Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, sáng 22/11, dưới sự chủ trì của đồng chí Dương Văn An, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh, Tổ trưởng Tổ 5 gồm Đại biểu Quốc hội các tỉnh: Vĩnh Phúc, Kiên Giang, Quảng Nam và Lào Cai đã thảo luận tại tổ về 2 Dự án Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi); Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi).
Đồng chí Dương Văn An, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc, Tổ trưởng Tổ 5 điều hành phiên thảo luận tổ.
Đại biểu Dương Văn An, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Phúc nhấn mạnh đến nỗ lực của Chính phủ Việt Nam trong thực hiện cam kết quốc tế về phát thải ròng và đẩy nhanh quá trình chuyển đổi năng lượng xanh, khuyến khích sử dụng năng lượng sạch, không gây tổn hại đến môi trường, do vậy, đại biểu đề nghị trong dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt cần nghiên cứu có những ưu đãi về thuế tiêu thụ đặc biệt với dòng động cơ lai hybrid.
Cũng về nội dung dự án Luật này, Đại biểu Nguyễn Văn Mạnh, Phó trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh cho rằng, tại Điều 8 quy định thuế suất tiêu thụ đặc biệt đối với một số hàng hóa dịch vụ có sửa đổi bổ sung mô tả và mức thuế suất đối với một số mặt hàng thân thiện với môi trường nhưng chưa bổ sung quy định liên quan tới việc khuyến khích sử dụng các dòng xe thân thiện với môi trường như dòng xe điện Hybid được hưởng ưu đãi thuế suất tiêu thụ đặc biệt.
Đại biểu Nguyễn Văn Mạnh, Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc thảo luận tại tổ chiều 22/11.
Theo Đại biểu Nguyễn Văn Mạnh, hiện nay nhiều quốc gia trên thế giới, trong giai đoạn chuyển đổi từ việc sử dụng xe xăng sang xe điện đã áp dụng các chính sách ưu đãi cho các dòng xe Hybrid và xe thân thiện với môi trường khác, bên cạnh các ưu đãi dành cho xe thuần điện. Ưu đãi thuế với dòng xe hybrib giúp giảm lượng dầu thô cần nhập khẩu cho hoạt động sản xuất xăng dầu ở Việt Nam, từ đó góp phần vào giảm áp lực lên cán cân thương mại xuất nhập khẩu; giúp giảm bớt các tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu; hỗ trợ sự phát triển của các doanh nghiệp trong ngành công nghiệp sản xuất ô tô tại Việt Nam, nâng cao chỉ số cạnh tranh trong thu hút đầu tư; thúc đẩy người tiêu dùng thay đổi thói quen, khuyến khích sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường.
Đối với dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân, Đại biểu Nguyễn Văn Mạnh đề nghị cơ quan soạn thảo điều chỉnh một số điều khoản để tránh trùng lặp; xem xét lại quy định đề xuất chương trình giám sát của Hội đồng nhân dân sau phê duyệt của các bộ, ngành Trung ương; bổ sung quy định Văn phòng Đoàn Đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân tỉnh đăng tải văn bản trả lời chất vấn trên Cổng Thông tin điện tử của Hội đồng nhân dân; xem xét một số nội dung trong dự thảo Luật về thẩm quyền giám sát của Hội đồng nhân dân, thẩm quyền của Hội đồng nhân dân trong việc xem xét kết quả giám sát và các hoạt động giám sát của các Ban Hội đồng nhân dân.
Đại biểu Trần Văn Tiến, Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc thảo luận tại tổ chiều 22/11.
Cho ý kiến vào Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật, Đại biểu Trần Văn Tiến đề nghị trong chiến lược hóa quốc gia cần quy định cụ thể về mục tiêu, tầm nhìn, thời kỳ chiến lược; trách nhiệm của các bộ, ngành phối hợp hoàn thiện chiến lược đảm bảo phù hợp với thông lệ quốc tế; đánh giá tính khả thi của quy định về xây dựng, khai thác và sử dụng hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật thống nhất từ Trung ương xuống địa phương; bổ sung quy định về tiêu chí, điều kiện, trách nhiệm để các tổ chức, cá nhân liên quan được tham gia và xây dựng tiêu chuẩn Việt Nam.
Ngày mai (23/11), Quốc hội tiếp tục làm việc, thảo luận về 3 dự án Luật: Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp; Luật Công nghiệp công nghệ số và Luật Hóa chất (sửa đổi).
Ngọc Anh