Cập nhật: 01/05/2025 11:10:00
Xem cỡ chữ

Phiên tham vấn công khai vụ việc điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá dự kiến sẽ diễn ra từ 9h00 - 12h00, ngày thứ Tư (4/6/2025) tại Tầng 2 nhà B, Trụ sở 54 Hai Bà Trưng, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội theo hình thức trực tiếp và trực tuyến.

Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) cho biết, Cơ quan điều tra (Cục Phòng vệ thương mại) sẽ tổ chức phiên tham vấn công khai, vụ việc điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá (CBPG), đối với sản phẩm thép cán nóng (HRC) có xuất xứ từ Cộng hòa Ấn Độ và Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (mã số vụ việc: AD20).

Căn cứ Điều 70 Luật Quản lý ngoại thương năm 2017 và Điều 13 Nghị định số 10/2018/NĐ-CP, quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý ngoại thương về các biện pháp phòng vệ thương mại, phiên tham vấn công khai dự kiến sẽ diễn ra từ 9h00 - 12h00, ngày thứ Tư (4/6/2025) tại Tầng 2 nhà B, Trụ sở 54 Hai Bà Trưng, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội theo hình thức trực tiếp và trực tuyến.

bo cong thuong mo phien tham van dieu tra chong ban pha gia thep can nong nhap khau hinh anh 1

Ông Chu Thắng Trung, Phó cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại cho biết, các Bên liên quan trong vụ việc điều tra áp dụng biện pháp CBPG đối với sản phẩm thép cán nóng, có xuất xứ từ Cộng hòa Ấn Độ và Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa sử dụng chữ viết và tiếng Việt trong buổi tham vấn.

Các Bên liên quan có quyền dùng tiếng nói và chữ viết khác, tuy nhiên phải có phiên dịch từ ngôn ngữ đó sang tiếng Việt. Các thông tin, tài liệu không phải bằng tiếng Việt do các Bên liên quan cung cấp phải được dịch ra tiếng Việt. Các Bên liên quan phải đảm bảo tính trung thực, chính xác và chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung được dịch thuật.

Thời hạn gửi đăng ký tham gia và nội dung tham vấn đến hết ngày 27/5/2025 (theo giờ Hà Nội). Bản đăng ký tham gia theo mẫu và nội dung tham vấn (nếu có) phải được nộp qua Hệ thống tiếp nhận hồ sơ phòng vệ thương mại trực tuyến (TRAV ONLINE – https://online.trav.gov.vn) của Cơ quan điều tra trong thời hạn quy định. Cơ quan điều tra chỉ xem xét các Bản đăng ký tham gia buổi tham vấn công khai được tiếp nhận đến hết ngày 27/5/2025 (theo giờ Hà Nội).

Ngoài ra, sau khi hoàn thành nộp các tài liệu qua TRAV ONLINE, doanh nghiệp có thể gửi bản đăng ký và nội dung tham vấn (nếu có) bằng văn bản, hoặc thư điện tử trong thời hạn quy định về Cục Phòng vệ thương mại, Số 54 Hai Bà Trưng, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Trước đó, ngày 26/7/2024, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 1985/QĐ-BCT về việc điều tra áp dụng biện pháp CBPG đối với một số sản phẩm thép cán nóng (HRC) có xuất xứ từ Cộng hòa Ấn Độ và Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa.

Quyết định điều tra dựa trên hồ sơ yêu cầu do các công ty sản xuất trong nước nộp theo quy định của Luật Quản lý ngoại thương, cáo buộc các nhà sản xuất thép cán nóng từ Ấn Độ và Trung Quốc đang bán phá giá sản phẩm này sang Việt Nam, gây thiệt hại cho ngành sản xuất trong nước. Thời kỳ thu thập dữ liệu để đánh giá hành vi bán phá giá là từ 1/7/2023 - 30/6/2024, thời kỳ thu thập dữ liệu để đánh giá thiệt hại của ngành sản xuất trong nước là 3 năm (từ 1/7/2021 - 30/6/2024).

Sau khi nhận được hồ sơ yêu cầu, Cơ quan điều tra đã tiến hành xem xét, đề nghị bên yêu cầu bổ sung thông tin, làm rõ một số nội dung cáo buộc trong hồ sơ và tiến hành thẩm định theo quy định. Cơ quan điều tra  thực hiện việc thẩm tra, xác minh lại các thông tin do các bên liên quan cung cấp trước khi hoàn thành kết luận điều tra chính thức về vụ việc. Đồng thời, Cơ quan điều tra cũng sẽ tổ chức tham vấn công khai để các bên liên quan trực tiếp trao đổi, cung cấp thông tin, bày tỏ quan điểm về vụ việc trước khi đưa ra kết luận cuối cùng về vụ việc.

Theo quy định của Luật Quản lý ngoại thương, việc điều tra sẽ kết thúc trong vòng 12 tháng kể từ khi có quyết định điều tra. Trong trường hợp đặc biệt, thời gian này có thể được gia hạn nhưng tổng thời gian điều tra không quá 18 tháng.

Hiện nay, ngành sản xuất thép cuộn cán nóng cả nước có 2 doanh nghiệp với tổng công suất thiết kế đạt 8,2 triệu tấn/năm. Bên cạnh việc phục vụ nhu cầu tiêu thụ trong nước, có một phần được xuất khẩu sang các thị trường khác, tỉ lệ là 50%:50%. Nhu cầu thép cuộn cán nóng tại Việt Nam hiện nay khoảng 12 - 13 triệu tấn/năm. Vì vậy, nhập khẩu vẫn là nguồn bổ sung cho nhu cầu của thị trường trong nước tại thời điểm hiện tại.

Theo Nguyễn Quỳnh/VOV.VN

https://vov.vn/kinh-te/bo-cong-thuong-mo-phien-tham-van-dieu-tra-chong-ban-pha-gia-thep-can-nong-nhap-khau-post1196262.vov