Theo lịch vạn niên, tết ông Công, ông Táo năm 2025 nhằm thứ Tư, ngày 22/1/2025 dương lịch. Đây là ngày chính để thực hiện nghi lễ cúng ông Công, ông Táo, tuy nhiên nhiều gia đình đã làm lễ từ ngày 18/1/2025 (tức ngày 19 tháng Chạp âm lịch).
Qua khảo sát tại các chợ truyền thống, chợ đầu mối như Kim Liên (Đống Đa), chợ Thành Công (Ba Đình), chợ gốc Đề (Hoàng Mai), chợ Nguyễn Công Trứ, chợ Hôm Đức Viên (Hai Bà Trưng), chợ đầu mối phía Nam (Hoàng Mai)… hàng hóa được các tiểu thương bày bán khá đa dạng, phong phú, dồi dào, giá cả ổn định, mặc dù sức mua có tăng.
Theo chị Nguyễn Thị Thuận, chủ cửa hàng hoa quả tươi trong chợ Trại Găng, quận Hai Bà Trưng (Hà Nội), giá các mặt hàng hoa quả tươi có tăng giá một chút so với những thường: na 85.000 - 110.000 đồng/kg, thanh long từ 50.000-60.000 đồng/kg, dưa lưới 65.000-75.000 đồng/kg, dưa hấu 25.000-30.000 đồng/kg, cam Canh 60.000-75.000 đồng/kg, cherry Chile 450.000- 500.000 đồng/kg, quýt Sài gòn từ 40.000 lên 45.000 đồng/kg, nho từ 80.000 - 180.000 đồng/kg, bưởi da xanh 110.000-130.000 đồng/quả, táo Envy từ 150.000-180.000 đồng/kg...
Riêng mặt hàng rau xanh, do thời tiết thuận lợi nên giá cả các mặt hàng rau xanh cũng khá thấp. Cụ thể như su hào có 6.000 - 8.000 đồng/củ, súp lơ xanh 12.000 đồng - 18.000 đồng/chiếc, cà rốt 8.000 đồng/kg - 10.000 đồng/kg, cải ngọt từ 14.000 đồng/kg, ớt chuông 30.000 đồng/kg, dưa chuột 15.000 đồng/kg, củ cải 8000 đồng/kg…
Theo bác Nguyễn Thị Nghĩa, chủ cửa hàng rau xanh tại chợ Nguyễn Công Trứ, quận Hai Bà Trưng (Hà Nội) cho biết, hôm nay, nhiều gia đình làm lễ cúng Ông Công Ông Táo, chợ cũng đông vui. Thời tiết thuận lợi nên rau xanh được mùa, giá cũng rẻ hơn so với Tết các năm trước (thường những ngày này giá rau xanh rất đắt do thời tiết lạnh sương muối rau xanh không lên được).
Đối với các mặt hàng thủy hải sản tươi sống, giá cả các mặt hàng này cũng không tăng so với ngày thường, như tôm sú từ 250.000- 400.000 đồng/kg, mực ống từ 150.000 - 250.000 đồng/kg, bạch tuộc sữa 150.000-160.000 đồng/kg, cá tầm 330.000 đồng/kg.
Giá thịt lợn hiện đang ở mức từ 130.000 - 150.000 đồng/kg tùy loại; giá thịt bò ở mức từ 220.000 - 270.000 đồng/kg tùy loại, giò lợn 220.000 đồng/kg, chả ram tôm 160.000 đồng/kg... Giá gà trống từ 110.000 - 120.000 đồng/kg, giá gà mái ở mức thấp hơn khoảng 90.000-100.000 đồng/kg...
Mặt hàng cá chép đỏ cùng vàng mã, mỹ hài để cúng Ông Công Ông Táo là những lễ vật không thể thiếu trong dịp này giá cả cũng ổn định không tăng so với năm trước cụ thể, cá chép giá từ 25.000- 75.000 đồng/3 con tùy từng loại to hay nhỏ; bộ mũ hài kèm vàng mã từ 50.000-150.000 đồng/bộ tùy loại.
Chị Đào Kim Thủy, ở phố Thợ Nhuộm, quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) cho biết, mặc dù còn mấy hôm nữa mới đến Ngày 23 tháng Chạp, nhưng hôm nay là ngày nghỉ nên gia đình chị cũng làm mâm cơm cúng Ông Công Ông Táo và để con cháu quây quần bên nhau. Thực phẩm, rau xanh, hoa quả tại chợ rất dồi dào, phong phú, giá cả đều ổn định. Thường những ngày giáp Tết, giá rau củ quả, thực phẩm tươi sống đều tăng mạnh. Năm nay, do kinh tế khó khăn, nhiều người thắt chặt chi tiêu nên dù là ngày Tết, giá cả cũng không biến động.
Riêng mặt hàng hoa tươi những ngày này có tăng nhưng không nhiều lắm so với ngày thường. Cụ thể, giá hoa hồng từ 5.000 đồng/bông lên 7.000-8.000 đồng/bông, hoa cúc từ 4.000 đồng/bông lên 5.000 đồng/bông, hoa ly từ 22.000 đồng/bông lên 25.000 đồng/bông...
Không chỉ có các chợ truyền thống sức mua tăng cao trong những ngày này, mà tại hệ thống siêu thị sức mua cũng tăng mạnh từ 20-30% so với ngày thường, đặc biệt là giá cả ổn định, hàng hóa dồi dào phong phú. Qua kiểm tra siêu thị Go! Thăng Long cho thấy, nguồn cung rau xanh, thịt, cá khá phong phú và đầy đủ. Các gian hàng bánh kẹo, giỏ quà Tết cũng được trưng bày bắt mắt với mức giá phải chăng. Mặc dù còn hơn 10 ngày nữa mới đến Tết Nguyên đán nhưng lượng khách đến siêu thị mua sắm khá đông và chủ yếu tập trung ở các gian hàng đồ tươi sống, bánh kẹo, hoa quả.
Năm nay, các mặt hàng Việt Nam cũng được người tiêu dùng lựa chọn. Nhiều người tiêu dùng đánh giá, nguồn hàng Tết được cung cấp năm nay tương đối đầy đủ, dồi dào. Phần lớn mặt hàng được lựa chọn là hàng Việt Nam chất lượng cao.
Thông tin về việc dự trữ hàng phục vụ nhu cầu mua sắm trong dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ, Giám đốc siêu thị Go! Thăng Long Nguyễn Minh Tuấn cho biết, những ngày gần đây sức mua của người dân đã tăng 20 - 30% so với thời điểm đầu tháng.
Để đảm bảo lượng hàng hóa phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân, siêu thị đã dự trữ lượng hàng hóa tăng 15% so với Tết Nguyên đán 2024, trong đó có đến 90% là hàng Việt Nam chất lượng cao. Bên cạnh việc dự trữ hàng hóa, siêu thị kết hợp với các doanh nghiệp cung ứng liên tục tổ chức chương trình khuyến mại, giảm giá qua đó kích cầu tiêu dùng.
Chia sẻ việc dự trữ hàng hóa phục vụ nhu cầu mua sắm trong dịp Tết, Phó Giám đốc phụ trách Sở Công Thương Hà Nội Nguyễn Kiều Oanh cho biết, để đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân trong dịp Tết Ất Tỵ ngành công thương Hà Nội và các doanh nghiệp đã xây dựng kế hoạch và ký kết các hợp đồng khai thác hàng hóa phục vụ Tết tăng trung bình từ 5 - 20% theo từng mặt hàng so với Kế hoạch phục vụ Tết năm 2024. Đặc biệt, 22 doanh nghiệp bán lẻ của thành phố Hà Nội cam kết không tăng giá bán các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu trong quá trình phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân Tết Nguyên đán Ất Tỵ.
Theo Nam Giang (TTXVN)
https://baotintuc.vn/thi-truong-tien-te/thi-truong-hang-hoa-doi-dao-phuc-vu-ngayongcong-ongtao-20250118134930883.htm