Đã có hơn 1.700 trẻ yếu thế, lang thang cơ nhỡ, có hoàn cảnh khó khăn được dạy nghề miễn phí tại KOTO, 100% tốt nghiệp và có việc làm. Giá trị đóng góp xã hội của KOTO được nhân lên gấp nhiều lần khi những học viên này tiếp bước mô hình đào tạo KOTO dạy nghề cho trẻ yếu thế.
“Know One - Teach One” (Biết một - Dạy một)
Đó là thông điệp thiết thực, giản đơn của KOTO - nơi dạy nghề cho trẻ yếu thế - một mô hình đào tạo của doanh nghiệp xã hội đầu tiên tại Việt Nam. KOTO được sáng lập từ tâm nguyện của anh Jimmy Phạm (Việt kiều người Australia) cách đây 26 năm. Đây là mô hình nuôi dưỡng và đào tạo nghề khách sạn, nhà hàng toàn diện cho thanh thiếu niên có hoàn cảnh khó khăn. Trong 2 năm, học viên không chỉ được trang bị kiến thức nghề nghiệp mà còn phát triển kỹ năng cần thiết khác để tự tin bước vào đời.

Hình ảnh tại nhà hàng KOTO trên phố Văn Miếu - nơi các học viên KOTO được thực hành và làm việc
Trung tâm đào tạo nghề KOTO mới được xây dựng khang trang tại xã Phật Tích, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh, hiện đào tạo cho 300 học viên các nghề thuộc lĩnh vực khách sạn, nhà hàng như nấu ăn, bàn bar, bếp… tạo nền tảng nghề nghiệp vững chắc cho các em. Ngoài đào tạo nghề, KOTO cũng chú trọng dạy tiếng Anh cho học viên để mở ra nhiều cơ hội giao tiếp, nâng cao thu nhập, phát triển sự nghiệp cho học viên trong môi trường quốc tế. Học viên Nguyễn Thị Mỹ Hương, 20 tuổi ở Quảng Nam chia sẻ: “Ở KOTO, em được học nghề, tiếng Anh, kỹ năng sống như cách giải quyết các vấn đề trong cuộc sống, quản lý thời gian. Ngoài ra, em còn được học cách chia sẻ, cho đi nhiều hơn”.
Là một trong những học viên khóa học mới, Hoàng Văn Hùng, 20 tuổi ở Cao Bằng cho biết em mồ côi cả bố và mẹ. Nhà có 7 anh chị em, các anh chị đã xây dựng gia đình, chỉ còn Hùng và em trai sống với nhau. Học hết lớp 9, Hùng phải nghỉ học đi làm kiếm tiền ở rất nhiều nơi, từ bãi vàng đến các công trình xây dựng. Nhờ được các anh chị từng học ở KOTO giới thiệu, Hùng nộp hồ sơ và được nhận vào KOTO. “Khoảng 2 tháng trước, em cảm thấy khó khăn nhưng bây giờ em đã quen dần. Những gì không hiểu, em hỏi các anh chị đi trước và được mọi người sẵn sàng chia sẻ, giúp đỡ”, Hùng bày tỏ.

Ông Jimmy Phạm tự nấu ăn cho các học viên.
Học viên KOTO là những người đặc biệt bởi các em đến từ nhiều vùng miền khác nhau, tính cách khác nhau và xuất phát điểm chưa tốt nên cũng gây ra khá nhiều khó khăn cho các thầy cô giáo trong quá trình học tập. Chị Vũ Thị Minh Phương, giáo viên dạy tiếng Anh tại KOTO cho biết: “Một khó khăn đó là các em bỏ học đã lâu và chưa tiếp xúc nhiều với tiếng Anh. Để hỗ trợ các em cả kiến thức chuyên ngành và ngôn ngữ, chúng tôi có những lớp học nhỏ gọi là lớp học phụ đạo, lớp học do giáo viên dạy hoặc các bạn khóa trước hỗ trợ, truyền tải lại các kiến thức chuyên ngành, dạy theo đúng phương châm là Know One - Teach One”.
Không chỉ trang bị cho học viên một nghề nghiệp vững vàng, KOTO còn mang đến cho các em tâm thế tự tin, sự chuyên nghiệp để sau khi ra nghề, các em có thể thuyết phục khách hàng bằng năng lực thực sự, chứ không lạm dụng sự thương cảm của cộng đồng. Chị Hoàng Thị Hạnh, Giám đốc Trung tâm dạy nghề KOTO chia sẻ: “Thành công lớn của KOTO là đào tạo và dạy các em thay đổi bản thân, trao quyền cho các em để các em hiểu được giá trị mà các em có được, nhận được. Điều quan trọng nhất là khi các em nhận được sẽ biết trao lại, giúp đỡ người khác. Đấy là sự lan tỏa và lớn mạnh của KOTO”.
Tài sản lớn nhất của người sáng lập KOTO
Từ khi mở cửa hàng bán sandwich trên phố Văn Miếu, Hà Nội và tổ chức khoá học KOTO đầu tiên với 9 trẻ em đường phố và 2 tình nguyện viên vào năm 1999, đến nay KOTO phát triển thành một doanh nghiệp xã hội và đã phục vụ hơn 1 triệu thực khách từ khắp nơi trên thế giới. Hiện KOTO có 110 nhân viên, một nửa trong số đó là cựu học viên KOTO. Có nhiều em từ những đứa trẻ lang thang cơ nhỡ, hoàn cảnh khó khăn nay đã trở thành nhân viên, quản lý tại các nhà hàng, khách sạn nổi tiếng trong nước và quốc tế.
Có những người từng phục vụ tại các nhà hàng, khách sạn 5 sao cũng quay trở về hỗ trợ cho các em. Là Giám đốc khối nhà hàng KOTO, cũng là cựu học viên những khóa học đầu tiên của KOTO, chị Đỗ Thị Kim Tình, từng là quản lý cho những nhà hàng 5 sao ở Hà Nội hiểu rõ triết lý sống của KOTO: “80 - 90% các bạn khối vận hành là cựu học viên của KOTO. Chúng tôi rất hiểu về văn hóa của KOTO nên chúng tôi làm với cái tâm, yêu nghề và yêu các em. Ngày trước chúng tôi được giúp như thế nên bây giờ chúng tôi giúp lại các em”. Chị Đỗ Thị Ngân, nhân viên quản lý KOTO chia sẻ: “Khi quay trở lại, tôi luôn làm theo đúng điều mà KOTO đề ra “biết một - dạy một”. Mình biết gì sẽ dạy lại các em như thế”.
Với mục tiêu tạo ra một cộng đồng phát triển bền vững và bằng tinh thần nhân văn “được giúp đỡ rồi, hãy giúp đỡ những người khác”, luôn duy trì sự gắn bó lâu dài với cựu học viên, ông Jimmy Phạm cùng KOTO đã xây dựng được một cộng đồng học viên ngày càng lớn mạnh và gắn kết. Ông Jimmy xác định dạy nghề không phải mục đích chính của KOTO, mà là dạy học viên trở thành người tử tế, giúp ích cho xã hội, thay đổi số phận của những mảnh đời khó khăn. “Tôi luôn nhắc nhở 2 thông điệp khi các em rời khỏi ngôi nhà này. Đầu tiên, KOTO luôn mong muốn các em sống tử tế, tất cả mọi việc tốt sẽ đến với em một cách tử tế. Thứ hai, lúc nào các em khó khăn, hãy luôn luôn nhớ cánh cửa của KOTO luôn mở cho các em quay về nhà. KOTO mạnh chính là từ các em, cựu học sinh”, ông Jimmy Phạm nhấn mạnh.

Ông Jimmy Phạm thử các đồ uống do học viên KOTO pha chế
Mỗi cựu học viên trở thành cánh tay nối dài của mô hình, trở thành người giúp đỡ những hoàn cảnh kém may mắn khác được nhận những cơ hội như mình đã từng. Và họ luôn dành những tình cảm yêu mến nhất cho người anh cả - ông Jimmy Phạm - người luôn nỗ lực vì tương lai của những thanh niên yếu thế. Đỗ Thị Ngân, cựu học viên KOTO cho hay: “Anh Jimmy sẵn sàng chia sẻ cho chúng con tất cả những gì trong hiểu biết của anh, cho chúng con nguồn năng lượng tích cực. Là CEO nhưng khi đến với học viên ở đây, anh như một người anh trong gia đình, luôn gần gũi, chia sẻ mọi thứ với học viên”.
Với những đóng góp của mình, ông Jimmy Phạm đã được nhiều tổ chức trong nước và quốc tế ghi nhận, gần đây nhất là Giải thưởng Cống hiến vì cộng đồng “Human act Prize 2024” do Báo Nhân dân tổ chức. Giải thưởng Công dân toàn cầu do Quỹ Waislitz và Global Citizen trao tặng vì nỗ lực chấm dứt đói nghèo và thay đổi cuộc đời của hơn 1.000 thanh thiếu niên có hoàn cảnh khó khăn tại Việt Nam. Thế nhưng, tình cảm mà học viên các khóa dành tặng cho ông mới là tài sản lớn nhất của Jimmy Phạm.
Hà Thị Thương, học viên khóa mới KOTO bày tỏ: “Tôi không thể quên những gì anh Jimmy Phạm mang đến cho KOTO và cho bản thân tôi. Anh ấy rất vất vả với các học viên và với KOTO để duy trì Trung tâm đến bây giờ. Chỉ một câu “Biết ơn” chưa thể diễn tả hết được tình cảm của các học viên dành cho anh Jimmy Phạm”.
Với những đóng góp của mình, ông Jimmy Phạm đã được nhiều tổ chức trong nước và quốc tế ghi nhận, gần đây nhất là Giải thưởng Cống hiến vì cộng đồng “Human act Prize 2024” do Báo Nhân dân tổ chức. Giải thưởng Công dân toàn cầu do Quỹ Waislitz và Global Citizen trao tặng vì nỗ lực chấm dứt đói nghèo và thay đổi cuộc đời của hơn 1.000 thanh thiếu niên có hoàn cảnh khó khăn tại Việt Nam. Thế nhưng, tình cảm mà học viên các khóa dành tặng cho ông mới là tài sản lớn nhất của Jimmy Phạm.
Hà Thị Thương, học viên khóa mới KOTO bày tỏ: “Tôi không thể quên những gì anh Jimmy Phạm mang đến cho KOTO và cho bản thân tôi. Anh ấy rất vất vả với các học viên và với KOTO để duy trì Trung tâm đến bây giờ. Chỉ một câu “Biết ơn” chưa thể diễn tả hết được tình cảm của các học viên dành cho anh Jimmy Phạm”.
Theo Chanh Tuy/VOV-ĐBSCL
https://vov.vn/xa-hoi/mo-hinh-dao-tao-cua-doanh-nghiep-xa-hoi-day-nghe-cho-tre-yeu-the-post1189346.vov