Tại phiên thảo luận về Dự thảo Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) (sửa đổi), nhiều đại biểu Quốc hội đã nêu những bất cập trong thực tiễn áp dụng, đồng thời đề xuất nhiều giải pháp nhằm hoàn thiện chính sách thuế, tạo điều kiện thuận lợi cho cộng đồng doanh nghiệp, thúc đẩy đổi mới sáng tạo và phát triển.
Một trong những nội dung được quan tâm là việc xác định đối tượng chịu thuế thu nhập doanh nghiệp đối với các đơn vị sự nghiệp công lập như bệnh viện, trường học…
Đại biểu Nguyễn Vân Chi, đại biểu đoàn Nghệ An cho rằng, các hoạt động thuần túy phục vụ công không mang tính kinh doanh thì không nên tính thuế. Tuy nhiên, với phần thu nhập đến từ hoạt động liên kết, hợp tác với bên ngoài, cần quy định rõ để tránh tình trạng đánh thuế toàn phần. Tuy nhiên, cần làm rõ khái niệm "hoạt động kinh doanh", đồng thời quy định cụ thể việc đánh thuế đối với phần thu nhập có được từ hoạt động liên kết để tránh tình trạng đánh thuế không hợp lý.

Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu, đại biểu đoàn Bình Định
Đồng quan điểm đại biểu Nguyễn Lân Hiếu, đại biểu đoàn Bình Định cho rằng, trong thực tiễn hoạt động khám, chữa bệnh, nhiều cơ sở y tế công lập hiện đang triển khai các dịch vụ kỹ thuật y tế theo chức năng, nhiệm vụ được giao. Tuy nhiên, các khoản thu từ những dịch vụ này lại đang bị xem là thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp , trong khi bản chất là dịch vụ sự nghiệp công, nhằm phục vụ nhu cầu khám, chữa bệnh của nhân dân. Trước đây, Thông tư số 128/2011/TT-BTC của Bộ Tài chính từng quy định rõ rằng thu nhập từ các dịch vụ kỹ thuật y tế thực hiện theo chức năng, nhiệm vụ sẽ được miễn thuế TNDN. Tuy nhiên, khi Thông tư số 79/2014/TT-BTC ban hành, quy định này đã bị bãi bỏ, dẫn đến nhiều khó khăn cho các cơ sở y tế công lập.
Vấn đề đặt ra là mức thu của các dịch vụ y tế công lập hiện nay thường rất thấp, chưa đủ để bù đắp các chi phí phát sinh, bao gồm: chi phí nhân công, chi phí trực tiếp, chi phí khấu hao tài sản, chi phí quản lý... Đồng thời, theo quy định tại Nghị định số 16/2015/NĐ-CP của Chính phủ, các đơn vị sự nghiệp công lập được giao cơ chế tự chủ tài chính, trong đó có hai nguồn thu chính: từ hoạt động dịch vụ sự nghiệp công và từ hoạt động sản xuất kinh doanh, liên doanh, liên kết. Tuy nhiên, các khoản thu từ khám, chữa bệnh vẫn bị coi là thu nhập từ hoạt động kinh doanh, dẫn đến việc áp thuế TNDN không hợp lý.
Tôi xin đề xuất bổ sung quy định miễn thuế TNDN đối với các khoản thu từ hoạt động khám, chữa bệnh phục vụ nhiệm vụ chính trị, an sinh xã hội, đặc biệt tại các cơ sở y tế công lập. Đồng thời, đề nghị quy định rõ ràng, minh bạch về phạm vi các dịch vụ y tế được miễn thuế, nhằm giảm rủi ro pháp lý, tạo điều kiện thuận lợi cho các đơn vị thực hiện nhiệm vụ công.
Ngoài ra, ông Hiếu đề xuất bổ sung quy định miễn thuế TNDN đối với các khoản tài trợ bằng tiền hoặc hiện vật phục vụ cho hoạt động giáo dục, y tế, văn hóa, an sinh xã hội. Việc này không chỉ giúp các đơn vị khó khăn đầu tư, mua sắm trang thiết bị, xây dựng cơ sở vật chất mà còn góp phần khuyến khích các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước tham gia hỗ trợ hệ thống y tế Việt Nam. Đây là bước đi cần thiết để đảm bảo chính sách thuế công bằng, phù hợp với mục tiêu phát triển hệ thống y tế vì cộng đồng.
Bên cạnh đó, hiện còn tồn tại bất cập trong việc xác định chi phí hợp lý đối với giá thuốc sử dụng trong khám, chữa bệnh ngoại trú. Thông tư 14/2020/TT-BYT quy định giá thuốc không được tính thêm chi phí quản lý, dẫn đến khó khăn trong hạch toán và xác định giá bán. Do đó, ông Hiếu kiến nghị cần điều chỉnh quy định về giá thuốc tại cơ sở y tế công lập, bảo đảm phù hợp với thực tế và không làm phát sinh chi phí thuế không hợp lý cho các đơn vị này.
Cuối cùng, ông Hiếu đề xuất bổ sung quy định về việc miễn thuế TNDN cho các khoản thu từ hoạt động dịch vụ y tế hỗ trợ như: chăm sóc sức khỏe ban đầu, tư vấn y tế, phục hồi chức năng, dinh dưỡng điều trị, mời chuyên gia tư vấn, v.v. Đây là các hoạt động có ý nghĩa hỗ trợ chuyên môn, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, nhưng hiện chưa được xem xét ưu đãi về thuế một cách hợp lý.

Toàn cảnh phiên họp 12/5
Một số đại biểu đề cập đến Nghị quyết số 08, trong đó cho phép doanh nghiệp được trích tối đa 20% thu nhập trước thuế để phát triển khoa học – công nghệ. Tuy nhiên, dự thảo hiện tại chưa kế thừa hoặc làm rõ quy định này. Ngoài ra, hiện vẫn còn thiếu quy định cụ thể về việc khấu trừ các chi phí phát sinh phục vụ hoạt động đổi mới sáng tạo, như chi phí nghiên cứu thị trường, xây dựng thương hiệu hay đào tạo nhân lực, trong khi đây là các khoản đầu tư quan trọng đối với doanh nghiệp khởi nghiệp và doanh nghiệp mới thành lập.
Một số ý kiến cũng nhấn mạnh việc dự thảo chưa có cơ chế ưu đãi thuế đặc thù cho doanh nghiệp công nghiệp xanh và phát triển bền vững, trong khi các ngành này đóng vai trò rất quan trọng trong bối cảnh Việt Nam thúc đẩy chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, quản lý chất thải, năng lượng tái tạo. Do đó, đề xuất bổ sung các quy định ưu đãi thuế cho các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp hữu cơ, sản xuất vật liệu sạch, năng lượng tái tạo và công nghệ môi trường.
Cuối cùng, các đại biểu nhấn mạnh sự cần thiết của một cơ chế giám sát, đánh giá hiệu quả các chính sách ưu đãi thuế theo định kỳ. Việc này không chỉ giúp điều chỉnh chính sách kịp thời mà còn đảm bảo hiệu quả thực chất, tránh lạm dụng, góp phần xây dựng hệ sinh thái thuế minh bạch, công bằng và thúc đẩy sự phát triển của doanh nghiệp trong dài hạn.
Theo Vân Hồng/VOV.VN
https://vov.vn/kinh-te/thu-nhap-chiu-thue-trong-don-vi-su-nghiep-cong-lap-con-nhieu-diem-can-lam-ro-post1198782.vov