Năm 2025, Quảng Nam đặt mục tiêu đón 8,4 triệu lượt khách, để đạt được mục tiêu này, ngành du lịch Quảng Nam nỗ lực hoàn thiện các sản phẩm du lịch theo hướng xanh và đẩy mạnh kích cầu du lịch.

Sắc màu Hội An luôn có sức hấp dẫn du khách trong nước và quốc tế. (Ảnh: CTV/Vietnam+)
Nằm ở miền Trung Việt Nam, Quảng Nam hội tụ nhiều tiềm năng, thế mạnh để phát triển nhiều loại hình du lịch. Hằng năm, ngoài dòng khách nội địa, lượng khách quốc tế đến Quảng Nam đều tăng.
Năm 2025, Quảng Nam đặt mục tiêu đón 8,4 triệu lượt khách (tăng 5%), trong đó khách quốc tế ước đạt 5,7 triệu lượt. Để đạt được mục tiêu này, ngành du lịch Quảng Nam nỗ lực hoàn thiện các sản phẩm du lịch theo hướng xanh và đẩy mạnh kích cầu du lịch.
Kích cầu du lịch
Quảng Nam là một trong những điểm đến du lịch tiêu biểu của Việt Nam, nổi bật nhờ sự kết hợp hài hòa giữa cảnh quan thiên nhiên và giá trị văn hóa - lịch sử. Tỉnh sở hữu hai Di sản Văn hóa thế giới được UNESCO công nhận là Đô thị cổ Hội An và Khu đền tháp Mỹ Sơn - những điểm đến mang đậm dấu ấn lịch sử và kiến trúc độc đáo.
Dọc theo 125 km đường bờ biển, Quảng Nam có nhiều bãi tắm đẹp như Thống Nhất, An Bàng, Cửa Đại, Bình Minh, Tam Thanh, Biển Rạng… Trong đó, Hà My, An Bàng và Cửa Đại từng được các trang du lịch uy tín như Rough Guides và CNN Go xếp vào danh sách những bãi biển đẹp và được yêu thích nhất thế giới. Ở khu vực phía Tây, tỉnh còn sở hữu hệ sinh thái rừng nguyên sinh phong phú với nhiều loài động, thực vật quý hiếm.
Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh, trong năm 2024, Quảng Nam đón hơn 8 triệu lượt khách, tăng 14% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, lượng khách quốc tế đạt 5,5 triệu lượt, chiếm hơn 30% tổng số khách quốc tế đến Việt Nam - con số ấn tượng cho thấy sức hút rất lớn của du lịch Quảng Nam trên bản đồ du lịch quốc tế.
Với kỳ vọng điểm đến Quảng Nam tiếp tục là lựa chọn của du khách trong hành trình khám phá du lịch miền Trung Việt Nam, ông Văn Bá Sơn, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Quảng Nam cho biết, năm 2025, ngành du lịch Quảng Nam triển khai chương trình kích cầu du lịch với tổng giá trị ưu đãi lên đến 10 tỉ đồng nhằm thu hút khoảng 8,4 triệu lượt khách tham quan và lưu trú.
Chương trình kích cầu du lịch được chia thành 2 giai đoạn, từ tháng 4 đến tháng 8/2025 với chủ đề “Quảng Nam - Cảm xúc mùa hè” và “Mùa vàng xứ Quảng” diễn ra từ tháng 9 đến tháng 11/2025.
Quảng Nam dự kiến tổ chức cuộc thi đua mô tô nước quốc tế Hội An vào tháng 5, Tuần Văn hóa-Thể thao và Du lịch Quảng Nam vào tháng 6, Lễ hội Đèn lồng quốc tế Hội An vào tháng 8, Festival Mì Quảng - Di sản Văn hóa phi vật thể vào tháng 9, hội Tết Trung Thu Ất Tỵ vào tháng 10…
Trong đợt kích cầu du lịch, nhiều gói sản phẩm hấp dẫn được các doanh nghiệp lữ hành giới thiệu đến du khách như: Combo vé máy bay kèm dịch vụ nghỉ dưỡng, tham quan, vui chơi giải trí; trải nghiệm sản phẩm du lịch xanh Quảng Nam, trải nghiệm “Cung đường di sản: Hội An-Mỹ Sơn-Cổng trời Đông Giang: Nơi thiên nhiên giao hòa cùng văn hóa,” Dấu ấn Phố cổ; chương trình trải nghiệm tham quan làng quê, làng nghề Phổ cổ Hội An kết hợp lưu trú...
Đáng chú ý, nhiều sản phẩm du lịch hiện được có ưu đãi (nhiều sản phẩm ưu đãi tới 50%) như: Tour trải nghiệm Hành trình khám phá rừng dừa Bảy Mẫu và trải nghiệm ẩm thực bản địa; Tour khám phá và trải nghiệm làng gốm cổ ven sông và công viên đất nung lớn nhất Việt Nam; Vé xem show diễn “Ký ức Hội An”, chương trình “Bay qua miền di sản” bằng dù lượn; chương trình nghỉ dưỡng ở 3 trả tiền 2; nghỉ dưỡng 2 đêm, đêm thứ 2 giảm giá 50%...
Phát triển điểm đến xanh
Với nỗ lực dịch chuyển theo hướng xanh, từ năm 2021, Quảng Nam là địa phương đầu tiên trong cả nước đã xây dựng được Bộ tiêu chí du lịch xanh từ 25 Bộ tiêu chí du lịch bền vững trên toàn cầu. Quảng Nam cũng xây dựng được môi trường du lịch bền vững, du lịch “không rác thải nhựa.”
Tại thành phố Hội An, từ năm 2009, chính quyền đã khởi động chương trình không sử dụng túi nilông tại Cù Lao Chàm; nhiều khách sạn, cơ sở lưu trú đã sử dụng nước uống đóng chai thay cho chai nhựa. Đạt được những tiêu chí xanh, những điểm đến, sản phẩm dịch vụ du lịch như: Phố cổ Hội An, Khu đền tháp Mỹ Sơn, du lịch cộng đồng người Cơ Tu ngày càng hút được nguồn khách chất lượng cao.
Ông Văn Bá Sơn, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Quảng Nam cho biết, sau đại dịch COVID-19, Quảng Nam hướng đến xây dựng thương hiệu “Quảng Nam - Điểm đến du lịch xanh.” Theo đó, ngành du lịch Quảng Nam ưu tiên triển các sản phẩm du lịch dựa vào tài nguyên văn hóa độc đáo, kết hợp với tri thức văn hóa dân gian bản địa và tính nguyên bản của tài nguyên thiên nhiên để tạo nên những sản phẩm du lịch bền vững hơn, xanh hơn, thân thiện với môi trường, đảm bảo sự an toàn và sức khỏe của du khách.
Những sản phẩm du lịch theo hướng xanh hóa này được kỳ vọng tạo ra sự khác biệt và phù hợp với xu hướng dịch chuyển du lịch của thời đại. Đồng thời, Quảng Nam cũng ưu tiên phát triển các loại hình du lịch gắn với nông nghiệp, nông thôn gắn với khai thác tiềm năng không gian tự nhiên yên bình và nâng cao các hoạt động trải nghiệm của du khách.
Với hướng đi này, Quảng Nam kỳ vọng tạo ra những sản phẩm có khả năng gia tăng lợi thế cạnh tranh và thu hút du khách.
Để thu hút khách du lịch đến Quảng Nam nhiều hơn nữa, ông Hà Văn Siêu, Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam kiến nghị địa phương tiếp tục phát huy lợi thế tự nhiên và văn hóa của địa phương, không chỉ quảng bá điểm đến đã có tiếng, thu hút rất đông khách như Phố cổ Hội An mà cần chú trọng quảng bá hình ảnh của những điểm đến tiềm năng như: Cù Lao Chàm, Mỹ Sơn, các làng nghề truyền thống (nghề đèn lồng, làm tre thủ công, chạm khắc gỗ, làng lụa…) hay sản phẩm du lịch mới “Cung đường di sản Hội An-Mỹ Sơn-Cổng trời Đông Giang.”
Các doanh nghiệp du lịch Quảng Nam cần tạo ra sản phẩm hấp dẫn và nâng cao được chất lượng dịch vụ, kết hợp với các địa phương lân cận và 2 đầu Bắc - Nam để xây dựng các tuyến du lịch kết nối, luân chuyển dòng khách theo cả 2 chiều, gia tăng lượng khách nội địa, đồng thời mở rộng thị trường khách quốc tế đến với Quảng Nam.
Ông Trương Quốc Hùng, Chủ tịch Câu lạc bộ Lữ hành Unesco Hà Nội cho biết: Ngoài 2 di sản văn hóa thế giới được bảo tồn và khai thác du lịch rất tốt là Phố cổ Hội An và Khu đền tháp Mỹ Sơn, tháng 2/2025, Làng rau Trà Quế đã nhận giải thưởng “Làng du lịch tốt nhất năm 2024” do Tổ chức Du lịch Liên hợp quốc (UNWTO) trao tặng.
Đây là tín hiệu vui mừng cho du lịch xanh, du lịch nông nghiệp, nông thôn của Quảng Nam tiếp tục được du khách nước ngoài yêu thích. Những điểm đến có thương hiệu quốc tế sẽ hút khách đến, trải nghiệm dịch vụ và tạo cơ hội cho những sản phẩm du lịch khác được tiếp cận với nguồn khách
Do vậy ngành du lịch cần chú trọng truyền thông về những sản phẩm mới, đồng thời sử dụng đa dạng các kênh truyền thông mới như tiếp cận qua kênh mạng xã hội: Facebook, Tiktok, người nổi tiếng (KOL).
Phố cổ Hội An nhiều năm nay luôn nằm trong top các điểm đến thu hút nhất hành tinh do nhiều tạp chí thế giới bình chọn. Tuy nhiên, vì quá nổi tiếng đã dẫn đến thực tế Hội An luôn trong tình trạng quá tải.
Dù chính quyền và ngành du lịch Quảng Nam đã nỗ lực thay đổi khi giãn dần du khách ra các vùng ven, xây dựng khu vực phố An Hội bên kia sông nhưng không níu được chân du khách do không có sản phẩm, dịch vụ hấp dẫn.
Để thay đổi thực tế, khách đến chơi, tham quan Phố cổ Hội An rồi về Đà Nẵng lưu trú, Quảng Nam cần xây dựng phát triển các sản phẩm du lịch đặc thù nhằm thu hút và giữ chân du khách, trong đó cần tính toán đến các hoạt động đêm ở phố cổ, hoạt động hấp dẫn du khách vùng ngoại vi phố Hội.
Bên cạnh đó, là địa phương duy nhất đón dòng khách quốc tế nhiều hơn khách nội địa, Quảng Nam cần ứng dụng công nghệ số vào cung đường du lịch, hình thành sản phẩm du lịch mang tính kết nối các điểm đến, nâng cao giá trị văn hóa là đòn bẩy để phát triển du lịch nâng cao vị thế trên bản đồ du lịch Việt Nam và thế giới./.
Theo (TTXVN/Vietnam+)
https://www.vietnamplus.vn/xay-dung-diem-den-xanh-du-lich-quang-nam-hut-khach-post1035318.vnp