Sau khi đã chuyển tổng cộng số tiền hơn 1 tỷ đồng đặt phòng tại fanpage có tick xanh mang tên "Minawa Kênh gà Resort & Spa Ninh Bình", một người phụ nữ ở Hải Phòng mới biết mình bị lừa.
Chuyện đặt phòng khách sạn qua fanpage, Facebook liên tục bị "giăng bẫy" diễn ra vào những mùa cao điểm dịp lễ, Tết lâu nay không còn là câu chuyện mới lạ. Để tránh bị lừa đảo, theo các chuyên gia, khi lựa chọn dịch vụ, khách hàng cần tìm hiểu kỹ thông tin khi lựa chọn các gói du lịch, nên lựa chọn dịch vụ đặt tour, đặt phòng, đặt vé máy bay của những công ty uy tín hoặc qua các App du lịch (ứng dụng du lịch). Để yên tâm hơn, người dân có thể đề nghị phía đối tác cho xem giấy phép hoạt động kinh doanh, giấy tờ, chứng chỉ hành nghề… của công ty lữ hành, du lịch.
Câu chuyện sau đây là một ví dụ điển hình.
Gọi điện qua video call để giục nạn nhân chuyển tiền
Sáng ngày 5/2, một người dùng mạng xã hội chia sẻ lên Facebook cá nhân, câu chuyện về việc người quen của anh này là một nữ đồng nghiệp tên T., hiện đang công tác tại Hải Phòng, bị lừa hơn 1 tỷ đồng khi đặt phòng tại fanpage có tích xanh mang tên “Minawa Kenhga Resort & Spa Ninh Binh”.
Từ câu chuyện này, PV Báo Điện tử VOV đã liên hệ trực tiếp với nạn nhân và được biết, xuất phát từ nhu cầu muốn cùng gia đình đi du lịch trong dịp Tết, chị T. có lên facebook cá nhân tìm hiểu các địa điểm du lịch yêu thích. Sau vài ngày nghiên cứu, chị T. quyết định chọn trang facebook mang tên “Minawa Kenhga Resort & Spa Ninh Binh” và chủ động nhắn tin với trang này để trao đổi thông tin và cọc tiền phòng.
![bi lua hon 1 ty dong dat phong nan nhan da bi dan du nhu the nao hinh anh 1 bi lua hon 1 ty dong dat phong nan nhan da bi dan du nhu the nao hinh anh 1](https://media.vov.vn/sites/default/files/styles/large/public/2025-02/05-99973ca3c-14275036.png.jpg)
Ảnh minh họa.
Sau khi được chốt giá đặt phòng khách sạn cho hai phòng Deluxe, lưu trú từ ngày 31/1 đến hết ngày 3/2 (tức từ mồng 3 đến mồng 6 tháng giêng) cho 4 thành viên, chị T., chuyển 6,5 triệu đồng tiền cọc vào số tài khoản có tên: Công ty TNHH TMDV VINSMART.
Ngay lúc này, trang Fanpage xác nhận đã nhận tiền. Tuy nhiên, cho rằng khách chuyển sai nội dung nên trang này yêu cầu chị "copy mã này dán vào nội dung" để chuyển lại, công ty sẽ hoàn lại tiền theo hóa đơn lần 1 chuyển sai.
“Sau khi chuyển xong tiền thì họ nói sai nội dung, họ có yêu cầu tôi chuyển lại đúng nội dung để đặt phòng tự động. Trong lúc chuyển tiền, họ có gọi cho tôi bằng video qua messenger. Trong quá trình gọi, họ có cho những tạp âm như tiếng máy tính, tiếng nhân viên gọi điện tư vấn cho người khác nên tôi hoàn toàn tin tưởng” – chị T. kể lại câu chuyện của mình.
Theo lời chị T., từ lần chuyển tiền không thành công này, các đối tượng bắt đầu dẫn dắt chị vào tròng với hàng loạt chiêu thức tinh vi. Cụ thể, các đối tượng gọi điện cho chị, viện lý do là hóa đơn chuyển khoản bị "GHI SAI NỘI DUNG" nên đối tượng đã nhờ vị khách hàng này thực hiện thêm một giao dịch chuyển khoản khác cùng với hứa hẹn "sau khi ghim phòng thành công, kế toán bên em sẽ hoàn tiền lại hóa đơn sai cho mình".
Để thao túng tâm lý nạn nhân, theo lời kể của chị T., các đối tượng lừa đảo còn nhắn thêm: "Em dặn chị kiểm tra trước khi chuyển khoản rồi mà chị không ghi nội dung giúp em".
“Trong lúc họ gọi video call cho tôi, do quá tin tưởng vào admin của fanpage, tôi có cho họ nhìn màn hình điện thoại lúc tôi thao tác chuyển tiền để khẳng định mình đã chuyển và làm đúng yêu cầu. Tôi nghĩ, chắc do sơ suất này của mình mà các đối tượng nhìn thấy tài khoản của tôi có nhiều tiền nên liên tiếp giăng bẫy tôi” – chị T. nói.
Sau 1,2 lần chuyển tiền mà không thành công, do nóng lòng muốn lấy lại số tiền đã mất, chị T. đã liên tiếp thực hiện thêm 5, 6 lần chuyển tiền tương tự và mỗi lần nhập mã xác thực kích hoạt lại là một lần bị trừ tiền trong tài khoản với số tiền lần lượt là 39,56 triệu đồng, 125,625 triệu đồng; 379,652 triệu đồng, nhiều nhất là lần cuối cùng là 485,623 triệu đồng.
Theo lời chia sẻ của chị T., sau khi chuyển thành công hơn 1 tỷ đồng cho các đối tượng, lúc này chị mới nghi ngờ, mở máy tính lấy số điện thoại nóng trên fanpage "Minawa Kênh gà Resort & Spa Ninh Bình" gọi điện để xác minh thì được biết, tên tài khoản của công ty khác, và tài khoản chị chuyển tiền là sai.
![bi lua hon 1 ty dong dat phong nan nhan da bi dan du nhu the nao hinh anh 2 bi lua hon 1 ty dong dat phong nan nhan da bi dan du nhu the nao hinh anh 2](https://media.vov.vn/sites/default/files/styles/large/public/2025-02/932e7b91-1d7e-44c0-8d1b-dc63a8f85211.jpg)
Ảnh chụp màn hình.
“Do cuống không lấy lại được tiền, nên tôi cứ liên tục chuyển tiền đi mong sớm lấy lại được số tiền trước đó bị treo. Trong lúc video call, họ tiên tục an ủi tôi là “Tại sao các khách khác làm 1 lần là được, mà ngân hàng bên chị bị làm sao mà mãi không được. Cùng với đó, là lời tâm sự kiểu tìm kiếm sự thông cảm “nếu quản lý biết em để khách bị treo tiền nhiều thế này sẽ bị phạt” nên tôi mủi lòng và cố chuyển nữa” – chị T. kể lại.
Ngay sau khi câu chuyện của chị T., diễn ra, phóng viên Báo Điện tử VOV có trao đổi với số điện thoại từ đường dây nóng của fanpag “Minawa Kenhga Resort & Spa Ninh Binh” thì được admin của trang này cho biết “Trang web chính bên Minawa đã ngưng nhận khách qua page. Hiện, đơn vị đang dịch vụ đặt phòng trực tiếp combo ưu đãi”.
Cơ quan chức năng đã nắm được vụ việc
Về sự việc này, ông Bùi Văn Mạnh, Giám đốc Sở Du lịch Ninh Bình cho biết, sau khi nhận được thông tin phản ánh về vụ lừa đảo, Sở đã cử phòng chức năng đến làm việc với khu nghỉ dưỡng liên quan để hướng dẫn xử lý và thông báo cho du khách biết. Ông Mạnh cho biết thêm, trước Tết Nguyên đán 2025, khu nghỉ dưỡng này đã từng bị các đối tượng xấu mạo danh, tạo trang web và fanpage Facebook giả mạo, có giao diện giống như trang chính thức của khu nghỉ dưỡng để thực hiện hành vi lừa đảo.
Trước thực trạng này, cách đây không lâu, phòng An ninh đối ngoại, Công an tỉnh Ninh Bình đã ra cảnh báo, để tránh bị lừa đảo bằng hình thức trên, du khách trước khi lựa chọn đặt phòng khách sạn, cơ sở nghỉ dưỡng, homestay…cần tìm hiểu kỹ thông tin, lựa chọn đơn vị cung cấp dịch vụ du lịch hoặc đặt phòng du lịch có sẵn trên các ứng dụng, cần hết sức cảnh giác với những lời mời chào đặt phòng giá quá rẻ, thấp hơn giá thị trường 20%-50%.
Sau khi đã kiểm tra chính xác thông tin liên hệ, cần tìm hiểu kỹ chính sách đặt, hủy phòng; yêu cầu khách sạn chuyển thông tin xác nhận đặt phòng, ngoài ra có thể đề nghị cơ sở cung cấp dịch vụ cho xem các Giấy phép hoạt động kinh doanh dịch vụ tại địa phương...
Theo công an tỉnh Ninh Bình, bên cạnh sự vào cuộc của các cơ quan chức năng trong điều tra, xử lý các vụ việc trên, các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lưu trú du lịch cũng nên tăng cường cung cấp thông tin chính thống của doanh nghiệp mình rộng rãi trên phương tiện thông tin đại chúng, trên các trang mạng xã hội để du khách biết và liên hệ đặt phòng hoặc sử dụng các dịch vụ khác. Đồng thời, khi phát hiện các trang WEB, Fanpage giả mạo… cần báo ngay cho Cơ quan chức năng để kịp thời ngăn chặn và xử lý kịp thời.
Theo Nguyễn Hiền/VOV.VN
https://vov.vn/phap-luat/bi-lua-hon-1-ty-dong-dat-phong-nan-nhan-da-bi-dan-du-nhu-the-nao-post1152994.vov