Cập nhật: 11/01/2025 07:24:00
Xem cỡ chữ

Với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng thuận lợi cho việc phát triển các loại cây ăn quả như: Vải, nhãn, cam, bưởi, sầu riêng, thanh long… đến nay, nhiều địa phương trên cả nước đã hình thành những vùng chuyên canh lớn, góp phần thúc đẩy sản xuất, liên kết tiêu thụ sản phẩm, tiết kiệm chi phí, tăng sức cạnh tranh, tạo việc làm và nâng cao thu nhập cho nhân dân.

Sầu riêng là “quán quân” xuất khẩu rau quả hiện nay. (Ảnh: HÀ ANH)

Thời gian gần đây, việc đa dạng hóa kênh tiêu thụ, mở rộng thị trường cho các loại trái cây tươi của Việt Nam đã đánh dấu bước tiến lớn trong chiến lược mở rộng thị trường xuất khẩu. Việc xuất khẩu sản phẩm cây ăn quả đến nhiều thị trường trên thế giới đã mở ra những cơ hội và lợi ích cho các mặt hàng này.

Mở rộng thị trường xuất khẩu

Đến nay, diện tích cây ăn quả trên địa bàn cả nước có khoảng 1,3 triệu ha, trong đó tập trung chủ yếu ở các địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long, Trung du miền núi phía bắc, Đông Nam Bộ và Tây Nguyên. Theo Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), Cục đã mở cửa thị trường cho 19 loại nông sản có nguồn gốc thực vật và quả tươi xuất khẩu chính ngạch sang một số thị trường chính như: Trung Quốc, Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản, EU…; bao gồm: Thanh long, mít, dưa hấu, nhãn, vải, chuối, xoài, chôm chôm, măng cụt, chanh leo, sầu riêng tươi, vú sữa, bưởi... trong đó, Trung Quốc là thị trường xuất khẩu chủ yếu với 16 loại mặt hàng, tiếp theo là Mỹ với bảy mặt hàng.

Để nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm cây ăn quả, nhiều doanh nghiệp chế biến đã hợp tác với bà con nông dân để hình thành những vùng chuyên canh cây ăn quả tập trung, quy mô lớn. Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao (Doveco) Nguyễn Thanh Tùng cho rằng: “Nếu trồng một ha dứa CE với thời gian trồng đến khi thu hoạch là 1,3 năm, với chi phí hơn 181 triệu đồng, doanh thu từ bán quả và chồi khoảng 548 triệu đồng, thì nông dân có lãi gần 367 triệu đồng.

Đối với cây dứa MD2, tổng chi phí khoảng 320 triệu đồng, thu hoạch quả, chồi là 984 triệu đồng, lãi 664 triệu đồng. Cây chuối tiêu hồng với thời gian từ khi trồng đến thu hoạch là 10 tháng, chi phí đầu tư gần 310 triệu đồng, doanh thu 807 triệu đồng, lãi 497 triệu đồng/ha”.

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Hòa Bình Đinh Công Sứ chia sẻ: “Đến nay, toàn tỉnh có gần 16 nghìn ha cây ăn quả các loại, trong đó chủ lực là nhóm cây có múi như: Cam, bưởi, quýt, chanh với diện tích hơn 10 nghìn ha. Ngoài ra, trên địa bàn còn có hơn 1.200ha nhãn, gần 1.500ha chuối và một số cây ăn quả khác là: Xoài, vải, táo, thanh long.

10 năm trở lại đây, tỉnh đã xây dựng, ban hành nhiều cơ chế, chính sách để thúc đẩy phát triển nhóm sản phẩm cây ăn quả, trong đó có chính sách cải tạo vườn tạp; hỗ trợ cây giống; hỗ trợ chứng nhận các tiêu chuẩn chất lượng; thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; triển khai mạnh mẽ, đa dạng các hoạt động xúc tiến thương mại, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm cây ăn quả.

Toàn tỉnh đã cấp được 88 mã số vùng trồng cho các loại cây ăn quả, trong đó có 53 mã số phục vụ xuất khẩu với diện tích 375 ha; có 2.431 ha cây ăn quả cấp chứng nhận GlobalGAP, VietGAP, an toàn thực phẩm, hữu cơ”. Nhiều sản phẩm cây ăn quả chủ lực của tỉnh đã được tiêu thụ ổn định ở nhiều chuỗi siêu thị và các địa phương trong nước. Trong ba năm gần đây, nhiều sản phẩm cây ăn quả như chuối, nhãn, cam, bưởi đã được xuất khẩu chính ngạch sang các thị trường: Mỹ, Canada, Anh, Hàn Quốc...

Xây dựng vùng nguyên liệu tập trung có liên kết sản xuất

Hiện nay, nhu cầu của các thị trường quốc tế rất lớn về khối lượng và đa dạng về các loại quả của Việt Nam. Nhưng quy mô sản xuất các loại cây ăn quả ở nhiều địa phương còn nhỏ lẻ cho nên khó áp dụng công nghệ, thiếu liên kết chuỗi giá trị, thiếu vốn và cơ sở hạ tầng.

Hơn nữa, một số doanh nghiệp chế biến xuất khẩu còn thiếu các kho lạnh đạt chuẩn gây tình trạng thất thoát và hư hỏng sản phẩm sau thu hoạch, không đáp ứng lâu dài để phục vụ xuất khẩu. Ngoài ra, nhiều cơ sở sản xuất chưa đủ khả năng tiếp cận các thiết bị bảo quản tiên tiến như: Máy sấy, máy lạnh… dẫn đến chất lượng giảm, không giữ được độ tươi ngon của quả.

Đối với lĩnh vực chế biến, PGS, TS Phạm Anh Tuấn, Viện trưởng Cơ điện nông nghiệp và Công nghệ sau thu hoạch cho rằng: “Việt Nam hiện có 150 nhà máy chế biến có dây chuyền công nghệ hiện đại và khoảng 7.500 cơ sở chế biến bảo quản trái cây, rau củ.

Tuy nhiên, ngành chế biến chỉ mới đáp ứng khoảng 10 đến 17% sản lượng rau quả/năm. Số còn lại rau quả xuất khẩu chưa qua chế biến và tiêu thụ vẫn ở dạng tươi hoặc sơ chế bảo quản là chủ yếu; tổn thất sau thu hoạch còn quá cao, tới hơn 20%”.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, mục tiêu đến năm 2030, diện tích cây ăn quả cả nước là 1,3 triệu ha, sản lượng hơn 16 triệu tấn; trong đó, diện tích cây ăn quả chủ lực là một triệu ha, sản lượng 13 đến 14 triệu tấn; kim ngạch xuất khẩu trái cây đạt khoảng 6,5 tỷ USD.

Để bảo đảm sản phẩm cây ăn quả chất lượng phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu, thời gian tới các bộ, ngành, địa phương cần xây dựng vùng sản xuất cây ăn quả tập trung theo chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ, đủ điều kiện để cấp mã số vùng trồng và truy xuất nguồn gốc; đồng thời, tiếp tục đầu tư lưu giữ nguồn gene; chọn, tạo, nhập mới giống cây ăn quả năng suất, chất lượng cao, rải vụ thu hoạch, chống chịu sâu bệnh hại, thích ứng điều kiện biến đổi khí hậu; tiếp tục hoàn thiện quy trình nhân giống cây ăn quả sạch bệnh và thực hiện quy trình canh tác tiên tiến.

Các doanh nghiệp chế biến cần đầu tư công nghệ xử lý, bảo quản, chế biến sau thu hoạch hiện đại nhằm tạo ra những sản phẩm đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu; đầu tư cải tạo, xây dựng hệ thống thủy lợi vùng sản xuất cây ăn quả chủ lực tập trung đáp ứng được yêu cầu tưới, tiêu chủ động; áp dụng công nghệ tưới tiên tiến tiết kiệm nước (như tưới nhỏ giọt, tưới phun sương…).

Mặt khác, cần hình thành sàn giao dịch sản phẩm cây ăn quả; thực hiện các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá để người tiêu dùng trong nước có đủ thông tin về sản phẩm cây ăn quả giúp tiêu thụ tốt hơn. Đối với thị trường xuất khẩu, cần tăng cường xuất khẩu vào các thị trường truyền thống cũng như tiếp tục xúc tiến mở rộng thị trường.

Cùng với đó, cần tăng cường hợp tác với các nước và các tổ chức quốc tế về khoa học kỹ thuật phục vụ phát triển cây ăn quả như: Trao đổi nguồn gene mới; nghiên cứu chọn, tạo, nhập nội giống mới; quy trình canh tác cây ăn quả an toàn, bền vững; công nghệ thu hái, bảo quản, chế biến cây ăn quả…

Theo Bích Hồng (TTXVN)

https://nhandan.vn/day-manh-san-xuat-va-tieu-thu-san-pham-cay-an-qua-post855518.html