Tiềm năng khai thác, chế biến và xuất khẩu titan ở Việt Nam cao nên trong quá trình khai thác quặng titan ở Việt Nam, cần phải xử lý vật liệu phóng xạ có nguồn gốc tự nhiên.

Khai thác khoáng sản. (Ảnh minh họa. Nguồn: TTXVN)
Chất phóng xạ có nguồn gốc tự nhiên - Norm (Naturally Occurring Radioactive Material) xuất hiện trong đất cát, đá, quặng, khoáng sản, sa khoáng titan, than đá, dầu khí… Mặc dù tính chất phóng xạ trong Norm thấp nhưng qua chế biến, hoạt độ phóng xạ của Norm có thể được làm giàu thêm nhiều lần. Bên cạnh đó, lượng chất thải Norm rất lớn nên việc quản lý khá phức tạp.
Các chuyên gia trong lĩnh vực năng lượng cho rằng dư lượng có chứa Norm nếu không được xử lý và giám sát một cách chặt chẽ sẽ dẫn đến các tác động gây ô nhiễm môi trường không được kiểm soát, kéo theo việc ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe con người.
Nhận thấy sự cần thiết và cấp bách trong việc quản lý an toàn các vật liệu có chứa Norm, Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành Thông tư số 08/2023/TT-BKHCN về Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia chất thải chứa các nhân phóng xạ có nguồn gốc tự nhiên. Tuy nhiên, vấn đề về quản lý chất thải có chứa Norm ở Việt Nam hiện tương đối mới.
Hơn nữa, Việt Nam vẫn còn hạn chế về chuyên môn và kỹ thuật, chưa có nhiều kinh nghiệm thực tế để đánh giá một cách đầy đủ và chính xác các tác động của dư lượng Norm trong ngành công nghiệp khai thác khoáng sản nói chung và công nghiệp titan nói riêng. Vì vậy, Việt Nam đang đẩy mạnh hợp tác trong quản lý Norm.
Bộ Khoa học và Công nghệ cùng các Bộ liên quan như: Nông nghiệp và Môi trường, Công Thương phối hợp quản lý ở các ngành công nghiệp có liên quan đến Norm để Norm không gây tác động xấu tới sức khỏe con người và môi trường.
Theo số liệu thống kê, Việt Nam là một trong số ít các quốc gia trên thế giới có tài nguyên titan với trữ lượng lớn. Tiềm năng khai thác, chế biến và xuất khẩu titan ở Việt Nam cao nên trong quá trình khai thác quặng titan ở Việt Nam, cần phải xử lý vật liệu phóng xạ có nguồn gốc tự nhiên.
Để phát triển ngành công nghiệp titan một cách bền vững, hiệu quả về kinh tế, an toàn cho môi trường, phải tiến hành điều tra, khảo sát đánh giá hiện trạng, nghiên cứu, phát triển và hoàn thiện công nghệ cũng như các biện pháp an toàn nghề nghiệp, phòng ngừa các tác động xấu đến sức khỏe con người trong việc xử lý dư lượng Norm, để đảm bảo tiết kiệm tài nguyên và giảm tỷ lệ chất thải bị ô nhiễm dư lượng Norm.
Trong quá trình triển khai thực hiện cần có sự hợp tác với các đối tác có kinh nghiệm trong nước và quốc tế.
Hiện Viện Khoa học công nghệ và Quản lý Môi trường, Viện Khoa học và Kỹ thuật hạt nhân, Viện Y tế Công cộng Thành phố Hồ Chí Minh và các đối tác Cộng hòa Liên bang Đức đã thực hiện dự án “RENO-TITAN.”
Bên cạnh đó, Việt Nam thực hiện Nghị định thư "Quản lý bền vững và tái sử dụng chất thải chứa tồn dư phóng xạ có nguồn gốc tự nhiên (Norm) từ ngành công nghiệp titan tại Việt Nam" do Bộ Khoa học và Công nghệ phê duyệt nhằm cung cấp nền tảng phương pháp luận, cơ sở khoa học và công nghệ để hỗ trợ công tác quản lý bền vững, xử lý và tái sử dụng chất thải Norm trong ngành công nghiệp titan tại Việt Nam.
Viện Khoa học và Kỹ thuật hạt nhân (Viện Năng lượng Nguyên tử Việt Nam), một trong 3 đơn vị phối hợp tham gia thực hiện, có truyền thống, kinh nghiệm và năng lực trong việc thực hiện các nghiên cứu, khảo sát trong lĩnh vực môi trường phóng xạ và phi phóng xạ hướng tới đánh giá, quản lý, xử lý và tái sử dụng chất thải Norm.
Cuối tháng 4/2025 vừa qua, tại buổi làm việc của Viện Năng lượng Nguyên tử Việt Nam với Đại học Tokyo (Nhật Bản), Giáo sư Takeshi Iimoto, Khoa Môi trường, Sức khỏe và An toàn (Đại học Tokyo) đã chia sẻ các kinh nghiệm quốc tế nói chung cũng như kinh nghiệm của Nhật Bản nói riêng.
Giáo sư Takeshi Iimoto chia sẻ về những đặc tính của chất thải phóng xạ có nguồn gốc tự nhiên và vấn đề an toàn bức xạ liên quan đến Norm và cho biết Nhật Bản rất chú trọng đến việc làm thế nào để quản lý môi trường Norm. Ông tin rằng từ những kinh nghiệm của Nhật Bản, Việt Nam sẽ có thêm nhiều kinh nghiệm trong quản lý Norm.

Đá tự nhiên có chứa Norm trong các hầm mỏ. (Nguồn: Ae-radioactive)
Cũng tại buổi làm việc, Tiến sỹ Phạm Quang Minh, Phó Viện trưởng Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam đã báo cáo cập nhật về các “Quy định an toàn trong việc quản lý chất thải phóng xạ có nguồn gốc tự nhiên - Norm," đồng thời, chia sẻ về “Quản lý chất thải Norm tại Viện Công nghệ xạ hiếm” thời gian qua cũng như những chiến lược, định hướng quản lý Norm trong thời gian tới.
Tiến sỹ Phạm Quang Minh đánh giá cao sự hợp tác hiệu quả thông qua Chương trình trao đổi cán bộ nghiên cứu hạt nhân (MEXT Nuclear Researchers Exchanging Program) của Nhật Bản. Trong khuôn khổ chương trình trao đổi, Đại học Tokyo đã tiếp nhận cán bộ, nghiên cứu viên của Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam sang làm việc và nghiên cứu, góp phần thúc đẩy hợp tác, nâng cao năng lực trong quản lý chất phóng xạ có nguồn gốc tự nhiên./.
Theo (TTXVN/Vietnam+)
https://www.vietnamplus.vn/nang-cao-nang-luc-ve-quan-ly-chat-phong-xa-co-nguon-goc-tu-nhien-post1037316.vnp