca sĩ Huyền Trang đã khiến Lê Vĩnh Toàn đặt chân vào bước ngoặt, thay đổi toàn bộ cuộc đời mình. Sau khi trở ra Hà Nội, ca sĩ Huyền Trang đã giới thiệu Lê Vĩnh Toàn với NSƯT Tân Nhàn, khi đó là Phó Trưởng khoa Thanh nhạc của Học viện Âm nhạc Quốc gia.
Lê Vĩnh Toàn và NSƯT Tân Nhàn, NSND Việt Hương.
Bằng sự nhạy cảm nghề nghiệp của mình, NSƯT Tân Nhàn đã nhận ra ở Toàn khả năng và sự khát khao trong nghề nghiệp, và chính cô đã là người làm thay đổi cuộc đời Lê Vĩnh Toàn. Khi Toàn ra Hà Nội, biết Toàn khó khăn, NSƯT Tân Nhàn đã cho Toàn mượn một căn nhà của mình để ở và ôn thi. Toàn thi vào Học viện Âm nhạc Quốc gia khi tuổi không còn phù hợp, Tân Nhàn đã dùng uy tín của mình để đấu tranh, bảo vệ người học trò và giúp học trò bước vào cánh cổng Học viện, chính thức đi theo con đường nghệ thuật chuyên nghiệp.
NSƯT Tân Nhàn chia sẻ: “Ấn tượng đầu tiên của tôi về Toàn là cậu bé rất nhút nhát nhưng hát rất hay, Giọng hát rất nội lực, rất tình cảm, hiếm gặp, có tố chất của một ngôi sao dòng nhạc dân gian. Tôi thấy quý giọng hát này và bảo em phải đi học, và môi trường tốt nhất cho em chính là Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam. Lúc đó tôi giúp Toàn ôn thi vào hệ trung cấp của Học viện”. Và sau khi Lê Vĩnh Toàn đỗ vào Học viện, NSƯT Tân Nhàn đã nhờ ca sĩ Lê Anh Dũng rèn cặp thêm.
Nói về cậu học trò của mình, ca sĩ Lê Anh Dũng nhận xét: “Sau khoảng 3 năm, khi biết hoàn cảnh của Toàn, tôi đã hiểu vì sao giọng hát của Toàn chất chứa những gì rất đời, rất sâu, rất cần với nghệ sĩ. Đi qua rất nhiều thăng trầm trong cuộc sống mới có được giọng ca tràn đầy cảm xúc, nội tâm như vậy”.
“Miền nhớ” kể câu chuyện cuộc đời của Toàn khi đến với âm nhạc, nhưng không với những hình ảnh đẹp đẽ, thơ mộng, mà giản dị, đơn sơ như chính con người Toàn, như NSND, đạo diễn Việt Hương nói: “không phải một bộ phim ca ngợi quê hương vẻ đẹp thật bắt mắt, hoành tráng mà bộ phim mang tính nhân văn, có chiều sâu về cảm xúc con người về những sự hy sinh của cha mẹ dành cho con cái. Đó cũng là thông điệp nhân văn mà bộ phim mang đến. Bộ phim rất xúc động, nhân văn, chân tình, đó là thành công của Toàn và ê-kíp”.
NSND, đạo diễn Việt Hương cũng rất xúc động trước giọng hát của Lê Vĩnh Toàn: “Tiếng hát của Toàn đã chạm tới trái tim tôi. Qua đây, tôi mới hiểu vì sao Toàn hát hay thế. Tất cả vất vả gian truân chính là ngọn lửa hun đúc tiếng hát của Toàn. Con người ta không ai tự nhiên sung sướng mà hát hay. Tiếng hát là của cuộc đời của nỗi day dứt đau đớn của trái tim, trút ra từ tiếng hát. Những khó khăn mà người ta đã vượt qua, biến tiêu cực thành tích cực, để em có được ngày hôm nay”.
Đây là lần đầu tiên đạo diễn trẻ Huyền Vũ lần đầu thử sức với loại hình phim ca nhạc. Chị cho biết, ở góc nhìn người trẻ, chị muốn gửi đến các bạn trẻ thông điệp hãy dám nghĩ dám làm để thực hiện ước mơ của mình, vươn tới cuộc sống tốt đẹp hơn.
Nói về dấu mốc đầu tiên trong sự nghiệp âm nhạc của mình, Lê Vĩnh Toàn chia sẻ: “Tôi đến với âm nhạc là sứ mệnh, chỉ mong mình được sống với khát khao chứ không nghĩ chuyện nổi tiếng hay chạy show kiếm tiền. Toàn chỉ mong muốn mình được sống thăng hoa với sứ mệnh âm nhạc”.
Lê Vĩnh Toàn chia sẻ, anh nghĩ mình không có gì ngoài sự chân thành với âm nhạc. Trong suốt chặng đường từ cậu bé nghèo khó cho đến bộ phim âm nhạc đầu tiên, Toàn nói mình được yêu thương quá nhiều. “Mong ước của tôi là được sống thăng hoa với âm nhạc. Đó là sứ mệnh của tôi” – ca sĩ trẻ bộc bạch.
Phim ca nhạc “Miền nhớ” do đạo diễn Huyền Vũ thực hiện, NSND, đạo diễn Việt Hương cố vấn chuyên môn, nhạc sĩ Phạm Tôn Tẫn làm Giám đốc âm nhạc. Phim đã phát sóng trên kênh VTV1 và hiện đã có mặt trên Youtube.
Theo nhandan.vn
https://nhandan.vn/ca-si-tre-le-vinh-toan-ke-hanh-trinh-den-voi-am-nhac-qua-phim-mien-nho-post852368.html